Vì sao người Mông kiêng tiêu tiền trong dịp Tết, mừng tuổi nhau bằng thứ gì?

PV Tây Bắc Thứ tư, ngày 02/02/2022 18:48 PM (GMT+7)
Dân tộc Mông có nhiều phong tục, tín ngưỡng sâu sắc. Điều này được thể hiện rõ qua phong tục đón Tết của người Mông. Vào mùng 1, 2 Tết, bên cạnh việc niêm phong công cụ lao động thì người Mông còn kiêng tiêu tiền.
Bình luận 0

Nhận lời mời của một số anh em người Mông đang công tác tại thành phố Sơn La, chúng tôi lên bản Cửa Rừng (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) ăn Tết cùng bà con nơi đây.

Vì sao người Mông kiêng tiêu tiền trong dịp Tết? - Ảnh 1.

Thay vì dùng tiền để chúc Tết, người Mông đi chúc Tết người thân, hàng xóm bằng chiếc bánh dày. Ảnh: Tuệ Linh.

Cửa Rừng nằm trên đỉnh Copia, có độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển. Bản có 96 hộ, 496 nhân khẩu sinh sống trong những ngôi nhà gỗ nằm chon von trên đỉnh núi. Thời điểm này, Cửa Rừng chìm trong sương giá, nhiệt độ ngoài trời khoảng 7 độ C, ngón tay ngón chân lạnh tê cóng.

Trong mâm cơm đón giao thừa bên bếp lửa hồng của gia đình ông Sùng Nhìa Chá, chúng tôi cùng với các thành viên trong gia đình được già bản Sùng Giống Mua kể về những phong tục, tập quán của người Mông trong dịp Tết.

Theo ông Mua, vào ngày mùng 1, 2 Tết, bên cạnh việc niêm phong công cụ lao động; kiêng ăn rau, ăn cơm chan canh, thổi lửa, quét nhà, đánh thức người khác vào buổi sáng sớm thì người Mông còn kiêng tiêu tiền.

Vì sao người Mông kiêng tiêu tiền trong dịp Tết? - Ảnh 2.

Ngoài phong tục niêm phong công cụ lao động, người Mông kiêng tiêu tiền trong ngày mùng 1, 2 Tết. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ lâu, những phong tục này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Mông và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó như một quy tắc ngầm trong tâm linh, không cần phải nhắc nhở, cứ đến dịp Tết là mọi người đều phải tuân theo. Đây cũng chính là những nét riêng tạo nên bản sắc văn hoá của người Mông.

Lý giải về việc kiêng tiêu tiền trong dịp Tết, ông Mua bảo: Người Mông quan niệm, nếu gia đình chưa tổ chức ăn Tết mà đến chúc Tết hàng xóm thì được dùng tiền để mừng tuổi cho con cháu, ông bà.

Vì sao người Mông kiêng tiêu tiền trong dịp Tết? - Ảnh 3.

Dịp đầu năm mới, người Mông chúc Tết nhau bằng những lời nói tốt đẹp, cầu năm mới sức khoẻ, thành công. Ảnh: Tuệ Linh.

Tuy nhiên, nếu gia đình đã ăn Tết mà cầm tiền đi tiêu hoặc lì xì cho hàng xóm, họ hàng thì giống như dâng lộc của mình cho người khác. 

Vì vậy, trong năm mới công việc làm ăn sẽ bị thất bát; tiền của đem làm lợi cho người khác, sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có lãi.

Không chỉ có vậy, người Mông còn kiêng không cho người khác vay mượn tiền bạc trong những ngày đầu xuân năm mới.

Vì sao người Mông kiêng tiêu tiền trong dịp Tết? - Ảnh 4.

Trước đây, người Mông kiêng tiêu tiền từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 7 Tết. Dịp này, người Mông giã bánh dày và mổ những con lợn từ 1 - 1,5 tạ để đủ lương thực ăn trong những ngày kiêng tiêu tiền. Ảnh: Mùa Xuân.

"Từ thuở xa xưa, ông bà tổ tiên đã truyền dạy con cháu rằng, ngày mùng 1, 2 Tết không được tiêu tiền hoặc vay mượn tiền bạc của người khác. Bởi ngày đầu năm, người Mông mở cửa để đón khách, đón lộc vào nhà. Nếu sử dụng tiền bạc trong dịp này, cả năm gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về đời sống vật chất", ông Mua nói.

Để tránh việc tiêu tiền trong những ngày đầu năm mới này, người Mông chúc Tết nhau bằng những lời nói tốt đẹp, cầu cho năm mới mọi người mạnh khoẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Cùng với đó, nhà này sang chúc Tết nhà kia bằng chiếc bánh dày, gói bánh kẹo đã chuẩn bị trước đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem