Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp măng tây xanh ở Bắc Ninh tạo nhiều việc làm, thu nhập tốt cho nông dân

Nguyễn Thu (Hội ND Bắc Ninh) Thứ tư, ngày 26/10/2022 05:33 AM (GMT+7)
Sau hơn 10 nỗ lực vượt qua khó khăn, kiên trì theo đuổi đam mê với cây măng tây xanh, anh Vũ Huy Tuấn (xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) đã khởi nghiệp thành công. Mô hình trồng "rau vua" của anh đã tạo việc làm cho hơn chục lao động, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Sinh ra tại vùng quê thuần nông xã Minh Tân, huyện Lương Tài vốn là vùng chuyên canh cà rốt lớn của tỉnh Bắc Ninh. Sau một vài năm xa quê kiếm việc làm, anh Tuấn quyết định quay trở về với ước mơ khởi nghiệp bằng nông nghiệp trên chính mảnh đất giàu tiềm năng của quê hương mình. 

Về quê trồng "rau vua"

Đang trăn trở tìm hướng đi, trong một lần tình cờ xem trên truyền hình, anh Tuấn biết đến mô hình trồng măng tây xanh. 

Anh đã tìm đến tận nơi để tham quan học hỏi. Nhận thấy đây là cây trồng có giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao, hơn nữa lại phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của địa phương nên anh Tuấn bắt tay vào làm.

Tỷ phú trồng "rau vua" ở Bắc Ninh là chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cao cho nông dân - Ảnh 1.

Cơ sở trồng măng tây xanh Tuấn Chang thu hút nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Cơ sở trồng măng tây xanh Tuấn Chang thu hút nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm

Từ cuối năm 2012, ruộng măng đầu tiên được anh lên luống thử nghiệm rộng 2.800m2 với số vốn 100 triệu đồng vay mượn để nhập giống. Do thiếu kinh nghiệm, vụ đầu tiên thất bại. Không vì thế mà bỏ cuộc, anh Tuấn lặn lội vào tận Lâm Đồng và Ninh Thuận để học tập kinh nghiệm của các hộ sản xuất. 

Mang những kiến thức thu lượm được, anh bắt tay xuống giống đợt 2. Sau 2 tháng ươm giống, thêm 3 tháng trồng và chăm sóc thì cây cho những lứa măng đầu tiên. Lúc này anh Tuấn lại gặp bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm. 

“Ngày ấy, măng tây xanh vẫn là loại rau không phổ biến trên thị trường, rất ít người biết đến. Nên khi có sản phẩm mình phải trực tiếp mang đi chào hàng tại các siêu thị, cửa hàng khắp Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng… Cứ thế, dần nhiều người biết đến, và bắt đầu có những mối thu mua quen” - Anh Tuấn chia sẻ.

Năm đầu tiên đất mới nên cây phát triển nhanh, nhưng sang năm thứ hai cây mắc nhiều sâu bệnh, nấm nên không phát triển được. Anh Tuấn phải nhờ đến các chuyên gia kỹ thuật tư vấn, chuyển sang dùng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, phân tự ủ… vì măng tây xanh đòi hỏi quy trình chăm sóc rất khắt khe, đặc biệt nếu lạm dụng phân bón hóa học sẽ làm cho cây bị ngộ độc và cũng rất khó có thể chữa được bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.

Năm 2013, mô hình đã đem lại thu nhập 270 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, anh Tuấn dần mở rộng diện tích lên 21.600m2 liên kết với 7 hội viên trong xã cùng trồng và bao tiêu cho bà con, đến nay toàn xã đã có 19 hội viên tham gia liên kết. Đến năm 2020, trang trại của anh đã mở rộng với tổng diện tích 80.0002.

Tỷ phú trồng "rau vua" ở Bắc Ninh là chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cao cho nông dân - Ảnh 3.

Anh Tuấn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ chuyển giao KHKT trồng măng tây cho các hộ sản xuất mới “vào nghề”

Anh Tuấn cho biết trung bình mỗi ngày gia đình anh thu hoạch được khoảng 200kg măng cùng việc thu mua từ các hộ dân trong khu vực khoảng 300 kg. Với giá măng loại 1 (thân to, mập, đều) là 70.000 đồng/kg chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch khắp các tỉnh miền Bắc. 

Còn măng tây xanh loại 2 giá thấp hơn một chút là 60.000 đồng/kg. Giá măng tây xanh loại 3 (hàng xô) chỉ có 30.000 đồng/kg, tập trung vào nhóm tiêu dùng bình dân. Anh Tuấn thu về từ 12-15 triệu đồng/ngày. 

Chi hội trưởng trẻ, năng động, tạo nhiều việc làm

Theo anh Tuấn, để giữ được đơn hàng ổn định, bên cạnh việc tăng năng suất, sản lượng, sản phẩm tạo ra phải có tính cạnh tranh cao, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh việc bán măng tây thương phẩm, trang trại của anh Tuấn còn bán cây giống cho các hộ nông dân có nhu cầu trồng măng tây xanh trong và ngoài tỉnh. 

Các hộ mua cây giống được anh Tuấn tận tình hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, vùng nguyên liệu anh Tuấn liên kết hỗ trợ bao tiêu sản phẩm măng tây xanh đạt trên 100ha, bao gồm ở Bắc Ninh và một số tỉnh như Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An… 

Anh Tuấn chia sẻ, măng tây xanh ngoài giá trị dinh dưỡng cao, măng tây xanh cũng có tác dụng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng… Về hiệu quả kinh tế, bình quân 1 sào trồng măng tây cho doanh thu từ 40 - 45 triệu đồng/năm, trừ hết chi phí, người trồng măng tây xanh có lãi từ 20 - 23 triệu đồng/sào/năm.

Để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sau thu hoạch, ngoài măng tây tươi, anh Tuấn đã nghiên cứu, chế biến ra các sản phẩm khô được thị trường đón nhận như trà măng tây (dạng túi lọc) từ những phần gốc măng già hay bột măng tây từ những thân măng nhỏ không đủ kích thước. 

Lợi nhuận thu từ mô hình đã ngày càng tăng qua các năm. Từ 400 triệu đồng năm 2017, đến năm 2021, mô hình đã đem lại cho anh Tuấn 3,1 tỷ đồng lợi nhuận trên tổng doanh thu 5,2 tỷ đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho hơn chục lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh thành lập Chi Hội nghề nghiệp măng tây xanh gồm 32 hội viên là những nông dân đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh cây măng tây xanh và các sản phẩm chế biến từ măng tây xanh. 

Anh Vũ Huy Tuấn được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng nghề nghiệp măng tây xanh. Với cương vị của mình, anh Tuấn đã cùng với Ban Chấp hành Chi Hội quy tụ, hướng dẫn các hội viên sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo dựng thương hiệu măng tây xanh Bắc Ninh, đăng ký tham gia chương trinh OCOP của tỉnh; phân bổ thời gian sản xuất, thu hoạch để tạo nguồn hàng ổn định thường xuyên cung ứng ra thị trường.

Là một trong hai người đầu tiên thử sức đem cây măng tây xanh về trồng ở tỉnh Bắc Ninh, sau 10 năm kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn để hái những trái ngọt đầu tiên. 

Đến nay, anh Tuấn đã hoàn toàn tự tin đứng vững với đam mê của mình. Tin tưởng rằng, với nhiệt huyết dám nghĩ, dám làm, mô hình trồng, chế biến và liên kết tiêu thụ măng tây xanh của anh Vũ Huy Tuấn sẽ tiếp tục được phát triển theo hướng bền vững.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem