Vì sao người Tày, Nùng có dân số đông thứ 3 ở Lâm Đồng, chỉ sau người Kinh và người Cơ Ho?

Thứ bảy, ngày 28/01/2023 19:04 PM (GMT+7)
Theo anh bạn đồng nghiệp ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết: Những năm gần đây, có 45.000 người dân tộc Tày, Nùng, hơn 5.000 người người Mông, Dao từ các tỉnh phía Bắc đến Lâm Đồng. Cả tỉnh có 40 dân tộc thì người Tày, Nùng đứng thứ 3 sau nguời Kinh và người Cơ Ho.
Bình luận 0

Lần nào cũng vậy, biết chúng tôi đến Đà Lạt, anh Dương Toàn Thiên lại sắp xếp thời gian để gặp gỡ hàn huyên, kể cả lúc anh còn đương chức Trưởng Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng luôn bận rộn với chương trình lên sóng hằng ngày. 

Nhưng anh bảo: Anh em trên quê vào đây mà không gặp được chút nào là mình như có lỗi.

    Vì sao người Tày, Nùng có dân số đông thứ 3 ở Lâm Đồng, chỉ sau người Kinh và dân tộc Cơ Ho? - Ảnh 1.

    Người Mông Cao Bằng ở thôn Ninh Chung, xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng).

    Là một nhạc sỹ khá thành danh nơi thành phố ngàn hoa, xa quê gần 30 năm nhưng tính cách và tình cảm của anh vẫn chân chất như người dân miền núi, gặp nhau là rôm rả nâng ly chạm chén “pác phấn pác” (trăm phần trăm). 

    Có lần men say thăng hoa, tôi đọc câu thơ: Phố Cũ cổ rồi vẫn đẹp/đi vạn dặm trường nhớ gọi thầm tên. Anh vội tiếp lời: Đúng thế! Nhưng Phố Cũ (Cao Bằng) của mình đã mất dần nét cổ. Mỗi năm mình về lại thấy mọc thêm những ngôi nhà hộp cao tầng ngạo nghễ. Đối với cái cũ đã trở thành di tích, người ta chỉ có thể tôn tạo giữ gìn nguyên trạng. 

    Cũng như ở Đà Lạt này sẽ không ai dám phá cái nhà thờ Con gà cổ kính. Qua cuộc nói chuyện tôi thấy anh vẫn còn đau đáu nỗi niềm với quê hương Phố Cũ nơi anh sinh ra lắm… Sáng hôm sau anh dẫn chúng tôi đi thăm Nhà thờ con gà, Nhà ga xe lửa, Dinh Bảo Đại, khu phố Ẩm thực và một số kiến trúc cổ tạo nên vẻ đẹp độc đáo của thành phố trong sương.

    Buổi tối, mấy anh trong hội đồng hương mời chúng tôi đi ăn ở nhà hàng, một ngôi nhà sàn rộng rãi thoáng mát, chủ hàng cũng là người Cao Bằng vào đây sau năm 1979 nên chúng tôi vừa nhậu lai rai vừa đọc thơ, hát lượn cọi, Lượn slương, Nàng ới, có cả cây đàn tính 3 dây để hòa âm… 

    Không khí ồn ào náo nhiệt, những thực khách bàn bên nhìn sang với ánh mắt thân thiện vui lây, có lẽ ai cũng hiểu đó là bản sắc. Anh Bảo Điệp, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nhỏ nhẹ nói: Người Đà Lạt thich yên tĩnh nhưng là thành phố của mọi miền quê, bản sắc văn hóa đa dạng, nên những sinh hoạt cộng đồng như thế mọi người cũng dễ cảm thông.

    Sau bữa cơm, hai vợ chồng anh Cường Phong Lan mời bằng được chúng tôi qua thăm nhà. Tôi quen gọi thế là vì hồi ở Cao Bằng anh từng kinh doanh Nhà hàng Phong Lan khá phát đạt bên đường 3/10, khu phố mới Nà Cạn, phường Sông Bằng. 

    Có chút vốn liếng anh mới vào đây tậu luôn hai ngôi nhà nghỉ 3 tầng cho thuê mỗi tháng 3 - 4 chục triệu đồng. Anh bảo: Họ là dân chuyên nghiệp, kinh doanh thông thạo, hạch toán điều hành đâu ra đấy, vợ chồng mình  rút lui về trông nhà giữ gìn sức khỏe, chăm lo học hành cho con cháu. 

    Thế mà ban đầu tôi cứ nghĩ đang  ăn nên làm ra, sao ông lại vượt chặng đường dài 2 ngàn cây sổ, bỏ cả vào đây? Sức hút bởi sự phát triển chênh lệch giữa hai vùng miền hay là sự nhạy bén với cơ chế thị truờng? Nhưng dù động lực nào thì tôi cũng phải thừa nhận vợ chồng anh dám đổi mới và có chí làm giàu…

    Đã 10 giờ đêm cả hội còn kéo nhau sang nhà anh Triệu Thế Thuấn, quê ở Nam Tuấn - Hòa An, vùng trọng điểm trồng thuốc lá của Cao Bằng. Vợ chồng anh thuộc thế hệ 7X, học xong đại học vào đây xin việc. Trải qua những tháng năm chịu khó học hỏi, phấn đấu từ nhân viên lên Trưởng Phòng Quản lý nhà đất của thành phố; còn vợ là Phó Phòng Quy hoạch kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng. 

    Dẫu chưa dám nói là công thành danh toại, nhưng vợ chồng anh đã có được một cơ ngơi khang trang bề thế ngự nơi mặt tiền, con cái học hành suôn sẻ.

    Từ Đà Lạt sang Bảo Lộc, chúng tôi gọi điện trước cho bác sỹ Trần Bảo (là em trai nhạc sỹ Trần Sòi quê ở Trà Lĩnh), Trưởng Khoa X quang Bệnh viện Thành phố Bảo Lộc. Hẹn rằng chỉ ghé thăm một chút rồi đi, nhưng đến nơi  đã thấy vợ chồng anh mời cả mấy vị bác sỹ  đồng nghiệp và đồng hương ở Lâm Hà lên hộ tiếp khách. 

    Trong căn nhà ba tầng thênh thang giáp ngã tư mặt phố, câu chuyện cứ thế say sưa hết cả ngày giúp chúng tôi biết thêm về đất và người  Lâm Đồng; hiểu thêm về cuộc sống và khả năng hòa nhập của thế hệ trẻ trí thức Cao Bằng trưởng thành sau ngày đất nước hòa bình thống nhất.

    Hôm sau chúng tôi đi thăm một làng đồng bào dân tộc Mông ở thôn Ninh Chung, xã Nam Ninh,  huyện Cát Tiên, vùng  đất nằm ở phía Nam Tây Nguyên, nơi thượng nguồn con sông Đồng Nai nổi tiếng với câu ca: Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng. 

    Thôn Ninh Chung được bao bọc bởi những ngọn đồi lúp xúp, bạt ngàn cây xanh; ở giữa là cánh đồng bằng phẳng, dọc ngang mỗi chiều khoảng 1 cây số. Bản người Mông ở đây  sống tập trung trên 30 hộ, chủ yếu là dòng họ Dương ở Lũng Phầy, xã Hồng Việt (Hòa An) di cư vào đây từ năm 1990.

    Ông Dương Văn Ky, năm nay đã 86 tuổi cho biết: Những năm đầu mới vào thấy cảnh rừng hoang dã, đêm đêm nghe tiếng hoẵng kêu, vượn hú, thú rừng đuổi nhau sàn sạt bên cánh đồng ngập nước mọc đầy cỏ năn cỏ lác, lổm ngổm rắn rết muỗi rừng ai cũng sợ…

    Mấy năm trước nhiều hộ dân miền xuôi thuộc diện đi mở vùng kinh tế mới, có chính sách ưu tiên hỗ trợ hẳn hoi mà còn bỏ về, chúng tôi vào sau  lại là dân di cư tự do nên không được hỗ trợ gì, nhưng vẫn nhất quyết ở lại lập làng.

    Vì sao người Tày, Nùng có dân số đông thứ 3 ở Lâm Đồng, chỉ sau người Kinh và dân tộc Cơ Ho? - Ảnh 5.

    Nhà người Mông ở thôn Ninh Chung, xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng).

     Người Cao Bằng có câu “Pi ni slíp pi khỏ” (một năm chạy làng, mười năm khó). Những năm đầu vừa khai phá ruộng nương, vừa săn bắn hái lượm để kiếm sống. Sự khốn khó cùng cực phải trải mười mấy năm mới tạo được thế đi lên. 

    Còn bây giờ các anh thấy đấy, thóc ngô đầy nhà, bò lợn gà vịt trong chuồng ngoài sân, nhà cửa tinh tươm, vườn cây, ao cá, đồi rừng… Nhà nào cũng có xe máy, ti vi tủ lạnh, máy cày, máy gặt; con cháu ai cũng được học hành đầy đủ. 

    Chỗ ở yên lành, gia đình quần tụ, kinh tế  phát triển và cái được hơn cả là dân trí mở mang, con cháu vui vầy. Một thế hệ đang lớn khôn lên trên vùng đất mới, bà con ở quê vào thăm ai cũng mừng và nói: Đây thực sự là một cuộc di cư  mang tính đổi đời...

    Đang sôi nổi hào hứng, tự nhiên giọng của ông lại trầm xuống bồi hồi nhớ về quá khứ: Dòng họ Dương tôi vốn là con cháu của ông Dương Kim Đao, cán bộ lão thành cách mạng, Đại biểu Quốc hội khóa 1, khóa 2 của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, danh giá ở quê trải rộng khắp vùng. 

    Năm rời Lũng Phầy, trong dòng tộc đã có một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt tưởng không thể nào dứt, bởi Lũng Phầy đối với gia đình họ Dương là mảnh đất linh thiêng với biết bao kỷ niệm sống còn về một thời Chiến khu cách mạng (1941 - 1945).

    Nhưng ngặt nỗi nương rẫy đã chạm đá núi, con cháu sinh ra không có đất làm nhà nên đành phải chia phân nửa vào đây. Cả người đi, người ở đều ngậm ngùi nước mắt, bởi ai cũng biết cuộc chia ly nào chẳng có đau thương mất mát. 

    Bản thân tôi tự nghiệm thấy rằng: Trước đây người Mông du canh du cư âu cũng là do thời  thế xô đẩy, nơi ở bất an, thiếu đất canh tác… Bây giờ cuộc sống ổn định như ở Ninh Chung này thì dù có ai ép di cư, dân cũng không chịu.

    Tôi tin những lời ông nói là thật lòng; những điều ông chia sẻ đã được trải nghiệm bởi nhân tình thế thái, bằng cả cuộc đời đi qua hai thế kỷ ở hai miền Nam Bắc. Tôi cũng mong và tin rằng bản Mông Cao Bằng ở Ninh Chung sẽ trở thành một mẫu mực về xây dựng cuộc sống mới định canh định cư.

    Trên đường từ Ninh Chung - Cát Tiên trở về ngang qua Đà Tẻ, trời đã xế chiều nhưng chúng tôi vẫn nán vào thăm một địa chỉ khá quen thuộc là nhà ông Tô Đình Cắm - một trong 34 chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, cũng là người cuối cùng ra đi về cõi vĩnh hằng!

    Ông sinh năm 1922 ở Tam Kim, Nguyên Bình (Cao Bằng); 17 tuổi đã tham  gia hoạt động cách mạng, được tuyển vào Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, sau lễ tuyên thệ thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, ông cùng đồng đội liên tiếp đánh các trận Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu; thừa  thắng tiến thẳng về xuôi tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng 8 thắng lợi, lại rong ruổi cùng đoàn quân Nam tiến… 

    Tháng 6/1946, do bị thương ở mặt trận Rạch Giá ông mới  được  hồi hương. Hơn một năm sau, tháng 10/1947, khi thực dân Pháp tấn công Việt Bắc, ông trở lại quân ngũ. Chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950, ông bị thương lần hai vẫn hành quân lên Tây Bắc đánh trận Điện Biên Phủ năm 1954, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

     Về quê sau ngày hòa bình lập lại, chưa kịp kiểm chứng thương tích trên mình ông đã phải bộn bề vất vả, lo toan cày cuốc kiếm kế sinh nhai, đến tuổi 70 vẫn long đong trong cảnh đói nghèo. 

    Năm 1992, ông một lần nữa lại lận đận theo con cháu vào Nam khai phá ruộng vườn làm ăn tại Lâm Đồng... Cho đến khi cấp ủy, chính quyền địa phương biết ông là một trong 34 chiến sỹ đầu tiên, Quân khu 7 và tỉnh Lâm Đồng đã vận động quyên góp ủng hộ xây cho ông ngôi nhà mới khang trang rồi tiến hành điều tra xác minh, làm thủ tục công nhận ông là thương binh và cán bộ lão thành cách mạng. 

    Quyết định cấp sổ thương binh của ông cấp ngày 15/7/2013, vết thương đằng đẵng 63 năm trời mới được bù đắp một phần thì đúng 4 năm sau, ngày 15/7/2017 ông  ra đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi 96. 

    Lễ tang của ông đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức chu đáo. Sự cưu mang giúp đỡ tận tình của quân đội và tỉnh Lâm Đồng đã đem lại cho ông những năm cuối đời một cuộc sống thanh thản và mỉm cười nơi chín suối. Có thể nói cuộc đời của ông là một chuỗi thăng trầm nhưng kết thúc có hậu.

    Nhớ lần vào thăm ông để làm phim truyền hình “Nguời cuối cùng trong 34 chiến sỹ đầu tiên” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/2014, ông nói: Cuộc sống bây giờ làm ông khỏe ra và vui hơn, bởi không còn phải lo nghĩ gì, chỉ mong một lần nữa… về thăm quê! 

    Cũng trong lần ấy chúng tôi đã được Bí thư Huyện ủy Đà Tẻ Đỗ Phú Quới chia sẻ: Nhờ cụ mà chúng tôi được biết nhiều đoàn khách từ Trung ương đến địa phương, của cựu chiến binh, các đơn vị quân đội, các nhà văn nhà báo từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Rạch Giá, Thái Nguyên, Cao Bằng... Ông vào đây là niềm vinh dự, tự hào cho địa phương. Vâng! tôi hiểu đó là những lời nói thể hiện sự đồng cảm và tri ân sâu sắc của nhân dân Đà Tẻ - Lâm  Đồng.  

    Trở lại thành phố, tôi đến nhà anh Nguyễn Khin, người con của đất Bảo Lạc, huyện xa nhất của tỉnh Cao Bằng. Đi bộ đội từ năm 1966, từng  chiến đấu ở chiến trường B3 Tây Nguyên những năm đánh Mỹ. Giải phóng miền Nam xong lại ra Bắc bảo vệ biên giới. 

    Năm 1981, tốt nghiệp Học viện Lục quân, đang giữ cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 51, anh lại có quyết định điều động về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng. Đến khi nghỉ hưu, bà con lại bầu làm Chủ tịch Hội đồng hương Cao Bằng tại Đà Lạt. 

    Duyên phận đã gắn bó anh với vùng đất cao nguyên, anh cho biết ở Lâm Đồng hầu như huyện nào cũng có người Cao Bằng. Riêng hội đồng hương Thành phố có trên 60 hội viên, 20 hộ kinh doanh dịch vụ và làm trang trại nông nghiệp, cuộc sống nhìn chung tương đối khá giả và tương lai có thể làm giàu…   

    Theo anh bạn đồng nghiệp ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết: Những năm gần đây, có 45 nghìn người dân tộc Tày, Nùng, hơn 5 nghìn người người Mông, Dao từ các tỉnh phía Bắc đến Lâm Đồng. 

    Cả tỉnh Lâm Đồng có 40 dân tộc thì người Tày, Nùng đứng thứ 3 sau nguời Kinh và người Cơ Ho. Trước dòng người di cư tự do, lãnh đạo tỉnh đã từng có cuộc họp nhận định đánh giá: Sự gia tăng này có thể đem lại áp  lực về dân số, việc làm, môi trường và xã hội. Nhưng đây cũng là nguồn lực quan trọng để khai thác tiềm năng đất đai, thế mạnh du lịch cho phát triển kinh tế.

    Mấy ngày ở Đà Lạt chưa thể đi hết các nơi tiếp xúc nhiều người từ Cao Bằng đến, nhưng những người tôi gặp tất cả đều biết thich nghi, hòa nhập và cảm mến, được người Lâm Đồng đón nhận, cưu mang giúp đỡ đùm bọc vượt khó… Tất cả đang cùng nhau gắn bó đoàn kết chung tay xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất cao nguyên tràn đầy nắng gió mưa dầm và mây trắng sương giăng.

    Lã Vinh (Báo Cao Bằng)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem