Vùng đất này, lặn xuống đáy sông đục con đặc sản gì mà nguy hiểm quá vẫn có người dám làm?

Thứ bảy, ngày 11/12/2021 19:01 PM (GMT+7)
Ở vùng sông nước tỉnh Cà Mau, con hàu sinh sống nương nhờ vào các vách đá dưới biển, lòng sông, dưới cống vuông tôm và bám theo chang đước, theo con nước thuỷ triều mà sinh trưởng.
Bình luận 0

Ðặc biệt là ở những đáy sông xứ Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau, con hàu to, thịt thơm ngon hơn cả. Ðể đưa sản vật này đến với người tiêu dùng là sự vất vả của người làm nghề đục hàu. Họ gắn bó với nghề để mưu sinh và còn vì cái nghiệp với sông nước…

Vùng đất này của tỉnh Cà Mau, dân lặn sông đục con gì mà nhiều người ít dám làm? - Ảnh 1.

Nghề lặn đục hàu ở vùng sông nước tỉnh Cà Mau rất vất vả, hiểm nguy, nên ít người dám làm.

Theo ghe gia đình ông Nguyễn Thành Minh và bà Lê Thị Cúc (quê xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, Cần Thơ, hiện thường trú ấp Xóm Tắc, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi) lênh đênh sông nước thương hồ, tôi nể phục khi tận mắt thấy tài nghệ lặn đục hàu dưới đáy sông của ông Minh. 

Dọc dài dưới đáy sông Kênh Năm, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn đến vàm Ông Ðơn, kênh Nông Trường, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi đều có hơi thở và dấu chân người thợ lặn này. 

Chỉ một khúc sông dài hơn 5 km nhưng có vô vàn cá thể hàu bám chặt dưới đáy sông, thế mới hiểu được thiên nhiên ưu đãi cho một thứ đặc sản ngọt lành hiếm có.

Chiếc ghe nhỏ chứa toàn đồ nghề lặn sông, lặn biển: nào là máy nổ, bơm hơi; nào là bộ đồ lặn, sợi dây nịch bằng chì, cặp kính lặn biển, chân vịt lặn, ống hơi, búa, đục, túi lưới...

Mỗi lần ông Minh lặn xuống đáy sông đục hàu, từ 20-30 phút mới ngoi lên mặt nước. Tiếng đục hàu của ông từ dưới lòng sông vọng lên nghe chan chát. Chỗ sông cạn thì thấy đôi chân ông nổi lên mặt nước, chỗ sâu chỉ thấy sủi tăm từ hơi bọt nước mà ông Minh thở tận dưới đáy sông. 

Mỗi lần ông Minh ngoi lên để hít không khí kèm theo đó là túi hàu vài chục con. Trên ghe, bà Cúc phân loại hàu vào thùng, hàu bể bà tách lấy ruột.

Vùng đất này của tỉnh Cà Mau, dân lặn sông đục con gì mà nhiều người ít dám làm? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Minh là người xứ Cần Thơ trôi dạt đến tỉnh Cà Mau với kiếp sống thương hồ, chuyên lặn đục những con hàu to nằm sâu dưới lòng sông, cửa biển.

Bà Cúc nói: “Muốn không bị nổi lên, anh Minh phải đeo vào người sợi dây bằng chì, nặng hơn chục ký. Nhiều bữa anh mệt nằm trên ghe rệu cả người, nhưng hôm sau lại tiếp tục làm nghề, vì đó là cái nghiệp đã theo anh suốt cuộc đời hơn 30 năm trên sông nước”.

Những năm gần đây, thịt hàu được mọi người ưa chuộng, nên nhiều người khai thác để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. 

Vì vậy, những con hàu sống lộ thiên theo con nước không kịp lớn đã bị khai thác, dẫn đến cạn kiệt, một số phu hàu phải cược mạng sống của mình dưới đáy sông để đục hàu mưu sinh.

Ông Thành Minh chia sẻ: “Ðục hàu trên cạn, nắng “chảy mỡ” nhưng tôi vẫn chịu đựng được, nhưng dưới lòng sông sâu lạnh lẽo, tôi đeo kính và phải có áo trùm đầu mới mong chống chịu được với nhiệt độ dưới nước. 

Tôi lặn gần 30 năm nay, thời trai trẻ tôi ở một vài tiếng dưới nước là bình thường, nhưng nay lớn tuổi, sức yếu, đôi tai bị ù điếc vì không chịu nổi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nên giờ mỗi hơi lặn thường kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng”.

Vùng đất này của tỉnh Cà Mau, dân lặn sông đục con gì mà nhiều người ít dám làm? - Ảnh 3.

Bà Kim Cúc phân loại hàu do ông Minh đục từ dưới đáy sông.

Mỗi ngày trung bình gia đình ông Minh, bà Cúc thu hoạch gần 30 kg hàu vỏ, tính ra cũng được vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Lặn đục hàu dưới đáy sông, nghề cực nhọc quá đỗi, có khi nguy hiểm đến tính mạng vì sóng nước, nhưng với kiếp thương hồ, vợ chồng ông Minh cứ thuỷ chung cùng nghề chát mặn đời người này, vẫn cứ gắn bó với con hàu như lối thoát cho cuộc mưu sinh.

Huỳnh Lâm (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem