Vượt khó tìm nước trồng rau, nuôi lợn, làm trường học nông trại

Tuấn Hùng Chủ nhật, ngày 18/12/2022 07:00 AM (GMT+7)
Vượt gian khó dẫn nước về làm trường học nông trại, thầy và trò ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên, Lai Châu có môi trường học tập, rèn luyện nhiều lý thú.
Bình luận 0

Clip: Thầy và trò ở xã vùng cao Lai Châu vượt khó tìm nước, trồng rau, nuôi lợn xây dựng mô hình trường học nông trại.

Tìm nước về làm trường học nông trại

Ý tưởng xây dựng trường học nông trại đã hình thành từ lâu, nhưng ngặt nỗi không có nước. Năm 2013, sau một thời gian dài nỗ lực vượt qua nhiều gian khó, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Tà Mung, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, Lai Châu đã dẫn được nước từ trên núi về.

Dẫn được nước về trường, như tìm thấy "vàng", thầy và trò Trường PTDTBT THCS Tà Mung có điều kiện xây dựng mô hình trường học nông trại, thoả ước mơ ấp ủ bấy lâu.

Vượt khó tìm nước trồng rau nuôi lợn làm trường học nông trại - Ảnh 2.

Trường PTDTBT THCS Tà Mung. xã Tà Mung, huyện Than Uyên, Lai Châu là điểm sáng trong công tác dạy và học gắn với mô hình trường học nông trại. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, thầy giáo Phạm Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Tà Mung, Than Uyên, Lai Châu hồ hởi nói: Mô hình trường học nông trại không chỉ bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, cải thiện bữa ăn mà còn góp phần tạo môi trường giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh.

Chỉ tay ra phía xa, thầy Mạnh cho biết: Trường PTDTBT THCS Tà Mung, xã Tà Mung nằm trên độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển. Thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, thường có mưa vào đầu năm học, từ tháng 12 năm trước đến khoảng giữa tháng 3, tháng 4 năm sau thời tiết khô hanh và giá lạnh.

Thời tiết khắc nghiệt nên cứ một năm thì phải có đến 6 tháng trường thiếu nước sinh hoạt. Để có nước dùng, chúng tôi phải hứng nước vào mùa mưa và dùng thật tiết kiệm. Còn mùa khô, sau mỗi chiều tan lớp, thầy và trò lại tay xách, nách mang, nào là can, xô, thùng "rồng rắn" cuốc bộ gần chục cây số vào khe núi để lấy nước.

Giải bài toán thiếu nước, từ năm 2013 các thầy, cô giáo nhà trường đã lặn lội khảo sát thực địa, tìm nguồn nước ổn định để đưa về trường.

Vượt khó tìm nước trồng rau nuôi lợn làm trường học nông trại - Ảnh 3.

Mô hình trường học nông trại ở Trường PTDTBT THCS Tà Mung giúp học sinh có thêm trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp... Ảnh Tuấn Hùng

Chỉ sau 2 tuần, với chi phí gần 10 triệu đồng, hơn 1.000m đường ống dẫn nước đã được thầy và trò nhà trường thi công xong. Cả thầy và trò Trường PTDTBT THCS Tà Mung nhớ như in những nụ cười, ánh mắt hân hoan, vui mừng khi chứng kiến dòng nước chảy đầy chiếc bể hơn 2m3.

Có nước lại sẵn có đất, để cải thiện đời sống, thầy và trò nhà trường nhanh chóng cải tạo trồng rau xanh. Đến năm 2015, thầy trò nhà trường bắt đầu xây dựng mô hình trường học nông trại, vừa để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, vừa là môi trường học tập và rèn luyện cho học sinh.

Chỉ sau một thời gian ngắn, bắt đầu từ những luống rau xanh, rồi đến chuồng trại, ao cá cũng dần được hình thành. Mô hình trường học nông trại được xây dựng trong niềm vui vô bờ, đây là thành quả nỗ lực vượt khó của tập thể thầy cô giáo và các em học sinh vùng cao Tà Mung.

Vượt khó tìm nước trồng rau nuôi lợn làm trường học nông trại - Ảnh 4.

Các sản phẩm rau xanh từ mô hình trường học nông trại do thầy và trò Trường PTDTBT THCS Tà Mung tự tay trồng giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em học sinh. Ảnh Tuấn Hùng

"Việc phát triển mô hình nông trại mang lại hiệu quả rất thiết thực, giúp các em rèn kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi. Từ mô hình này, giúp cho việc chăm sóc nuôi dưỡng học sinh hiệu quả và an toàn. Bữa ăn cho các em cũng được bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn.

Xác định, ngoài việc thu lại sản phẩm phục vụ các em thì đây cũng là nơi để các em học tập, trải nghiệm thực tế - Học đi đôi với hành. Đến nay, mô hình trường học nông trại của chúng tôi có 21 con lợn, trên 2.800m2 rau xanh như bắp cải, su hào, cải canh…", thầy Mạnh vui vẻ cho biết.

Trường học nông trại hiệu quả lớn

Được biết, năm học 2022 - 2023, Trường PTDTBT THCS Tà Mung, xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu) có 408 học sinh, trong đó có 291 em thực hiện bán trú tại trường. Mô hình trường học nông trại có nhiều hoạt động rất ý nghĩa, đem lại hiệu quả thiết thực.

Các em học sinh dân tộc vùng cao Tà Mung vốn nhút nhát, rụt rè, tham gia các hoạt động trường học nông trại các em dần được khẳng định bản thân, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.

Vượt khó tìm nước trồng rau nuôi lợn làm trường học nông trại - Ảnh 5.

Mô hình trường học nông trại của thầy và trò Trường PTDTBT THCS Tà Mung giúp học sinh có thêm kỹ năng về chăn nuôi, trồng trọt có áp dụng khoa học. Ảnh Tuấn Hùng

Từ khi mô hình trường học nông trại được xây dựng, các em đã tiến bộ rất rõ rệt như tự lên kế hoạch trồng rau, đặt mục tiêu, rồi lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc rau. Nhờ đó, bữa ăn hằng ngày cũng được cải thiện, giúp các em có thêm sức khỏe hăng say học tập.

Chia sẻ với chúng tôi, em Lò Thị Trang, học sinh lớp 8A2, Trường PTDTBT THCS Tà Mung, Than Uyên, Lai Châu cho biết: Dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, ở trường ngoài học văn hóa, chúng em được trồng cây, nuôi lợn, nhờ đó chúng em đã biết cách chọn giống, trồng rau, chăn nuôi khoa học.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, các em Trường PTDTBT THCS Tà Mung không chỉ được lĩnh hội tri thức mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị của trường học nông trại. Từ đó, giúp các em hoàn thiện bản thân, rèn luyện kỹ năng sống.

Tham gia các hoạt động của mô hình giúp các em học sinh thêm gắn bó trong cuộc sống, tự tin trong giao tiếp, đời sống văn hoá, tinh thần từng bước được nâng lên, giúp các em hứng thú trong học tập.

Vượt khó tìm nước trồng rau nuôi lợn làm trường học nông trại - Ảnh 6.

Từ các hoạt động mô hình trường học nông trại, các em học sinh có thêm niềm say mê trong học tập. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ thêm với phóng viên, thầy Mạnh cho biết: Việc thực hiện mô hình trường học nông trại nếu nói về góc độ hiệu quả kinh tế thì không nhiều.Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các em học sinh nhà trường đã được áp dụng khoa học, kĩ thuật vào học tập trải nghiệm, thực hành thực tế với từng loại cây trồng.

Đặc biệt, khi mô hình đem lại hiệu quả đã có tính lan tỏa trong nhân dân, nhiều bà con thấy hay đã đến thăm quan, hỏi thăm kinh nghiệm, kinh phí đầu tư, kĩ thuật trồng trọt, chăm sóc.

"Thành công bước đầu của mô hình trường học nông trại góp phần có những định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, đặc biệt là nghề trồng trọt, chăn nuôi có áp dụng khoa học, kĩ thuật", thầy Mạnh hồ hởi cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem