Vụ chó Pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước, chủ chó sẽ bị xử lý như thế nào?

K.Nguyên (ghi) Thứ hai, ngày 25/07/2022 10:15 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ chó Pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước, ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) chia sẻ nỗi đau với gia đình và cho biết, sau những vụ việc như thế, Bộ NNPTNT đã có nhiều chỉ đạo các địa phương cần chấn chỉnh, đặc biệt trong việc quản lý đàn chó, nuôi các giống chó hung dữ.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ chó Pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước, ông nhận định như thế nào về vụ việc nghiêm trọng này. Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã có những văn bản chỉ đạo gì để các địa phương tăng cường quản lý đàn chó?

- Trước hết, tôi xin chia sẻ với gia đình có cháu bé không may Pitbull cắn chết. Đây là trường hợp rất đau lòng, không ai mong muốn nhưng đã xảy ra.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc chó Pitbull cắn người bị thương tích nặng, thậm chí cắn chết người. Do đó, nhiều năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã có nhiều chỉ đạo các địa phương cần chấn chỉnh, đặc biệt trong công tác quản lý đàn chó, nuôi các giống chó hung dữ, cũng như trong phòng, chống bệnh dại.

Đối với quản lý chó nuôi, Bộ NNPTNT đã ban hành nhiều văn bản, cụ thể tại điểm b, tiểu mục 2.1, mục 2 (quản lý nuôi chó) Phụ lục 15 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đã quy định rất rõ nội dung và trách nhiệm đối với chủ nuôi "Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh".

Tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030" đã quy trách nhiệm chủ nuôi chó "cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định".

Ngày 05/01/2022, Bộ NNPTNT tiếp tục có Công văn số 17/BNN-TY về việc tổ chức triển khai Chương trình  quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030; theo đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình.

Ngoài ra, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NNPTNT tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, chỉ đạo các địa phương tổ chức quản lý đàn chó, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống bệnh Dại; Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Như vậy, hiện nay các văn bản quy định, chỉ đạo đã rất cụ thể. Vấn đề chính là công tác tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương, nhất là tuyến cơ sở cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những nội dung làm được, chưa làm được, đặc biệt là công tác quản lý đàn chó, công tác phòng, chống bệnh Dại để có giải pháp khắc phục.

Mặt khác, cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, chó phải được nuôi nhốt, xích và phải được đeo rọ mõm, nhất là đối với những giống chó to lớn, hung dữ như chó Pitbull,...

Vụ chó Pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước - Ảnh 2.

Liên quan đến vụ chó Pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước và những vụ việc tương tự, Bộ NNPTNT đã có nhiều chỉ đạo các địa phương cần chấn chỉnh, đặc biệt trong công tác quản lý đàn chó, nuôi các giống chó hung dữ. Ảnh minh họa.

Theo quy định của pháp luật, đối với chủ của con chó Pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

- Theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, chủ vật nuôi có chó cắn chết người do không đeo rọ mõm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính là 1 – 2 triệu đồng cho hành vi "Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó".

Ngoài ra, do sự việc nghiêm trọng, chó cắn chết người, nên các cơ quan chức năng của địa phương có thể căn cứ quy định của Bộ luật dân sự (Điều 603), Bộ luật Hình sự (Điều 295) để xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

Từ sự việc đau lòng vừa qua ở Bình Phước liên quan đến cho Pitbull, ông có khuyến cáo gì với người dân khi nuôi nhốt chó?

- Pitbull là một giống chó nhà có nguồn gốc từ châu Mỹ, được nuôi ở nhiều quốc gia để làm vật giữ nhà, chó cũng được sử dụng trong những cuộc chọi chó. Đây là giống chó dữ, hiếu chiến, bền bỉ, gan lỳ được mệnh danh là sát thủ máu lạnh hay còn được gọi là chó chiến binh hay võ sĩ giác đấu.

Không chỉ ở Việt Nam, ở nhiều quốc gia khác, người dân nuôi chó là một thói quen, sở thích, thậm chí nhiều người coi chó, mèo nuôi là những người bạn thân trong gia đình hoặc nuôi vì nhiều mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, việc nuôi và quản lý chó cần phải được thực hiện nghiêm túc theo các quy định đã rất rõ ràng, cụ thể cho từng loài chó nuôi, nhất là không để chó chạy rông, không đưa chó ra ngoài nơi công cộng mà không có rọ mõm và phải có người dắt chó phù hợp với số lượng, loại chó, cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại.

Bất kỳ loài chó nào, xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ khi nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện việc kiểm dịch theo quy định của Luật thú y.

Đến nay, đã nhiều lần các cơ quan truyền thông, cộng đồng lên án các trường hợp vi phạm quy định về nuôi chó, quản lý chó, nhất là tình trạng không nuôi nhốt, xích chó, đưa chó ra những nơi công cộng nhưng không thực hiện việc đeo rọ mõm, quản lý chó dẫn đến các trường hợp đáng tiếng chó cắn người, làm tổn hạ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.

Từ vụ chó Pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước, ông có kiến nghị gì để kiện toàn hệ thống thú y cơ sở, từ đó tăng cường công tác quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi?

- Để tăng cường quản lý dịch bệnh đàn vật nuôi, Cục Thú y đề nghị các địa phương khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021); văn bản số 409-BC/ĐĐQH15 ngày 07/12/2021 của Đảng đoàn Quốc hội gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.

Đặc biệt mới đây nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc thú y; phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, kiểm dịch động vật; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.


- Xin cảm ơn ông!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem