Anh Vàng Văn Huỳnh và chú ngựa giá ngàn đô
Những chiến mã ngàn đô
Mỗi năm, khi cái nắng hè oi ả đổ lửa rừng rực xuống khắp nơi, khách du lịch bốn phương lại hướng về cao nguyên trắng Bắc Hà chờ đón sự kiện du lịch hấp dẫn là giải đua ngựa truyền thống. Năm nay, giải đua ngựa Bắc Hà diễn ra từ ngày 3 - 4/6, dự kiến có 80 nài ngựa tham gia, hứa hẹn nhiều kịch tính.
Theo nài ngựa Vàng Văn Huỳnh, anh bảo năm nay chú ngựa của mình đã bước sang tuổi thứ 15, không còn sung mãn như những chú ngựa trẻ, nhưng vẫn sẽ tham gia giải.
Chú ngựa của anh Vàng Văn Giang là người lính gác trung thành
Nói về chú ngựa yêu, Huỳnh nhớ lại: Khi tôi mua về nó mới hơn 2 tuổi, giá ngày đó chỉ có 9 triệu thôi. Lúc đầu mới về, nhiều người chê vì nó kén ăn, uống ít nước, chỉ thích ăn măng rừng, sợ rằng không đủ sức để thồ hàng.
Anh Vàng Văn Giang
Nhưng khi trưởng thành, nó trở thành con ngựa đực rất khỏe và hăng, dù phải thồ hàng nặng leo dốc phục vụ công trình, nhưng nó vẫn rất ngoan, biết nghe lời chủ.
Người ta bảo “Nhất khuyển nhì mã”, hay “khuyển mã chi tình” vì chó và ngựa là hai loài rất trung thành với chủ. Trong một chuyến đi thồ vật liệu xây dựng ở xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, Huỳnh thả ngựa vào rừng rồi đi cắt cỏ, khi quay lại không thấy ngựa đâu. Tưởng rằng có kẻ xấu bắt mất ngựa, anh lo phát khóc. Nhưng khi về lán, đã thấy ngựa ở đó rồi.
“Thì ra, đợi tôi cắt cỏ lâu quá, nó đã tự đi tìm cỏ ăn no rồi tìm đường về chuồng trước. Nó cũng là con ngựa đoạt nhiều giải cao nhất, cùng tôi chu du khắp nơi, tham gia nhiều giải thi đấu ở Lào Cai, Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, mang về cho tôi số tiền gần 120 triệu đồng.
Nhiều người đến hỏi mua, trả giá cao, tính ra tới cả mấy ngàn USD, nhưng tôi không bán. Với tôi, nó là người bạn thân, cũng là thành viên không thể thiếu của gia đình”, Vàng Văn Huỳnh tâm sự.
Đến thăm gia đình anh Vàng Văn Giang, người giành giải Nhì trong cuộc đua năm 2016, chúng tôi được nghe thêm một câu chuyện thú vị. Khi tôi vừa bước vào cổng, chú ngựa đã vươn cổ hí vang. Anh Giang chia sẻ: Khi có khách lạ vào nhà, nó thường hí vang như thế để báo hiệu cho chủ biết. Nó trông nhà tốt lắm, chẳng kém gì chó đâu.
Anh Vàng Văn Huỳnh chăm sóc chiến mã trước ngày tung vó trên cao nguyên trắng
Ban đêm, khi mọi người ngủ, thì ngựa vẫn ngủ đứng và là người lính gác. Chỉ cần có một tiếng động nhỏ xung quanh, nó cũng phát hiện ra và cào chân, gõ móng, hay dùng tiếng hí để báo động. Từ đầu năm 2017 đến nay, nó cùng tôi đoạt hai giải Nhì tại lễ hội đua ngựa diễn ra tại Văn Chấn (Yên Bái) và Hàm Yên (Tuyên Quang).
Anh Giang còn cho biết ngoài công việc kéo xe hàng ngày, chú ngựa của anh còn có thêm công việc “đặc biệt” là lai tạo giống cho đàn ngựa Bắc Hà, Si Ma Cai. Trung bình mỗi năm, có trên 50 người dắt ngựa cái đến để “xin” giống. So với những con ngựa đực khác, chàng ngựa này có dáng chuẩn, thân hình cao to, cân đối, màu lông đẹp, lại đang độ sung sức, nên được nhiều người thích đem ngựa cái đến lấy giống.
Trò chuyện thêm, anh Giang bảo mỗi lần cho ngựa phối giống, tôi chỉ lấy 300 ngàn đồng gọi là tiền mua thóc, ngô cho ngựa ăn lấy sức kéo xe thôi, và có “bảo hành” hẳn hoi, bao giờ ngựa phối được thì thôi. Là ngựa chuyên phối giống, nhưng chàng ngựa nhà anh Giang cũng khá khó tính và biết kén chọn “bạn tình”. Vì có nhiều “nàng ngựa” đến được nó chọn ngay, nhưng có “nàng ngựa” dù ở đấy cả ngày nhưng nó nhất định không chịu phối, chủ và ngựa đành tiu nghỉu ra về.
Những dòng họ nài ngựa
Thôn Sừ Mần Khang nằm cheo leo trên sườn núi dốc, mùa đông thì sương mù dày đặc bao phủ, mùa hè vẫn có những ngày rét, sương giăng lãng đãng bản làng. Anh Tẩn Seo Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư cho biết, xã có 5 - 6 nài ngựa tham gia, trong đó đều tập trung ở Sừ Mần Khang. Đây là “rốn ngựa” của xã vì nhiều ngựa nhất, cũng là nơi có các kỵ sĩ đua ngựa giỏi nhất trên đỉnh núi này. Điều đặc biệt đó đều là những chàng trai họ Sùng trong một gia đình.
Anh Sùng Seo Cháng tự hào vì sinh ra trong một gia đình có nghề nài ngựa
Nhắc đến tài đua ngựa ở Sừ Mần Khang, ai cũng khâm phục ông Sùng Seo Dùng. Ông Dùng năm nay đã ngoài 50 tuổi, dáng người không cao lớn, nhưng tác phong nhanh nhẹn như con sóc trên rừng, đôi mắt vẫn tinh anh như loài chim cắt. Ông cho biết mùa giải năm nào ông cũng có mặt, trong đó thành tích cao nhất là giải Nhì năm 2012.
Sùng Seo Dùng bảo muốn biết ai dũng cảm, mạnh mẽ, gan dạ thì hãy ngồi trên lưng ngựa, vì thế ông rèn luyện cho các con khí chất can đảm của người vùng cao, biết cưỡi ngựa ngay từ khi còn nhỏ. Giải đua ngựa Bắc Hà hàng năm Sùng Seo Dùng cùng các con trai là Sùng Seo Cháng, Sùng Seo Sàng, Sùng Seo Sủ, Sùng Seo Say đều tham gia. Có mùa giải, cả 5 bố con đều lần lượt vượt qua vòng loại, trở thành đối thủ của nhau trên đường đua nóng bỏng.
Nói về truyền thống đua ngựa của gia đình, anh Sùng Seo Cháng tươi cười: Tôi rất tự hào vì sinh ra trong một gia đình “nài ngựa”. Bây giờ, con trai tôi là Sùng A Hải mới học lớp 2 nhưng đã có thể phi ngựa không sợ ngã giống như tôi và ông nội cháu khi còn bé.
Rời Tả Van Chư, chúng tôi trở về vùng đất ngựa nổi tiếng nhất Bắc Hà là xã Na Hối để tìm gặp những "kỵ sĩ" dân tộc Tày của dòng họ Vàng. Qua 10 mùa giải, tên tuổi của những nài ngựa nổi tiếng nhất cao nguyên trắng đều thuộc về các chàng trai họ Vàng xã Na Hối như: Vàng Văn Huỳnh, Vàng Văn Cương, Vàng Văn Quyết, Vàng Văn Thức, Vàng Văn Giang…
Trong nhiều năm qua, anh em họ Vàng đều thay nhau “thống lĩnh” ngôi vị quán quân giải đua ngựa mà chưa có nài ngựa nào khác vượt qua được. Trong đó, Vàng Văn Huỳnh là người vô địch giải đua ngựa Bắc Hà các năm 2011, 2012, 2013. Nài ngựa Vàng Văn Quyết đoạt giải Nhất năm 2014, 2015. Nài ngựa Vàng Văn Cương vô địch mùa giải năm 2016. Đó là chưa kể tới các giải đua ngoài tỉnh.
Nhiều lần gặp các kỵ mã họ Vàng, chúng tôi đều thấy họ luôn vui vẻ, đoàn kết chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chọn ngựa hay, nghệ thuật thuần ngựa dữ, cách chăm sóc ngựa, kỹ thuật điều khiển ngựa trên đường đua… Với họ, nài ngựa cũng là một nghề, và câu chuyện về đua ngựa luôn mới mẻ, hấp dẫn.