Nuôi thành công giống cá suýt ngấp nghé tuyệt chủng, nông dân một ấp ở Tiền Giang thu tiền tỷ

Trần Đáng Thứ hai, ngày 06/03/2023 12:52 PM (GMT+7)
Từ chỗ chạy ăn từng bữa, nhiều nông dân ấp Mỹ Chánh 4 (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) trở thành tỷ phú nhờ ương cá giống nước ngọt, trong đó có cá mè vinh sắp tuyệt chủng.
Bình luận 0

Người tiên phong gầy dựng ấp Mỹ Chánh 4 trở thành khu vực ương cá giống nước ngọt ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung là ông Hai On (Âu Văn On).  

Từ chỗ chạy ăn từng bữa, nông dân xóm này trở thành tỷ phú nhờ ương thành công loại cá đặc sản sắp tuyệt chủng - Ảnh 1.

Ông Âu Văn On (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang) đang ương cá giống. Ảnh: Trần Đáng

Những tỷ phú ương cá giống, đặc biệt cá mè vinh đặc sản

Ông Hai On thổ lộ, ông theo nghề ương cá giống cũng vì thấy con cá mè vinh sắp tuyệt chủng. Theo đó, khoảng giữa thập kỷ 80 (thế kỷ trước) không hiểu sao cá mè vinh dần dà biến mất. Trong ao, dưới sông rất khó tìm thấy bóng dáng cá mè vinh.

Tiếc con cá đặc sản miền Tây Nam bộ sắp tuyệt chủng, ông Hai On sục sạo dưới kênh, dưới sông bắt cho bằng được con cá mè vinh rồi mang đến Viện nghiên cứu thủy sản ĐBSCL nhờ cán bộ viện chỉ cách ương cá giống.

Theo ông Hai On, cá mè vinh được ông ương thành công đã trở thành mặt hàng cá giống luôn "cháy" hàng. Lúc bấy giờ, giá cá mè vinh giống là 500 xu/con. Một triệu con cá mè vinh giống giá bằng 1 chỉ vàng hay 200 giạ thóc.

Thừa thắng xông lên, sau khi ương thành công cá mè vinh, ông Hai On tiếp tục hoàn thiện quy trình ương cá giống khác, như: Cá chép, tai tượng, chim trắng, rô đồng, rô phi, trôi, diêu hồng…

Hiện, mỗi năm ông Hai On xuất bán ra thị trường khoảng 1 tỷ con cá giống các loại, thu lời hơn 300 triệu đồng.

Thấy ông Hai On giàu to nhờ ương cá giống, ông Nguyễn Văn Trước cũng theo nghề. Hiện, ông Trước có gần 30ha mặt nước chuyên ương giống cá các loại, như: cá tra, cá mè, cá chép, các loại cá cảnh… Trung bình, mỗi năm ông Trước cung ứng cho thị trường 25 - 30 tấn cá giống các loại, doanh thu tiền tỷ.

Từ chỗ chạy ăn từng bữa, nông dân xóm này trở thành tỷ phú nhờ ương thành công loại cá đặc sản sắp tuyệt chủng - Ảnh 3.

Ông Âu Văn On dày công tìm kiếm quy trình ương cá giống đặc sản mè vinh. Ảnh: Trần Đáng

Trở thành vùng ươnggiống nước ngọt miền Tây Nam Bộ

Trước đây, ấp Mỹ Chánh 4 là vùng trũng, nhiễm phèn nặng. Phần lớn đất đai bỏ hoang hoặc trồng lúa 1, 2 vụ/năm, thu nhập bấp bênh. Giờ nơi đây trở thành vùng ương và cung ứng giống thủy sản nước ngọt của tỉnh Tiền Giang.

Nhờ vậy, từ một ấp nghèo chạy ăn từng bữa, ấp Mỹ Chánh 4 ngày nay là một trong những ấp giàu có trên địa bàn. Nhiều tỷ phú xuất hiện nhờ nghề ương cá giống.

Theo ông Hai On, Chi Hội trưởng Chi Hội nghề cá xã Hậu Mỹ Bắc A, nhằm phát triển nghề ương cá giống, địa phương đã thành lập Chi hội Nghề cá với 24 hội viên và Câu lạc bộ Khuyến nông, khuyến ngư.

Hằng năm, xã phối hợp với phòng ban chuyên môn của huyện mở các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật ương giống cá mới và các khâu xử lý ao nuôi, chăm sóc cá trong từng giai đoạn sinh trưởng…

"Nhờ vậy, bà con theo nghề ương cá giống ngày càng nhanh chóng, hoàn thiện quy trình ương, nuôi ít mò mẫm, khó khăn, thất bại như tôi vào những ngày đầu vào nghề", ông Hai On bộc bạch.

Từ vài ao ương cá giống nhỏ lẻ, giờ ấp Mỹ Chánh 4 có khoảng 150ha ao ương cá bột, cá hương (cá giống) với 80 hộ tham gia. Mỗi năm, vùng ương cá giống này cung cấp cho thị trường 300 – 500 tấn cá giống các loại, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Thị trường cá giống là vùng ĐBSCL và xuất khẩu sang Campuchia.

Từ chỗ chạy ăn từng bữa, nông dân xóm này trở thành tỷ phú nhờ ương thành công loại cá đặc sản sắp tuyệt chủng - Ảnh 4.

Nhiều nông dân ấp Mỹ Chánh 4 (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) trở thành tỷ phú nhờ nghề ương cá giống. Ảnh: Trần Đáng

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân địa bàn khó khăn, các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang), trong đó có huyện Cái Bè, đang phát triển mạnh nghề ương, nuôi thủy sản nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghề ương, nuôi thủy sản nước ngọt phát triển đã đóng góp đáng kể trong việc giảm nghèo nông thôn, giúp người dân tạo dựng cơ nghiệp vững chắc, là tiền đề để các huyện, thị trong vùng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem