Vừa "gặt hái" hơn 3,7 tỷ USD, dự báo xuất khẩu cà phê sẽ gặp bất lợi

Thiên Ngân Thứ tư, ngày 28/12/2022 06:18 AM (GMT+7)
Năm 2022 là một năm khá thành công đối với ngành cà phê khi xuất khẩu "gặt hái" hơn 3,7 tỷ USD trong 11 tháng, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong nước, giá cà phê hiện đang dao động ở mức 40.100 - 40.800 đồng/kg.
Bình luận 0

Xuất khẩu cà phê tăng cả về lượng và giá trị

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2022 là một năm khá thành công đối với ngành cà phê Việt Nam và xuất khẩu cà phê trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. 

Nguyên nhân là giá cà phê thế giới tăng trở lại, nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng cao nhờ các nền kinh tế lớn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thị trường cà phê mở rộng, xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn, tiềm năng - đây là triển vọng để gia tăng xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam ở những năm tiếp theo. 

Đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng toàn ngành cà phê là chủng loại cà phê Robusta, chiếm tới 98,16% tổng lượng và chiếm 84,86% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê các loại. 

"Gặt hái" hơn 3,7 tỷ USD, dự báo xuất khẩu cà phê sẽ gặp bất lợi - Ảnh 1.

Hiện giá cà phê trong nước đang dao động từ 40.100 - 40.800 đồng/kg, trong đó cao nhất là giá cà phê tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Nông. Ảnh: Dân Việt

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 11 và 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021. 

Cụ thể, tháng 11/2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 111,26 nghìn tấn, trị giá trên 222 triệu USD, tăng 21,2% về lượng và tăng 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn, trị giá 2,78 tỷ USD, tăng 14,8% về lượng và tăng 37,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực tăng, gồm: Ý, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Phi-líp-pin, Ấn Độ… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang Đức, Hoa Kỳ giảm. 

Trong khi đó, mặc dù được cho là những mặt hàng đem lại giá trị gia tăng cao, song tình hình xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê chế biến của nước ta vẫn chưa đạt như kì vọng, trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn ở mức thấp. 

Cụ thể, xuất khẩu cà phê Arabica đạt hơn 50.000 tấn, thu về hơn 231 triệu USD. Xuất khẩu cà phê chế biến đạt hơn 610 triệu USD. Trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm thị phần 59,9% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan và chiếm khoảng 66% về kim ngạch.

Tuy nhiên theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), xuất khẩu các sản phẩm rang xay, hòa tan ngày càng tăng lên, đây là một bước phát triển lớn và kết hợp với tiêu thụ nội địa cho thấy triển vọng ngành cà phê đang rất tốt, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê nhân. "Tăng xuất khẩu cà phê chế biến sâu thay vì xuất thô, qua đó định hình triển vọng mới cho ngành cà phê", ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch VICOFA nhận định.

Ngành cà phê đang có nhiều thông tin bất lợi?

Hiện, vụ cà phê của nước ta đã thu hoạch được hơn 70% sản lượng. Theo VICOFA, sản lượng niên vụ 2022/2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021/2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn do diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm, khi người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Thời điểm này đang có nhiều thông tin bất lợi đối với ngành cà phê toàn cầu. Theo đó, giá cà phê thế giới bắt đầu có xu hướng giảm từ tháng 11 đến nay và dự báo năm 2023 thị trường sẽ gặp khó khăn do tình hình lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường nhập khẩu lớn. Cùng với đó, áp lực mùa vụ cũng gây tác động lên giá cà phê do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm.

Báo cáo tồn kho của Hiệp hội Hạt (GCA) cho thấy nguồn dự trữ tại khu vực Bắc Mỹ khá dồi dào, tăng 1,1% so với tháng 10/2022, lên mức 6,39 triệu bao trong tháng 11/2022; tồn kho cà phê arabica do ICE quản lý tăng lên mức cao 5 tháng sau khi đứng ở mức thấp 23 năm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, sản lượng cà phê toàn cầu ước tính tăng 6,6 triệu bao lên 172,8 triệu bao vào niên vụ 2022/2023, với mức tiêu thụ chỉ cao hơn 800.000 bao so với mức 167,9 triệu bao của niên vụ trước. 

Còn theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), niên vụ cà phê 2022 - 2023, cung cầu của thị trường sẽ cần bằng lại, thậm chí cung sẽ cao hơn cầu vì tại Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới có một vụ mùa bội thu, và vụ cà phê mới của Việt Nam sẽ đạt trên dưới 30 triệu bao, tăng thêm trên 3 triệu bao so với niên vụ trước đó.

Sang năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành cà phê Việt Nam sẽ chú trọng đầu tư hơn vào khâu sơ chế, bảo quản. Việt Nam bước đầu hình thành công nghiệp chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hệ thống kho bảo quản 2,36 triệu tấn/năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem