Tỷ phú nuôi "chim tiền tỷ" ở Bình Dương, từ mua bán ve chai đến danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 22/09/2022 05:31 AM (GMT+7)
Bà Tăng Thị Hằng trở thành đại diện nông dân tỉnh Bình Dương được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Mô hình trang trại tổng hợp, trong đó có nuôi chim yến (ví như chim tiền tỷ), thu nhập của trang trại khoảng 6 tỷ/năm.
Bình luận 0

Có được cơ ngơi như bây giờ, bà Hằng vẫn không quên những ngày gian khó, khởi nghiệp từ nghề mua bán ve chai. Được sự hỗ trợ của chính quyền và các cấp Hội Nông dân, giờ đây, gia bà Hằng vẫn đang tích cực hỗ trợ lại cho bà con nông dân ở địa phương.

Clip: Bà Tăng Thị Hằng (Phú Giáo, Bình Dương), từ người mua bán ve chai đến mô hình kinh tế trang trại, trong đó có nuôi chim yến. Bà Hằng là một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Thực hiện: Nguyên Vỹ

Một thời ve chai, dép đứt

Ngược dòng Sông Bé đang cuộn đỏ phù sa, chúng tôi tìm đến xã An Long, huyện Phú Giáo giữa màu xanh bạt ngàn của cao su. An Long vốn là xã thuần nông của huyện Phú Giáo, và là một trong những xã xa nhất tỉnh Bình Dương.

Nơi đây, người dân từ bao đời vẫn gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy. Gia đình bà Tăng Thị Hằng là một trong những nhân tố tích cực đang góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn ở Phú Giáo.

Bà Tăng Thị Hằng kể về hành trình khởi nghiệp từ nghề buôn ve chai đến khi  trở thành đại diện Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Tăng Thị Hằng kể về hành trình khởi nghiệp từ nghề buôn ve chai đến khi trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Chúng tôi đi lên từ nghề mua bán ve chai. Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của Hội Nông dân các cấp, gia đình khó có cuộc sống sung túc như hôm nay", bà Hằng khiêm tốn nói.

Lời giới thiệu của bà khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Bà Hằng kể lại, gia đình từ Thủ Dầu Một chuyển về huyện Phú Giáo lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. 

Khi đó, kinh tế, xã hội ở huyện Phú Giáo còn nhiều khó khăn. Hai vợ chồng phải bán sợi dây chuyền ngày kết hôn để làm vốn, đi mua bán ve chai, dép đứt.

Bà Hằng chăm sóc đàn thỏ tại trang trại nuôi của gia đình. Ảnh: NVCC

Bà Hằng chăm sóc đàn thỏ tại trang trại nuôi của gia đình. Ảnh: NVCC

Khó khăn nhưng gia đình bà vẫn nỗ lực vượt khó để có thể sống tốt trên mảnh đất quê mình. "Dần dà, 2 vợ chồng tích cóp được ít vốn để mở tiệm thu mua phế liệu. Lên được tiệm cũng coi như một bước lên đời rồi", bà Hằng cười bảo.

Thay vì đi ngang dọc khắp hang cùng ngỏ hẻm miền thôn quê, ông Nguyễn Hoàng Hiếu, chồng bà Hằng bắt đầu tìm mua và sửa lại máy rà bom mìn. Những chiếc máy này được bán thiếu lại cho người dân địa phương. Họ đi rà sắt, bán lại cho tiệm phế liệu, rồi trừ dần vào tiền vốn đã mua máy.

Cửa hàng vật tư nông nghiệp của bà Hằng đến nay vẫn đang bán trả chậm, hỗ trợ sản xuất cho nhiều nông dân ở địa phương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cửa hàng vật tư nông nghiệp của bà Hằng đến nay vẫn đang bán trả chậm, hỗ trợ sản xuất cho nhiều nông dân ở địa phương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Gần 40 cái máy như thế hoạt động, mỗi tuần gom về khoảng 15-20 tấn phế liệu. Đời sống dần cải thiện, chồng bà Hằng trực tiếp trông coi cửa tiệm. Bà Hằng bắt đầu đi học trung cấp nông lâm để mua bán nông sản và kinh doanh vật tư nông nghiệp. Hai vợ chồng cứ cặm cụi miết như thế mà tích cóp, mua lại hàng chục mẫu đất.

Thế nhưng, năm 2006-2007, dự án đập thủy lợi Phước Hòa đi qua, 15 ha đất của gia đình nằm trong diện đền bù giải tỏa. Giá đền bù thời đó không bao nhiêu. Đây là lúc bà Hằng bàn với chồng mình chuyển hẳn sang làm nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển lại kinh tế. Cửa hàng vật tư nông nghiệp sẽ cấp vốn để lấy ngắn nuôi dài.

Bà Hằng kiểm tra nhà nuôi chim yến. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Hằng kiểm tra nhà nuôi chim yến. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sau bao nhiêu năm vất vả, hiện nay gia đình bà đang có 10ha đất. Trong đó, 7ha đất trồng cây cao su đang khai thác. Trên 3ha còn lại, bà phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp từ nuôi chim yến đến nuôi thỏ, cheo, dúi... theo hình thức hoang dã. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà thu hơn 6 tỷ đồng.

Nuôi chim tiền tỷ, làm nông dân chuyên nghiệp

Trong số các mô hình nuôi trồng của mình, tổ chim yến là sản phẩm chủ lực giúp bà Hằng phát triển kinh tế gia đình và xây dựng thương hiệu.

Bà Hằng kể, từ năm 2012, bà là người tiên phong đưa mô hình nuôi chim yến về địa phương. Lúc đầu, nhiều người can ngăn vì không tin tưởng vào hiệu quả mô hình này. Lời ra tiếng vào vẫn không cản được bà đi các nơi, sang Thái Lan rồi lại về Phú Quốc học hỏi kinh nghiệm.

Chim yến kéo về làm tổ dày đặc trong nhà nuôi yến của bà Hằng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chim yến kéo về làm tổ dày đặc trong nhà nuôi yến của bà Hằng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Hằng mua lại một căn nhà cấp 4 để cải tạo thành nhà nuôi yến đầu tiên. Khí hậu và thổ những ở miền cao huyện Phú Giáo tạo ra nguồn thức ăn phong phú. Chim yến kéo về ngày càng nhiều. Sau 3 năm, yến bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, bà có tổng cộng 3 nhà yến với diện tích 1.600m2.

"Sản phẩm yến có giá, mở ra hướng phát triển kinh tế và làm nông chuyên nghiệp của gia đình", bà Hằng nói.

Với diện tích hiện tại, mỗi tháng cơ sở thu khoảng 15kg tổ yến thô, với giá dao động từ 20-22 triệu đồng/kg. Mỗi năm, doanh thu từ tổ yến thô của cơ sở đạt khoảng 3 tỷ đồng. Cơ sở yến của bà Hằng giải quyết việc làm ổn định cho 4 công nhân, với lương dao động khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, cùng các chế độ phúc lợi xã hội khác.

Bà Hằng kiểm tra quá trình sơ chế sản phẩm yến. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Hằng kiểm tra quá trình sơ chế sản phẩm yến. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2019, sản phẩm tổ yến mang tên Hiếu Hằng của gia đình bà đã tham dự và đạt giải sản phẩm nông thôn tiêu biểu ở Bình Dương. Đến năm 2021, yến Hiếu Hằng đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Đây là mức cao nhất đối với một cơ sở sản xuất. Sắp tới, vợ chồng bà Hăng sẽ nâng cấp mô hình hoạt động lên doanh nghiệp hoặc HTX để tiếp tục nâng hạng sản phẩm lên OCOP 4-5 sao.

Hiện tại, gia đình đang thực hiện lại bộ nhận diện thương hiệu yến Hiếu Hằng. Thực ra từ năm 2018, bà Hằng đã được cấp nhãn hiệu cho sản phẩm yến. Nhưng khi đó, sản phẩm chủ yếu là bán thô. Hình ảnh logo còn đơn điệu, dễ sao chép.

Sản phẩm yến Hiếu Hằng đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sản phẩm yến Hiếu Hằng đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Bộ nhận diện thương hiệu mới sẽ được đăng ký độc quyền. Cùng với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc, tất cả sẽ giúp mình kiểm soát tốt hơn khi dòng sản phẩm chế biến đang được đẩy mạnh", bà Hằng nói.

Lâu nay, sản phẩm yến thô được bà Hằng cung cấp khắp thị trường cả nước. Mới đây, một đối tác ở Hà Nội đồng ý cung cấp sản phẩm ra thị trường miền Bắc, giữ nguyên thương hiệu Hiếu Hằng.

"Dù là bước khởi đầu nhưng nó chứng minh nỗ lực cải thiện mẫu mã và giữ vững chất lượng sản phẩm của một nông dân như tôi", bà Hằng khoe.

Ngoài yến thô, bà Hằng đang nỗ lực đưa sản phẩm chế biến từ yến của mình ra thị trường. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngoài yến thô, bà Hằng đang nỗ lực đưa sản phẩm chế biến từ yến của mình ra thị trường. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Hằng cho rằng, để phát triển kinh tế nông nghiệp thì chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu. Nhất là với sản phẩm thực phẩm như yến sào. Hiện tại, việc sơ chế, chế biến sản phẩm yến của bà Hằng đã có nhiều máy móc và công nghệ hỗ trợ.

Ngoài tổ yến thô, cơ sở đang đẩy mạnh chế biến sản phẩm từ yến như yến tươi; yến chưng đông trùng hạ thảo, chè yến, cháo yến... Tất là đều là sản phẩm sạch tuyệt đối để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.   

Bà Hằng nhận được rất nhiều bằng khen vì những thành tích và đóng góp cho địa phương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Hằng nhận được rất nhiều bằng khen vì những thành tích và đóng góp cho địa phương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Góp phần phát triển kinh tế địa phương

Theo Hội Nông dân huyện Phú Giáo, bà Hằng là một trong những hội viên nông dân tích cực góp phần vào phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

Cửa hàng vật tư nông nghiệp của bà đến nay vẫn đang bán trả chậm cho nông dân. Đầu vụ, bà bán thiếu cho nông dân. Đến khi nông dân thu hoạch sản phẩn thì mới trả tiền gốc, không tính phí phát sinh. 

Bằ Hằng cùng đoàn đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tham dự Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VI với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp". Ảnh: NVCC

Bằ Hằng cùng đoàn đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tham dự Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VI với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp". Ảnh: NVCC

Hoạt động này duy trì đã giúp cho hơn 500 lượt hội viên nông dân phát triển sản xuất mỗi năm. Bà Hằng còn tư vấn kỹ thuật nuôi trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất cho hơn 600 lượt hội viên huyện Phú Giáo mỗi năm.

Ông Trịnh Đức Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo cho biết, những đóng góp của bà Hằng và gia đình đã góp phần đã tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân. Cùng với Hội Nông dân các cấp, bà Hằng cũng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Từ năm năm 2019, bà Hằng đã được công nhận được là nông dân tiêu biểu tỉnh Bình Dương lần I. Bà Hằng vinh dự được được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là Nông dân việt nam xuất sắc năm 2022.

Vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã trao cho bà bằng khen Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem