Lắp trạm thủy văn để chăm sóc cây, con
Nhớ lại những ngày mới bắt tay làm vườn, ông Tiến kể: Năm 1989, sau khi phục viên trở về quê hương với hai bàn tay trắng, ông phải “cắp nón” đi làm thuê hết nơi này đến nơi khác tần tảo kiếm tiền giúp vợ nuôi các con ăn học. “Trong đầu lúc nào cũng quẩn quanh với câu hỏi, tại sao một người lính đã vào sinh ra tử ở chiến trường, trải qua mưa bom bão đạn mà hòa bình lại không chiến thắng được cái đói, cái nghèo. Suy nghĩ đó khiến tôi càng quyết tâm phải làm kinh tế ngay trong vườn của mình, phải bắt đất cằn nhả vàng”.
Nói là làm, ông Tiến bàn với vợ vay mượn ngân hàng, anh em hàng xóm để mua những mảnh vườn bỏ hoang quanh nhà mở rộng diện tích, xóa bỏ vườn tạp, quy hoạch thiết kế lại khuôn viên.
"Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm vườn, từ sáng đến tối tỉ mẩn bên những mầm cây, trải qua không ít lần thất bại, tôi đã dần làm chủ được kỹ thuật, từng bước mở rộng mô hình. Tôi học hỏi tất cả những điều nhỏ nhất từ các mô hình của những người đi trước, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật ươm cây, chăm sóc cây, ghép cành, phòng trừ sâu bệnh hại cây, học được rồi về chia sẻ với vợ con, xóm làng” - ông Tiến chia sẻ
Hơn 20 năm gắn bó với nghề ươm cây giống, đến nay, mỗi năm gia đình ông Tiến sản xuất được trên 5 vạn cây giống ăn quả các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chẳng nói đâu xa, 90% cây giống trong vườn được xuất bán cho nông dân xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang); cây giống ít sâu bệnh, phát triển nhanh, cho năng suất cao nên “hút khách”. Ngoài vườn ươm, ông Tiến còn sở hữu 300 gốc cam, chanh, dó trầm và đàn hươu trên dưới chục con. Không phụ công người chăm sóc, khu vườn mẫu mang lại cho gia đình ông Tiến cả tỷ đồng mỗi năm.
Ấn tượng rõ nét khi đến với khu vườn kiểu mẫu của ông Tiến là không gian thoáng đãng, sắp xếp bài bản, hợp lý, bên cạnh các khu sản xuất còn có những góc trang trí tươi tắn, đẹp mắt. Vườn cây hứa hẹn trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Điều khiến chúng tôi đặc biệt chú ý khi đến khu vườn của ông Tiến là ở giữa trang trại có một trạm thủy văn, thấy khách tò mò, bà Anh – vợ ông Tiến nhanh chóng giải đáp: “Do khí hậu ở đây quá khắc nghiệt nên phải có hệ thống dự báo trước. Năm 2015, cơn bão số 7 ập đến đúng thời điểm mùa vụ khiến hàng vạn cây giống trong vườn chuẩn bị thu hoạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đợt đó, gia đình tôi chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều năm hạn hán kéo dài, hai vợ chồng phải sử dụng hàng trăm mét ống dẫn, ở đâu có nước là kéo về cứu cây, nhưng từ ngày lắp trạm thủy văn, chúng tôi luôn cập nhật được tình hình thời tiết, khí hậu nên việc chăm sóc cây trồng ở trang trại luôn được đảm bảo và thuận lợi hơn".
5 năm xây dựng vườn mẫu theo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh hà Tĩnh, gia đình ông Tiến không chỉ tiếp cận cách thiết kế, xây dựng khu vườn quy củ, bài bản mà còn ứng dụng thêm công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Vừa nói chuyện, ông Tiến vừa dẫn chúng tôi đến hệ thống tưới tiết kiệm được áp dụng tùy theo nhu cầu chăm sóc của mỗi loại cây. Nếu như khu vực vườn ươm ông sử dụng hệ thống tưới nước tự động công nghệ cao thì khu vườn trồng cây ăn quả luôn giữ màu xanh nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel…
Chia sẻ về kinh nghiệm làm vườn, ông Tiến cho biết: “Muốn tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao thì quan trọng là phải lựa chọn được cây trồng thích hợp với chất đất và thực hiện đúng quy trình chăm sóc”.
Riêng đối với cây có múi như cam, bưởi yêu cầu phải chuẩn bị kỹ về điều kiện trồng như: Tầng đất trồng phải sâu, đặc biệt không sử dụng phân bón vô cơ, chỉ bón phân vi sinh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chủ động về nước tưới. Các loại cây có múi này thường bị nhiều loại sâu bệnh tấn công, vì vậy chủ vườn phải chú ý đến việc phòng trừ. “Làm gì cũng vậy, trước hết phải có lòng đam mê, chịu khó học hỏi, muốn thành công phải siêng năng, chăm chỉ” – ông Tiến khẳng định.
Ngoài việc trồng, kinh doanh cây giống, gia đình ông Tiến còn tận dụng thế mạnh của vùng để phát triển trang trại chăn nuôi hươu. Mỗi năm, gia đình ông cũng có thu hàng trăm triệu đồng nhờ nghề nuôi con đặc sản này. Ông Tiến cho hay: Nuôi hươu không khó, chỉ cần một diện tích nhất định đủ xây dựng chuồng trại cho hươu ở, có khoảng không gian rộng rãi cho hươu đi lại, chạy nhảy. Điều quan trọng là phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho hươu, có 8 loại lá rừng mà hươu thường ăn, trong đó phải có một số lá cây mà loài hươu yêu thích như lá sung, lá vải… để đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng cho hươu nhanh lớn, phát triển khỏe mạnh.
"Hươu đực cho lộc (nhung) 1 lần/năm với số lượng khoảng 7 lạng nhung/con, cá biệt có con cho hơn 1kg nhung/năm. Hiện tại nhung hươu được bán tại Hà Tĩnh có giá dao động từ 1,6 - 2 triệu đồng/lạng, bình quân một con hươu mang lại thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/năm. Điều đáng mừng là chúng tôi chưa bao giờ phải lo thiếu đầu ra của sản phẩm" - ông Tiến tiết lộ.
Nhiều cống hiến vì cộng đồng
Bên cạnh việc làm giàu cho mình, vợ chồng ông Tiến còn nhiệt tình giúp đỡ bà con trong và ngoài địa phương cùng làm giàu. Bằng chứng là trong những năm qua, gia đình ông đã hỗ trợ cây giống và hươu giống trả chậm cho bà con ở địa phương.
"Cùng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu được nỗi khổ cực và khắc nghiệt ở đây. Đến giờ nhờ trời, may mắn mình làm ăn được, có thu nhập cao rồi thì phải giúp đỡ bà con cùng thoát nghèo làm giàu. Đây cũng là điều nên làm" - ông Tiến chia sẻ.
Cùng với việc hỗ trợ cây giống, con đặc sản, ông Tiến còn đến từng hộ dân để hướng dẫn "cầm tay, chỉ việc" để bà con hiểu và làm nhanh. Nhờ sự giúp đỡ của ông Tiến, trong những năm qua, nhiều hộ dân ở Hương Trà đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhanh chóng.
Nói về ông Tiến, ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Gia đình ông Đinh Phúc Tiến không chỉ là tấm gương sáng mẫu mực trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mà vợ chồng ông còn đóng góp rất lớn cho quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chúng tôi hy vọng khu vườn mẫu của ông Tiến sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đúng như chủ trương ban đầu của tỉnh khi phát động xây dựng các mô hình vườn mẫu là gắn với phát triển du lịch”.