Vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định “nâng bước” hộ mới thoát nghèo

Thu Hà Thứ ba, ngày 07/02/2023 12:57 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo

Gia đình chị Đoàn Thị Hằng (ở xóm 7, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng) là 1 trong những hộ điển hình sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH. Chị Hằng chia sẻ: Mấy năm vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên gia đình gặp nhiều khó khăn về vốn. Năm 2021, được Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng cho vay 90 triệu đồng từ chương trình cho hộ mới thoát nghèo, gia đình chị Hằng đã đầu tư tu sửa 12 ao nuôi tôm thẻ chân trắng và các loại cá truyền thống. Đến nay, gia đình chị đã thu được hơn 100 triệu đồng mỗi vụ thu hoạch. Nhờ vậy, việc trả lãi và gốc được gia đình thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Vốn ưu đãi tiếp sức hộ mới thoát nghèo - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, nông dân huyện Hải Hậu đầu tư chuồng trại khép kín chăn nuôi lợn đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.H

Vốn ưu đãi tiếp sức hộ mới thoát nghèo - Ảnh 2.

Đến thăm gia đình chị Phạm Thị Thanh (ở xã Yên Khánh, huyện Ý Yên) nhìn cơ ngơi trang trại của chị ít ai nghĩ rằng mới 3 năm về trước, chị vẫn thuộc diện hộ cận nghèo của xã.

Chia sẻ về quá trình thoát nghèo của gia đình, chị Thanh bộc bạch: "Trước đây, ruộng đất rộng nhưng đồng trũng mà chỉ cấy lúa nên sản xuất không hiệu quả. Quanh năm chỉ thu được thóc lúa ở mấy sào ruộng nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhà tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Năm 2019, được Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên cho vay 50 triệu đồng, gia đình tôi quyết định đầu tư cải tạo chuyển đổi ruộng trũng thành mô hình tổng hợp vừa đào ao nuôi các loại cá truyền thống, vừa nuôi gà vịt, trồng cây ăn quả trên diện tích 1,2 mẫu".

Vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định “nâng bước” hộ mới thoát nghèo  - Ảnh 3.

Nông dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đầu tư ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: T.H

Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ đồng vốn ban đầu, chị Thanh đã có thêm khoản thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng và trả lãi nợ ngân hàng theo quy định. Năm 2022, gia đình chị tiếp tục được Ngân hàng CSXH huyện Ý Yên cho vay 80 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo.

Có được vốn, chị Thanh tiếp tục kè, đào thêm ao, trồng thêm cây ăn trái, nuôi thêm gà, vịt. Đến nay, từ ao nuôi cá, đàn gà 100 con, vịt 50 con và hàng trăm cây ăn quả đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định 8 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, chị Thanh đã sửa sang được căn nhà cũ xuống cấp, trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.

Nét mặt rạng rỡ, phấn khởi của chị Hằng, chị Thanh cũng là tâm trạng của hàng trăm nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thoát nghèo, vượt khó nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong suốt 20 năm qua.

Giúp hơn 87.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Theo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định: Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nam Định đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình ước đạt hơn 3.741 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 17,5% với 97.407 hộ còn dư nợ.

Thông qua vốn tín dụng chính sách đã có hơn 770.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp hơn 87.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 59.000 lao động, 114.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, 915 em được vay vốn để mua trang thiết bị học trực tuyến.

Nguồn vốn tín dụng chính sách Ngân hàng CSXH cũng góp phần hỗ trợ nông dân xây dựng 489.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây mới, sửa chữa 4.088 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 290 căn nhà cho người thu nhập thấp; 2.376 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…

Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 từ 13,44% xuống còn 9,95%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 8,3% xuống còn 3,77%; giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 5,7% xuống còn 0,86% và đến cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo mới là 1,74%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem