Trên 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần chuẩn bị giết mổ thì bị phát hiện
Theo đó, văn bản do ông Trần Vĩnh Tuyến (PCT UBND TP.HCM) ký đã yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với Đoàn kiểm tra tổ chức khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo bị tiêm thuốc an thần, không chờ đào thải thuốc rồi đưa vào giết mổ vì không đảm bảo VSATTP do nguy cơ tồn dư thuốc, nguy cơ bệnh lở mồm long móng trong quá trình lưu giữ. Theo đó số heo bị đề nghị tiêu hủy là 3.750 con.
Mặt khác, UBND TP cũng yêu cầu Sở NN&PTNT và Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) công khai danh sách 13 thương lái (chủ hàng) vi phạm, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ sản phẩm thịt heo từ nguồn các thương lái trên khi đưa vào địa bàn TP trong thời gian tới.
Bà Phạm Khánh Phong Lan
Trong đó, Sở NN&PTNT tham mưu hình thức xử phạt và tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại của TP.
Ngoài ra, UBND TP giao Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị bổ sung quy định các mức xử phạt nghiêm khắc vi phạm hành chính đối với hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ nói trên. Riêng Sở Công thương cần có biện pháp bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt heo trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á tạm ngưng hoạt động.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP, lò mổ Xuyên Á là nơi giết mổ tập trung lớn nhất của TP.HCM, dù trong thực tế lò mổ chưa đạt tiêu chuẩn lò giết mổ tập trung hiện đại, nhưng thời gian qua vẫn được tạm cho phép hoạt động. Tuy nhiên, nếu tạm ngưng họat động của lò mổ này thì có thể ảnh hưởng một phần đến việc cung ứng thịt heo cho người dân TP.
"Trong thời gian nuôi nhốt chờ xử lý heo bị tiêm thuốc an thần, có một số heo đã bị lở mồm long móng. Trong đêm 1.10, chúng tôi đã thuyết phục Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT và kiến nghị UBND TP.HCM dừng ngay khoảng 2.000 con heo bị tiêm thuốc chuẩn bị giết mổ và không cho giết mổ kể cả khi mọi thủ tục đã hoàn tất", bà Lan nhấn mạnh.
Chi cục Thú y TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố thông tin chi tiết về vụ việc
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, chất combistress là chất gây mê trong thú y, đây là loại thuốc an thần có tác dụng không chỉ giữ heo nằm yên tại chỗ khi giết mổ (tránh vùng vẫy gãy chân làm giảm giá trị thịt heo) mà còn làm giãn cơ, thịt mềm, hồng hào, tươi ngon gây bắt mắt bán được giá hơn.
Trước đó, lò mổ Xuyên Á thường xuyên có 20 chủ hàng thuê mặt bằng giết mổ gia công, trong đó có 13 chủ hàng có dấu hiệu tiêm thuốc an thần vào heo mà lực lượng chức năng đã đưa vào "tầm ngắm", theo dõi gần 2 tháng mới tổ chức tiến hành kiểm tra đêm ngày 28.9 vừa qua."Vì vậy, mục tiêu chính của thương lái sau khi tiêm thuốc là phải đưa vào giết mổ tiêu thụ ngay, bởi tùy theo loại thuốc an thần hiện nay mà thời gian đào thải qua thận, nước tiểu nhanh hay chậm tùy vào liều lượng sử dụng. Nhưng quá trình đào thải ít nhất phải mất 24 giờ, lâu nhất từ 48-72 giờ. Sau thời gian này, có thể đưa vào giết mổ bình thường", ông Quang chia sẻ.
Theo ước tính, trị giá lô heo 3.750 con bị tiêu hủy vào khoảng 11 tỉ đồng (3 triệu đồng/con). Nhưng do các thương lái không đăng ký kinh doanh nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi bị cơ quan chức năng xử phạt, các đối tượng này thường nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng để khỏi bị tính số lần vi phạm.
Được biết, sắp đến TP.HCM sẽ yêu cầu các thương lái này thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định.