dd/mm/yyyy

Tỷ phú mai nu “mặt khỉ” miệt Gò Công, cây đang làm dở dang cũng có giá 60-70 triệu đồng/cặp

Dân trồng mai nu “mặt khỉ” miệt Gò Công rỉ tai nhau: “Tám Bỉnh trồng mai nu kiểu mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Chẳng biết sự tình đúng hay sai, nhưng số mai nu anh Tám Bỉnh (Lê Tấn Bỉnh) ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, hiện có số mai nu bằng một nửa cả làng trồng.

Chúng tôi về Thạnh Nhựt - làng trồng mai nu "mặt khỉ" nổi tiếng miệt Gò Công, thăm vườn mai nu anh Tám Bỉnh trong một ngày trời xám xịt. Trên đường đi, anh Sáu Tốt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Nhựt, thổ lộ: "Tám Bỉnh là tỷ phú trồng mai nu miệt Gò Công".

"Hậu sinh khả úy" trồng mai nu "mặt khỉ"

Anh Tám Bỉnh ra tận cổng vườn tiếp chúng tôi. Sau cánh cổng sắt là hàng trăm chậu mai nu "mặt khỉ" xếp thành dãy thẳng tắp. Có những chậu trong quá trình sửa, tỉa; có chậu đã thành phẩm giá hàng chục triệu đồng… 

Theo anh Tám Bỉnh, anh đang có 2,5ha đất trồng mai nu, gồm 2ha trồng cây nguyên liệu. 5 công đất để nuôi cây. Hiện, anh Tám Bỉnh có khoảng 10.000 cây mai nu, trong đó có hơn 800 cây mai nu thành phẩm.

Tỷ phú mai nu “mặt khỉ” miệt Gò Công - Ảnh 1.

Anh Tám Bỉnh (trái) trao đổi về trồng mai nu với Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Nhựt - ông Nguyễn Văn Tốt. Ảnh: Trần Đáng

Không những đi tìm nhãn hiệu riêng cho mai nu "mặt khỉ" Thạnh Nhựt, anh Tám Bỉnh còn đang tiên phong trong việc chuyển hướng làm mai nu kiểng cổ sang làm mai nu bonsai.

Anh Tám Bỉnh cho biết, anh đã theo nghề trồng mai nu được 20 năm nay. Nhưng với làng trồng mai nu Thạnh Nhựt có tuổi nghề 100 năm, anh Tám Bỉnh chỉ thuộc hàng hậu sinh. Nhiều bậc tiền bối trồng mai nu vẫn còn sống ở làng. Nhiều cặp mai nu có tuổi hơn thâm niên trồng mai nu của anh Tám Bỉnh. 

Tuy nhiên, anh Tám Bỉnh đang là một "hậu sinh khả úy" của làng nghề. Ở anh cho thấy một sự siêng năng, sáng tạo, dễ thích nghi và biết cầu tiến. 

"Tám Bỉnh chưa phải là lão làng trong nghề, nhưng sản xuất và kinh doanh thì khó ai vượt mặt" - anh Sáu Tốt nhận xét.

Lâu nay, anh Tám Bỉnh ém nhẹm một "kho báu" mai nu "mặt khỉ" đột biến không ai trong làng mai nu Thạnh Nhựt biết. Cứ như thế, anh chiết nhánh, làm thành phẩm bán mà không ai hay. Theo anh Tám Bỉnh, cây mai nu đột biến có đặc điểm bộ đế to, ngọn nhỏ hơn cây mai nu thường. Nu mặt khỉ to, tròn, đẹp mọc dày trên thân cây. 

Nếu với cây mai nu thường, nuôi các đoạn trên thân cây thường mất khoảng chục năm thì mai nu đột biến chỉ mất một nửa thời gian. Do thân cây mai nu đột biến "đầu voi, đuôi chuột" nên rất thích hợp để dùng làm cây bonsai.

Anh Tám Bỉnh đang cho chiết 10.000 nhánh mai nu đột biến bán cho người trồng. Giá mỗi nhánh mai nu đột biến 25.000-30.000 đồng. Những tác phẩm mai nu đột biến dù đang làm dang dở cũng có giá 60-70 triệu đồng/cặp.

Anh Tám Bỉnh bộc bạch, trồng mai nu là "nghề chơi trí tuệ". Theo đó, để có những gốc mai nu như ý muốn, người trồng phải mất 3-5 năm để trồng cây nguyên liệu. Khi gốc cây đạt kích cỡ thì tiến hành vô chậu, chỉnh sửa, tạo dáng trong vòng 5 năm nhằm tạo hình hoàn chỉnh mới bán được. 

Về cơ bản để tạo hình cho cây mai nu, nghệ nhân phải tuân thủ nguyên tắc thân cây sau khi uốn, ngọn phải nhiễu thẳng xuống trùng với tâm của gốc cây nhằm thể hiện triết lý "lá rụng về cội" (luôn nhớ về cội nguồn).

Tỷ phú mai nu “mặt khỉ” miệt Gò Công - Ảnh 3.

Sản phẩm mai nu “mặt khỉ” của nông dân Tám Bỉnh. Ảnh: Trần Đáng

Mỗi năm anh Tám Bỉnh có doanh thu từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Sản phẩm mai nu của anh Tám Bỉnh không chỉ bán trong nước mà còn bán ra nước ngoài theo dạng xách tay.

Việc tạo hình cho một cây kiểng nào đó đều mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc, ví dụ: Bộ kiểng nu tam cang (quân thần cang, phu thê cang, phụ tử cang), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) hay tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh)…

Trong đó, bộ kiểng tam cang, ngũ thường dáng thế đẹp phải có dáng tổng thể của cây ở trong một tam giác cân, thể hiện sự ngay ngắn, vững bền của gia đình; thân, gốc to, ngọn nhỏ (đầu voi, đuôi chuột) ngụ ý trụ cột gia đình vững chắc, gương mẫu…

Đặc biệt, anh Tám Bỉnh nổi tiếng với sản phẩm mai nu kiểng cổ đuôi lân. Trong vườn mai nu của anh, các sản phẩm đều làm theo mô típ này. 

"Làm mai nu hiện nay là làmkiểng cổ. Nghề này rất mất thời gian và công phu nhằm thể hiện tính triết lý nhân sinh quan. Sau 15 năm uốn nắn, tỉa tót, một cặp mai nu thành phẩm mới có giá 20 triệu đồng" - anh Tám Bỉnh thổ lộ.

Nói là vậy, nhưng khi có một lượng sản phẩm mai nu "mặt khỉ" trong vườn, mỗi năm chủ vườn có doanh thu cũng vài trăm triệu đồng. Như anh Tám Bỉnh, mỗi năm có doanh thu từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng.

Tìm hướng đi mới cho cây mai nu

Tôi còn nhớ, năm 2021, tại hội thảo do Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức ở Cần Thơ, đại biểuột số tỉnh thành, như Long An, Bến Tre, Huế… có ý kiến tranh luận về nguồn gốc của giống mai nu. 

Cuối cùng, giống mai này đã được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận có xuất xứ từ "Làng mai nu Thạnh Nhựt". Và rồi, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Mai chiếu thủy nu Gò Công" cho UBND huyện Gò Công Tây là đơn vị đại diện cho nông dân.

Theo anh Tám, do làm kiểng cổ mất rất nhiều thời gian, công phu, thu hồi vốn chậm nên phải chuyển sang làm mai nu bonsai để khắc phục những điểm này. Ngoài ra, cũng để mở ra một chiều hướng sản xuất mới. Nền tảng cho việc chuyển hướng này là anh Tám Bỉnh đã có nguồn nguyên liệu mai nu "mặt khỉ" đột biến rất thích hợp làm mai nu bonsai. 

"Vẫn giữ gìn cái nghề cha ông để lại, nhưng phải mở ra hướng đi mới phù hợp với thị hiếu, thích ứng với thị trường" - anh Tám Bỉnh bộc bạch.

Rời vườn mai nu của anh Tám Bỉnh chúng tôi đi thăm nhiều nông dân trồng mai nu ở xã Thạnh Nhựt. Một điểm chung trong những câu chuyện là ai ai cũng nói về tỷ phú trồng mai nu Tám Bỉnh…


Trần Đáng