Việt Nam là 1 trong 5 nước nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới, sao không chủ động trồng ngô?

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 22/07/2022 18:01 PM (GMT+7)
Việt Nam là một trong gần 30 nước canh tác ngô lớn nhất trên toàn cầu nhưng đồng thời cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới. Việc mở rộng các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là giải pháp được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề cập đến.
Bình luận 0

Diện tích trồng ngô đang giảm mạnh, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng

Việt Nam là một trong gần 30 nước trồng ngô lớn nhất trên toàn cầu nhưng đồng thời cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới. 

Đáng chú ý, số lượng nhập khẩu ngô và đậu tương (về cả khối lượng và giá trị) đang tăng dần theo hàng năm. 

Đặc biệt từ đầu năm 2022, giá trị nhập khẩu tăng đột biến do tác động của đại dịch Covid-19 (ảnh hưởng tới sản lượng canh tác của các quốc gia xuất khẩu, những khó khăn trong vận chuyển) và các tác động tiêu cực từ xung đột chính trị trên thế giới (Nga – Ukraine), chính sách hạn chế xuât khẩu nguyên liệu tại một số quốc gia.

Theo tính toán của một số chuyên gia, việc nhập khẩu một lượng lớn ngô về làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tiêu tốn hàng tỷ USD. Số tiền này thậm chí còn gần bằng số tiền Việt Nam thu được từ xuất khẩu gạo.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Crop Life châu Á, có một nghịch lý là, diện tích ngô đang giảm mạnh. Việc thực thi các quy định pháp lý liên quan tới cây trồng biến đổi gen, đặc biệt là cấp phép cho các giống ngô mới chậm trễ và không nhất quán gây ảnh hưởng đến việc đưa công nghệ hạt giống mới ra thị trường, làm giảm khả năng tiếp cận của nông dân với các giống cây mang tính trạng cải tiến thế hệ mới, bao gồm cả giống ngô BĐG.

Cụ thể, trong gần 5 năm trở lại đây, các giống ngô biến đổi gen có đặc tính kháng sâu, kháng sâu keo mùa thu (là một loại sâu mới có khả năng gây hại rất lớn) hoặc các giống có đặc tính nông sinh học về cải thiện năng suất, chất lượng và tính thích nghi ổn định cao hơn không được đưa ra thị trường để bổ sung hoặc dần thay thế cho những giống cũ. 

Chủ động trồng ngô, giảm phụ thuộc nhập khẩu - Ảnh 1.

Việt Nam là một trong gần 30 nước canh tác ngô lớn nhất trên toàn cầu nhưng đồng thời cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới. Ảnh: CLA.

Hành lang pháp lý phát triển cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam

Cây trồng biến đổi gen là một thành tựu của việc việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp. Thực tế, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp lý cho việc sử dụng và canh tác cây trồng biến đổi gen từ năm 2014. Hệ thống pháp lý của Việt Nam trong việc quản lý cây trồng biến đổi gen được đánh giá là khoa học và tiên tiến trên thế giới. 

Tại Việt Nam, ngô biến đổi gen đã được chính thức được cấp phép canh tác thương mại từ năm 2015. Việc đưa các giống ngô biến đổi gen vào thời điểm đó được xem là một trong các công cụ quan trọng giúp tiếp tục nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất, gia tăng giá trị và giúp nông dân trồng ngô có thêm lợi nhuận, từ đó củng cố năng lực của Việt Nam trong việc củng cố chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước, bớt phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Tính đến năm 2019, tổng diện tích canh tác ngô công nghệ sinh học khoảng 92.000 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng hai con số về mặt diện tích trong các năm gần đây cho thấy mức độ chấp nhận của nông dân đối với công nghệ này đang tăng.

Chủ động trồng ngô, giảm phụ thuộc nhập khẩu - Ảnh 2.

Vùng trồng ngô ứng dụng công nghệ sinh học ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Ảnh: K.N

Cụ thể vào năm 2015, tỷ lệ ứng dụng còn khiêm tốn khoảng 3.500ha, chiếm chưa tới 1% tổng diện tích; tới nay diện tích ứng dụng đã tăng hơn 26 lần. Chỉ so sánh riêng giai đoạn 2018 – 2019, tỷ lệ tăng trưởng là 86%.

Vào năm 2019 – 2020, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam phối hợp với Viện PG Economics (Anh Quốc) đã tiến hành một nghiên cứu đánh giá và phân tích tác động của cây ngô biến đổi gen với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ sau 5 năm canh tác. 

Tổng diện tích ngô biến đổi gen canh tác tại Việt Nam cho cả giai đoạn 2015 – 2019 là 225.000ha. Riêng năm 2019, diện tích canh tác ngô công nghệ sinh học là 92.000ha, chiếm 10% tổng diện tích ngô cả nước. 

Lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô biến đổi gen cũng gia tăng với mức từ 196 USD/ha cho tới 330 USD/ha (tương đương với khoảng 4,5 cho tới 7,6 triệu đồng/ha). 

Tổng thu nhập tích luỹ tăng thêm khi ứng dụng ngô công nghệ sinh học là từ 43,8 cho tới 74,1 triệu đô la Mỹ (tương đương với 1.007 tới 1.704 tỷ đồng).

Về tỷ suất đầu tư, trung bình với mỗi 1 USD (khoảng 23.000 đồng) đầu tư thêm cho hạt giống biến đổi gen, nông dân sẽ có lợi nhuận gia tăng từ 6,84 USD và 12,55 USD (tương đương với khoảng 157.000 tới 289.999 đồng) - đây là tỷ suất đầu tư cao đáng kể so với các nước khác đang ứng dụng công nghệ tương tự.

Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô công nghệ sinh học giảm đáng kể: với thuốc từ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%; các tác động môi trường tính toán được từ việc giảm các loại thuốc này tương ứng là 36% và 77% (theo chỉ sổ EIQ). 

Ngô biến đổi gen cũng cho thấy mức độ kháng hiệu quả đối với sâu keo mùa thu (FAW) – một trong các dịch hại cực kỳ nghiêm trọng trong các năm 2019 – 2020. 

Tính đến năm 2019, 72 quốc gia sử dụng cây trồng công nghệ sinh học trên toàn cầu; trong đó 29 quốc gia canh tác và 43 quốc gia nhập khẩu để sử dụng làm thực phẩm và thực ăn chăn nuôi.

Có tổng cộng 14 loại cây trồng công nghệ sinh học đang được canh tác và sử dụng trong đó 5 cây trồng phổ biến với diện tích canh tác trên 1 triệu ha bao gồm: đậu tương (91,9 triệu ha), ngô (60,9 triệu ha), bông (25,7 triệu ha), cải dầu (10,1 triệu ha) và cỏ alfafa (1,28 triệu ha), chiếm 99% tổng diện tích cây trồng biến đổi gen trên toàn cầu.

Mỹ vẫn là quốc gia sản xuất/ canh tác cây trồng biến đổi gen lớn nhất thế giới, chiến 37,6% diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen toàn cầu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem