Vườn xoài tròn đặc sản Yên Châu, cây nào cũng trĩu quả, ông nông dân Sơn La hái xuống ai cũng muốn cắn ngay

Mùa Xuân Thứ năm, ngày 07/07/2022 19:00 PM (GMT+7)
Ông Quàng Văn Xuân, (sinh năm 1965), dân tộc Thái ở bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã thành công nhờ ghép mắt cây xoài tròn đặc sản bản địa, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Bình luận 0


Clip: Ông Quàng Văn Xuân, bản Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) nói về giống xoài tròn bản địa.

Gắn bó với cây xoài tròn đặc sản Yên Châu từ khi còn tuổi ấu thơ

Dẫn chúng tôi lên thăm vườn xoài tròn mới thu hoạch xong, với diện tích 2 ha, ông Xuân kể: Xoài tròn là giống xoài đặc sản có từ lâu đời của địa phương, tôi gắn bó với cây xoài tròn này từ bé.

Lão nông vươn lên làm giàu nhờ ghép mắt cây xoài đặc sản  - Ảnh 2.

Những cây xoài tròn cổ thụ được gia đình ông Quàng Văn Xuân chăm sóc và bảo vệ. Ảnh: Mùa Xuân.

Xoài tròn được người dân trong bản chúng tôi trồng từ rất nhiều năm nay rồi, với đặc điểm quả nhỏ, tròn, vỏ có màu xanh thường nhám, có các vệt đốm nâu đen chứ không láng bóng nhưng khi chín cùi dày, thịt mịn có màu đỏ hoặc vàng cam, vị ngọt đậm, thơm. Vì vậy người dân bản chúng tôi còn đặt tên quả xoài tròn là "xoài trứng" để người tiêu dùng dễ phân biệt với các giống xoài của các địa phương khác.

Cây xoài tròn có ưu điểm riêng biệt so với các loại xoài khác là thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nóng, ít sâu bệnh, ăn ngon. Ngày xưa các cụ còn ăn cùng với cơm, ngon đến mức độ như vậy.

Lão nông vươn lên làm giàu nhờ ghép mắt cây xoài đặc sản  - Ảnh 3.

Thân cây xoài tròn to, một người ôm không xuể, đây là giống xoài đặc sản mang thương hiệu riêng ở bản Sai nói riêng và huyện Yên Châu nói chung. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Xuân, cây xoài tròn được bà con trồng rải rác vào khoảng những năm 60 – 70, do không được chăm sóc, những cây cổ thụ giờ đã thoái hóa, năng suất, chất lượng giảm, quả nhiều xơ, sâu bệnh; cây có tán cao khó khăn trong việc chăm sóc và thu hái.

Kỹ thuật ghép mắt xoài tròn đặc sản

Để bảo tồn, phát triển giống xoài tròn ông Xuân và nhiều hộ dân trong bản đã được cán bộ khuyến nông của huyện Yên Châu tập huấn kỹ thuật ghép mắt cây xoài tròn.

Lão nông vươn lên làm giàu nhờ ghép mắt cây xoài đặc sản  - Ảnh 4.

Xoài tròn thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Sơn La ưa chuộng, mua về ăn và làm quà. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng theo ông Xuân, các cụ ngày xưa do chưa có kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài tròn nên sản lượng thường thấp hơn. Đối với cây xoài tròn nếu được trồng bằng hạt thì phải mất 7 - 8 năm mới cho bói quả, thời gian thu hoạch lâu hơn rất nhiều.

Năm 2017, sau khi gia đình ông Xuân cùng một số hộ dân trong bản được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu tập huấn về phương pháp ghép mắt. Trong quá trình thực hành ghép tại vườn, ông Xuân còn được cán bộ hướng dẫn từ khâu làm đất, ươm trồng cây xoài dại cho đến ghép mắt; quá trình chăm sóc, bón phân và cả khâu thu hái, bảo quản…

Khi đã có kiến thức, kinh nghiệm, ông Xuân tìm lấy hạt của cây xoài dại về ươm tại gia đình trong thời gian 3 tháng. Sau đó, ông Xuân mang lên đất dốc trồng, khi cây xoài dại được một năm tuổi thì tiến hành ghép mắt xoài tròn bản địa.

Lão nông vươn lên làm giàu nhờ ghép mắt cây xoài đặc sản  - Ảnh 6.

Gian hàng trưng bày xoài tròn của gia đình ông Xuân thu hút đông đảo khách đến thu mua. Ảnh: Q.X.

Chia sẻ về kỹ thuật ghép, ông Xuân bảo, đầu tiên sẽ cắt một đoạn cành cây xoài tròn đầu dòng dài 10 cm, có từ 3 - 4 mắt ghép vào cây xoài dại đã trồng trước đó. Thời vụ tiến hành ghép mắt, bắt đầu từ tháng 4 - 10 hằng năm, bởi đây là mùa vụ có độ ẩm cao, nên tỷ lệ sống của cây xoài sẽ đạt cao hơn.

Lão nông vươn lên làm giàu nhờ ghép mắt cây xoài đặc sản  - Ảnh 7.

Cây xoài dại được ông Xuân ươm ở trong vườn của gia đình trước khi mang đi trồng để ghép mắt. Ảnh: Q.X.

Sau khi ghép giống, phải tăng cường chăm bón cho cây gốc ghép khỏe mạnh, tăng khả năng tiếp hợp giữa mắt ghép và gốc ghép. Trong thời gian này cần tưới nước đủ ẩm, bón thêm phân chuồng, phân NPK, tỉa bỏ triệt để các mầm dại mọc ngoài mắt ghép. 

Đồng thời, phải theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây xoài để kịp thời phát hiện một số sâu bệnh gây hại như thán thư, đốm lá, rầy xoài, từ đó, có giải pháp xử lý, giúp cây xoài lớn nhanh hơn. 

Lão nông vươn lên làm giàu nhờ ghép mắt cây xoài đặc sản  - Ảnh 8.

Ông Quàng Văn Xuân chăm sóc diện tích xoài tròn ghép mắt của gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

Với cách làm như vậy, cây xoài tròn ghép mắt phát triển tốt, sau 3 năm chăm sóc, cây xoài ghép mắt đã cho ra hoa đậu quả. Vụ năm 2020, ông Xuân thu được khoảng 30 tấn quả xoài tròn.

Còn vụ năm nay, do mưa axit nên ít quả hơn, bởi vậy hết vụ, gia đình ông Xuân thu được gần 20 tấn quả xoài tròn, với giá bán 25 nghìn đồng/kg, cuối vụ trên 40 nghìn đồng/kg, ông Xuân thu về trên 400 triệu đồng

"Năm nay, do ảnh hưởng của mưa axit ít đậu quả ít hơn so với các năm khác. Tuy nhiên, điều mừng nhất là dịch Covid-19 được kiểm soát nên giá cũng cao hơn so với các năm trước.

Lão nông vươn lên làm giàu nhờ ghép mắt cây xoài đặc sản  - Ảnh 9.

Cây xoài tròn sau khi ghép với cây xoài dại sẽ thấp hơn và ít sâu bệnh hơn so với các loại xoài khác. Ảnh: Mùa Xuân.

So với cây xoài tròn cổ thụ lâu năm, xoài ghép mắt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, chất lượng quả ít sâu bệnh. Ngoài ra, cây xoài ghép mắt cũng thấp hơn, do vậy, việc thu hái trở nên dễ dàng hơn rất nhiều". Ông Xuân, phấn khởi nói.

Lão nông vươn lên làm giàu nhờ ghép mắt cây xoài đặc sản  - Ảnh 10.

Từ khi tiến hành ghép mắt cây xoài tròn đã thấp hơn, dễ dàng thu hái mỗi khi vào vụ. Ảnh: V.X.

Năm 2012, xoài tròn của bản Sai nói riêng và huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) nói chung đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem