Xã nghèo tập trung cán đích nông thôn mới vào năm 2020

P.V Thứ tư, ngày 27/11/2019 09:43 AM (GMT+7)
Dù là xã vùng sâu, cách TP.Kon Tum gần 80 km và có hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã sớm đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện xã đang đẩy mạnh hoàn thành 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo để cán đích nông thôn mới vào năm 2020. 
Bình luận 0

Chú trọng xây dựng tiêu chí văn hóa

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây tình hình kinh tế - xã hội của xã Măng Cành đã tiến triển rõ nét, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, cơ cấu kinh tế đã có những bước chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.

img

Tiêu chí thu nhập đang ngày càng được nâng cao nhờ trồng dược liệu.

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy trong quá trình thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, UBND xã Măng Cành đã có nhiều giải pháp tuyên truyền người dân đẩy mạnh thực hiện tiêu chí về văn hóa, hỗ trợ các thôn làng xây dựng nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa phù hợp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Đến nay xã đã có 10/10 thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VH -TT-DL, đạt tỷ lệ lệ 100%, gồm các thôn Kon Chênh; Kon Kum; Kon Tu Ma; Kon Tu Răng; Măng Cành; Măng Mô; Đăk Ne; Kon Du; Măng Pành; Kon Năng.

Theo ông Trần Nết – Chủ tịch UBND xã Măng Cành, xã xác định việc xây dựng gia đình văn hóa có ý nghĩa quan trọng, có tác động trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là động lực để xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, góp phần cùng với địa phương giữ vững các tiêu chí của xã chuẩn NTM. Vì lẽ trên, ngay từ khi xây dựng các buôn làng, xã đạt chuẩn nông thôn mới, chính quyền xã luôn chú trọng đến tiêu chí văn hóa, luôn tích cực tuyên truyền vận động người dân trong việc hoàn thành tiêu chí này, đến nay đã đạt được. Ngoài ra, các công tác như thực hiện quy ước văn hóa, thôn làng, hội khuyến học, từ thiện, nhân đạo, xây dựng các tổ tự quản, đội hòa giải, đội văn nghệ cũng được thực hiện tốt. Qua đó tinh thần đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư cũng tăng lên rõ rệt.

Về cơ sở vật chất, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của xã đã được nâng cấp, xây dựng mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đây cũng là cơ sở thuận lợi tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã trong thời gian tới.

Bên cạnh chú trọng thực hiện tiêu chí văn hóa, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, Măng Cành là một trong những xã đi đầu của huyện Kon Plông về thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục luôn được chính quyền địa phương quan tâm phát triển sâu rộng. Cũng nhờ vậy, đời sống đại bộ phận gia đình nông dân được cải thiện. Cơ cấu cây trồng vật nuôi tiếp tục được chuyển đổi mạnh mẽ, một số loại cây trồng mới được đưa vào trồng cho hiệu quả kinh tế cao như cây cà phê xứ lạnh, các loại cây dược liệu như cây đương quy, sâm dây, cà gai leo...

Nhiều giải pháp cho 2 tiêu chí cuối

Trước đó, người dân nơi đây chủ yếu trồng cà phê xứ lạnh, mì, lúa,… để phục vụ đời sống vật chất của mình. Tuy nhiên, nhận thấy khí hậu thuận lợi thích hợp với các loại cây dược liệu nên đã chuyển đổi các cây kém hiệu quả sang trồng dược liệu. Cũng nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã được cải thiện và nâng lên một bước đáng kể, mở ra hướng đi mới cho người dân có hi vọng đổi đời. Ngoài việc phát triển cây dược liệu thành mũi nhọn, việc trồng cây dược liệu còn giúp phần lớn người dân trong xã giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

“Lên đời” sớm nhờ dược liệu, ông A Thô (43 tuổi, trú tại thôn Đăk Ne, xã Măng Cành) phấn khởi cho biết: “Sau khi được tuyên truyền, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa, cây mì sang trồng dược liệu từ đầu năm 2018. Sau gần một năm chăm bón hơn 700m2 sâm đương quy, tôi đã thu hoạch được 2 tạ củ. Với giá bán 40.000 đồng/kg, tính ra mỗi ha sâm đương quy cho thu tới 120 triệu đồng. Nếu so với trồng mì, trồng bắp như trước thì trồng sâm cho thu nhập cao gấp 5 - 7 lần…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nết cho biết: “Việc xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn như chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn khó khăn, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế, người dân chưa tự giác trong việc tham gia sản xuất, chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất. Để khắc phục những khó khăn trên và hoàn thành 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo, xã đã xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn, tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. Đồng thời tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các sản phẩm chủ lực như giống heo địa phương, các nhóm cây dược liệu sâm đương quy, sâm dây...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem