Vì sao thị trường bất động sản Đắk Lắk “phát sốt?”

17/01/2022 08:25 GMT+7
Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi dịch bệnh thoái giảm, thị trường bất động sản Đắk Lắk đột ngột “sốt”, với lượng giao dịch chuyển đổi quyền sử dụng đất trong dân tăng gấp nhiều lần. Các nhà tư vấn lên tiếng cảnh báo những nguy cơ giao dịch bất lợi với người dân, định hướng những lựa chọn nên có.

Các cơ quan chức năng địa phương nhìn nhận, có dấu hiệu bất ổn trong tình hình gia tăng giao dịch đất đai tại Đắk Lắk hiện nay, tương tự ở Đà Nẵng những năm 2009 – 2011. Người dân có nhu cầu nhà ở thực thụ, nên hết sức cảnh giác mua nhà đất vào lúc này.

Toàn dân buôn đất!

Đây là bối cảnh đang diễn ra tại các thị trấn, xã huyện Đắk Lắk những ngày qua. Từ Buôn Ma Thuột, Cư M'gar, về Krông Pắc, Krông Ana, Buôn Hồ, Cư Cuin..., ở đâu cũng thấy các nhóm môi giới đất đai gặp mặt, sôi nổi bàn tán. Mạng xã hội ngập tràn thông tin bán nhà ở Đắk Lắk, bán đất các ruộng, rẫy, với mức giá tăng không ngừng, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng tùy khu vực đầu tư. Các văn phòng đăng ký đất đai thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện lỵ phụ cận đều quá tải giao dịch. Lượng hồ sơ đăng ký chuyển quyền sử dụng đất ở người dân tăng gấp 3 – 5 lần trước đây.

Vì sao đất cao nguyên “phát sốt?” - Ảnh 1.

Các khu đô thị mới đầy đủ hạ tầng và cơ sở pháp lý nên là điểm lựa chọn của người dân trong bối cảnh sốt đất thị trường. Ảnh: Nguyên Đức.

Có thể nói, bất động sản Đắk Lắk đang lên một "cơn sốt" đỉnh điểm. Đất ở đâu cũng lên giá, từ một rẫy cafe nằm sát đường cái lớn cho đến một vườn sầu riêng, bơ nằm khuất nẻo lưng đồi, đều có thể "rao bán" và có người đến hỏi mua. Mức giá giao dịch đẩy không ngừng, có những rẫy cafe ở Hòa An, Hòa Đông (Krông Pắc) giá từ 300 triệu tăng đến 600 – 700 triệu đồng/sào...

Hệ lụy tình hình, là Đắk Lắk nảy sinh một tình cảnh tương tự Đà Nẵng giai đoạn 2009 – 2014. Đó là người nào cũng có thể trở thành nhà tư vấn, giới thiệu đất để bán, hưởng lợi hoa hồng môi giới rất dễ dàng. Có người chỉ sau vài phiên giao dịch "mát tay", đã sở hữu cả tỷ đồng, trở nên say sưa với vai trò môi giới, thậm chí gom vốn, đi vay để giao dịch đất bán lại. Không ít nhân viên ngân hàng, công nghệ, công chức Nhà nước sẵn sàng bỏ việc đổi qua môi giới đất và tự tin thành công...

Vì sao đất cao nguyên “phát sốt?” - Ảnh 2.

Giá nhà đất dọc các trục đường tỉnh lỵ Đắk Lắk đang tăng vọt. Ảnh: Nguyên Đức.

Theo đánh giá của các nhà tư vấn, đây là hiện tượng bất thường trong giao dịch thị trường nhà đất những giai đoạn "tiền khủng hoảng". Điều này liên quan đến một số "đầu nậu giấu mặt", có thể từ hai đầu đất nước đổ lên Tây Nguyên, sau khi thâu tóm một số vị trí đất đắc địa, có diện tích lớn xong, sẽ lập các nhóm cò mồi "thổi giá" thị trường. Bởi tâm lý đám đông, rất nhiều người sẽ đổ xô vào khu vực đất được chọn "thổi giá", tranh mua bán kiếm lợi, không biết sau khi đạt mục tiêu bán lại các phần đất thâu tóm, nhóm lợi ích sẽ biến mất và để lại hệ lụy đất tăng giá ảo, người mua đất đắng cay.

"Chuyện này Đà Nẵng, Hà Nội đã từng xảy ra và hàng trăm người đã điêu đứng vì giấc mơ ôm đất đổi đời. Cho nên, thấy cảnh nhà nhà buôn đất, Đắk Lắk liệu có tỉnh táo để chấn chỉnh ngay, hay đợi đến khi xảy ra cơ sự mới giật mình thì đã muộn?". Một nhà tư vấn đến từ Đà Nẵng cật vấn như vậy.

Hãy nên chọn đất đầu tư

Theo phân tích của giới đầu tư, sở dĩ nhà đất Đắk Lắk bùng nổ là do tâm lý khơi gợi từ thị trường hậu dịch bệnh, nhiều người có tâm lý muốn tìm chỗ ở an cư an toàn thay vì chen chúc ở đô thị chật hẹp. Tây Nguyên đất rộng là điểm đáng chú ý với nhiều gia đình ở TP.HCM, Hà Nội. Do đó, giới tư vấn cố tình tạo sóng dư luận, thu hút cộng đồng quan tâm, là hợp lý.

Cạnh đó, sau dịch bệnh, cận Tết, giới đầu tư tài chính cũng có những hoang màng vì thông tin thị trường chứng khoán bất lợi, các kênh đầu tư đình trệ. Việc đổ vốn vào bất động sản theo đó dễ dàng, thuận lợi hơn, và đó là căn nguyên để nhiều dòng vốn tự dưng hướng về cao nguyên, gây "cơn sốt đất".

Vì sao đất cao nguyên “phát sốt?” - Ảnh 3.

Lượng người dân đến nộp hồ sơ tại các văn phòng đăng ký đất đai huyện thị đều tăng cao. Ảnh: Nguyên Đức.

Ông Huỳnh Kiều, Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk cho lời khuyên, nếu thật sự người dân có nhu cầu sở hữu nhà đất tại cao nguyên, hãy hết sức tỉnh táo, tìm đến những đơn vị, sàn môi giới có năng lực, pháp nhân đầy đủ, có đội ngũ tư vấn qua đào tạo và có trách nhiệm, để tiếp cận các thông tin và chọn kênh đầu tư. Người dân không nên cả tin vào những nhóm tư vấn môi giới tự phát, không qua đào tạo, thiếu nhiều kiến thức, có thể dẫn đến những giao dịch đất vi phạm quy định, rủi ro sẽ cao và thiệt hại cho nhà đầu tư sẽ rất lớn.

Theo quy hoạch của chính quyền tỉnh Đắk Lắk, các địa phương như thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện phụ cận, đều đã có các khu vực đất được xác định đầu tư làm khu đô thị mới, khu dân cư mới, đầy đủ hạ tầng và cơ sở pháp lý, như khu đô thị Ân Phú (Buôn Ma Thuột), Eco City Premier.... Người dân nên tìm hiểu, đầu tư vào những khu đất đã quy hoạch này, nhất là những vị trí đất ưu thế thương mại, sẽ an toàn, chắc chắn hơn việc lùng mua, chạy theo dòng thời sự để tìm sở hữu những mảnh đất trong dân, vừa không có đủ cơ sở pháp lý, quyền sử dụng đất, vừa rủi ro về vốn bỏ ra. 

Theo tâm lý nhiều người, đất tại các dự án đô thị có thể chỉ "nằm trên giấy", được tổ chức kiểu huy động vốn từ chủ đầu tư. Theo ông Huỳnh Kiều, điều này là "không thể ở Đắk Lắk", do các cơ quan chức năng đang giám sát rất tốt khâu quy hoạch và thường xuyên theo dõi, chọn đúng các chủ đầu tư có trách nhiệm và năng lực để triển khai các dự án thực tế. Hiện tượng bán đất dự án "trên giấy" là khó xảy ra ở cao nguyên, nên một khi người dân thận trọng hơn, tình trạng "sốt đất" như hiện nay sẽ sớm được nhận chân ra.

Nguyên Đức
Cùng chuyên mục