Vì sao chỉ có 44/450 doanh nghiệp trả lời bảng khảo sát chuyển đổi số nông nghiệp: Thờ ơ hay khó quá?

Trần Khánh Thứ tư, ngày 21/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong 450 doanh nghiệp được tiếp cận để khảo sát về chuyển đổi nông nghiệp số thì chỉ 44 doanh nghiệp trả lời bảng khảo sát; chiếm tỉ lệ 8,15%.
Bình luận 0
Đây là con số do Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) vừa đưa ra khi lấy ý kiến xây dựng dự thảo Báo cáo tổng quan về Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam.  
Đến nay, Việt Nam chưa có 1 đánh giá tổng quát mang tính khách quan về chuyển đổi số nông nghiệp

Đến nay, Việt Nam chưa có 1 đánh giá tổng quát mang tính khách quan về chuyển đổi số nông nghiệp

Doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số nông nghiệp còn thấp

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, dù là quốc gia có thế mạnh về phát triển nông nghiệp nhưng Việt Nam chưa có 1 đánh giá tổng quát mang tính khách quan về chuyển đổi số nông nghiệp.

Báo cáo lần này sẽ mang tính khách quan và toàn diện về lĩnh vực chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam, và lần đầu tiên được thực hiện.

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, năm 2016, Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp làm về truy xuất nguồn gốc điện tử.

Đến nay, công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối (blockchain) ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc đang được nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và áp dụng.

Chăn nuôi bò sữa là ngành ứng dụng công nghệ số nhiều nhất với các mô hình nổi bật của các doanh nghiệp như TH True Milk, Vinamilk.  

Ứng dụng công nghệ số nhiều nhất với các mô hình nổi bật của TH True Milk, Vinamilk.

Ứng dụng công nghệ số nhiều nhất với các mô hình nổi bật của TH True Milk, Vinamilk.

Đại dịch Covid-19 vừa qua đã tác động, làm thay đổi đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, số doanh nghiệp ngành nông nghiệp quan tâm tới chuyển đổi số còn rất thấp.

Bằng chứng là có 450 doanh nghiệp nông nghiệp, với đủ loại quy mô cũng như đủ phân bố ở mọi khâu trong chuỗi sản xuất chế biến đã được Ban soạn thảo tiếp cận để khảo sát.

Kết quả cho thấy, chỉ có 44 doanh nghiệp trả lời bảng khảo sát, chiếm tỉ lệ 8,15% trong tổng số doanh nghiệp đã tiếp cận.

"Tỉ lệ này tương đối thấp, cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp với chuyển đổi số hoặc mức độ tiếp cận với báo cáo là không cao", Báo cáo nhận định.

Khách hàng truy xuất nguồn gốc các loại rau củ quả của 1 doanh nghiệp ở Lâm Đồng

Khách hàng truy xuất nguồn gốc các loại rau củ quả của 1 doanh nghiệp ở Lâm Đồng

DN thiếu kinh phí để chuyển đổi số nông nghiệp

Theo báo cáo, có 2 nguyên nhân gây cản trở quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp là do: Thiếu kinh phí và thiếu nhân viên hoặc bộ kỹ năng phù hợp.

Trong ngành trồng trọt, nguyên nhân chủ quan là khó khăn trong việc lựa chọn, thiết kế nền tảng phù hợp với doanh nghiệp. Trong nội bộ doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của nhân viên, văn hóa làm việc.

Tiếp theo là sự liên kết với nông dân còn hạn chế; nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia; số lượng cũng như chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi…

Với ngành chăn nuôi, điểm nghẽn hiện nay là cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu công cụ cho quá trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, các nông hộ chăn nuôi chưa thấy được tầm quan trọng, lợi ích của việc chuyển đổi nên họ không có nhu cầu.

Lực lượng thú y TP.HCM kiểm tra truy xuất nguồn gốc thịt heo của công ty Vissan

Lực lượng thú y TP.HCM kiểm tra truy xuất nguồn gốc thịt heo của công ty Vissan

Ngược lại, trong số các 44 doanh nghiệp trả lời bảng khảo sát; 45,5% doanh nghiệp xác nhận đã có sự tăng trưởng trong doanh thu hoặc sự cắt giảm chi phí nhờ áp dụng công nghệ số.

Trong năm 2020, mức tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp này dao động từ 2 – 70%.

Kết quả khảo sát của Ban soạn thảo cũng cho thấy, công nghệ số đã được áp dụng xuyên suốt chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Tập trung nhiều nhất là ở khâu kinh doanh với tỉ lệ 84,1%.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Báo cáo tổng quan về chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam sẽ được phát hành thường niên.

Từ báo cáo ban đầu mang tính khái quát, những năm tiếp theo, báo cáo sẽ được đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, Báo cáo sẽ lấy doanh nghiệp làm trung tâm, sự thành công của doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng công nghệ số, những tiến bộ, tính phù hợp của chính sách vĩ mô…

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem