Vùng đất Mai Châu của Hòa Bình dân ngày càng khá giả nhờ gắn dạy nghề với hoạt động du lịch

Mùa Xuân Thứ hai, ngày 14/11/2022 05:18 AM (GMT+7)
Hội Nông dân huyện Mai Châu (Hòa Bình) tích cực phối hợp với Trung tâm tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, tư vấn, định hướng, đào tạo nghề về du lịch cho hội viên nông dân.
Bình luận 0

Clip: Lớp hướng dẫn hội viên múa do Hội Nông dân huyện Mai Châu tổ chức.

Dạy những nghề thiết thực cho nông dân Mai Châu

Ông Phạm Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu, cho biết: Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho hội viên nông dân, Hội Nông dân huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ sở hội khảo sát nhu cầu đào tạo nghề phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương cụ thể.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội Nông dân huyện Mai Châu đã phối hợp mở 16 lớp đào tạo nghề cho hơn 300 lao động nông thôn. Đây là những hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn khó khăn về kinh tế được học nghề về hướng dẫn du lịch, nấu ăn... 

Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, thị trấn cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người học, nhiều lớp dạy nghề được triển khai ở các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa.

Mai Châu: Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Lớp đào tạo nghề hướng dẫn du lịch cho lao động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Ảnh: T.A.

Dạy nghề đã bước đầu gắn kết với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của các khu, điểm du lịch như bản Lác, xã Chiềng Châu; bản Văn, bản Poong Cọng, thị trấn Mai Châu; điểm du lịch Pà Cò, Hang Kia; bản Bước, xã Xăm Khòe và một số khu nghỉ dưỡng khác…

Sau thời gian theo học lớp đào tạo nghề hướng dẫn du lịch nhiều hội viên nông dân đã áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Gia đình ông Hà Văn Cương ở bản Văn, thị trấn Mai Châu mở một Homestay, với 3 ngôi nhà sàn gỗ đẹp, gần gũi với thiên nhiên và tạo dấu ấn với khách du lịch. Gia đình có các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: lưu trú, thưởng thức ẩm thực của bà con dân tộc Thái; trải nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp như trồng lúa; đạp xe, tổ chức giao lưu văn nghệ… Doanh thu của gia đình trừ chi phí đạt 500 triệu/năm.

Mai Châu: Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch - Ảnh 3.

Sau khi hoàn thành khóa học nghề may, người dân đã tạo ra những sản phẩm thổ cẩm túi xách, khăn trải bàn đa dạng hơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Hà Thị Yên, xã Nà Phò, huyện Mai chia sẻ: Gia đình tôi chủ yếu kinh doanh các loại sản phẩm thổ cẩm do chính đôi bàn tay mình dệt. Trước đây, gia đình tôi chủ yếu dệt thổ cẩm truyền thống như khăn, túi đặc trưng của bà con đồng bào Thái nhưng sau khi người dân chúng tôi được tiếp cận các lớp thêu thổ cẩm truyền thống tôi đã học hỏi được cách thêu các loại sản phẩm như búp bê, gấu bông... tạo được ấn tượng cho du khách. Nhờ vậy, đã gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn.

Mai Châu: Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch - Ảnh 4.

Những sản phẩm thổ cẩm thu hút khách du lịch mua về làm quà lưu niệm. Ảnh: Mùa Xuân.

Gắn dạy nghề với phát triển du lịch

Gia đình ông Phàng A Páo ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò là một điển hình người Mông trong phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng Homestay. Ông Páo đã liên kết với một số Công ty du lịch đặt dịch vụ trực tuyến và bước đầu mang lại hiệu quả.

Khách du lịch đến với gia đình ông Páo chủ yếu là khách trong nước ngoài và quốc tế. Gia đình có 5 người phục vụ đồ ăn uống cho du khách đều qua học lớp nghề nấu ăn do Hội Nông dân mở, các món ăn từ bình dân đến các món đặc sản và cho thuê trang phục truyền thống của người Mông để chụp ảnh, trải nghiệm vẽ sáp ong thổ cẩm.

Ngoài ra, sau khi học nghề hội viên nông dân còn lập kế hoạch, xây dựng đề án, ý tưởng xuất phát từ mô hình đặc trưng thực tế của bà con có từ lâu đời để lại, như làm những hàng rào đá của người Mông Pà gắn với phát triển du lịch cộng đồng Homestay có hàng rào đá, cùng đồi chè cổ thụ...

Mai Châu: Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch - Ảnh 5.

Mai Châu điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Mùa Xuân.

Bà Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, cho biết: Để nâng cao tay nghề, đa dạng mẫu mã sản phẩm, các thành viên trong HTX đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm mới và kỹ thuật nhuộm màu tự nhiên, hoạt động Marketing do Hội Nông dân huyện tổ chức. Từ đó, sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn được đưa đến các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh. Công việc hiện tại đã góp phần giúp cuộc sống của các thành viên trong HTX ổn định hơn.

Nhờ làm tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là phát huy thế mạnh về du lịch trong những năm qua đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mai Châu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem