Cận cảnh một khu vực trồng sâm cao ly của Tổ hợp tác nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa (Hàn Quốc).
Các nông dân Việt Nam xuất sắc hào hứng thăm quan các luống sâm cao ly. “Tôi phải kiểm tra kỹ và ghi chép từng thông tin cụ thể về kỹ thuật trồng, chăm sóc để khi về còn nghiên cứu và mong muốn sau này có cơ hội hợp tác với đối tác để trồng được loài cây quý này” – ông Cao Xuân Lãng, nông dân Việt Nam xuất sắc 2013 ở Bắc Kạn chia sẻ.
Ông Lee Dong Joe - Giám đốc nhà máy sản xuất chế phẩm hồng sâm ở Kang Hwa (Hàn Quốc) cho hay: “Do việc trồng nhân sâm rất khó nên chúng tôi phải tổ chức và có phương pháp trồng rất bài bản mới có thể thành công được. Đặc biệt để nhằm giảm chi phí sản xuất, chúng tôi đã làm nhà che cho nhân sâm bằng các thanh gỗ được nhập khẩu về từ Indonesia. Bên cạnh đó các công tác phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh cũng được đơn vị làm thường xuyên, riêng bệnh hại lá (giống bệnh thán thư trên cây cà chua ở Việt Nam), một loại bệnh nguy hiểm nhất trên cây nhân sâm đến nay chúng tôi cũng đã có thuốc đặc trị hiệu quả”.
Ông Lee Dong Joe - Giám đốc nhà máy sản xuất chế phẩm hồng sâm ở Kang Hwa (Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc sâm cao ly với các nông dân Việt Nam xuất sắc tại khu trồng sâm của Tổ hợp tác Kang Hwa.
Chia sẻ về tình hình phát triển mô hình trồng nhân sâm của đơn vị mình, ông Hwang Woo Deok - Chủ tịch Tổ hợp tác Nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa cho hay: “Hiện nay đơn vị của tôi có khoảng 264ha trồng nhân sâm. Hàng năm, sản phẩm nhân sâm được tiêu thụ chính ở trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường chủ yếu như Trung Quốc, Nhật Bản… Nhờ việc sản xuất ra sản phẩm sâm tốt nhất thế giới nên chúng tôi luôn có thu nhập cao”.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa đoàn nông dân Việt Nam xuất sắc với lãnh đạo Tổ hợp tác nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa (Hàn Quốc).
Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày nay/Dân Việt, Phó trưởng Ban tổ chức chương trình THNDVN 2017 thay mặt đoàn tặng quà cho ông Hwang Woo Deok – Chủ tịch Tổ hợp tác nông nghiệp nhân sâm Kang Hwa (Hàn Quốc).