Tuyển sinh đại học 2022: Vì sao có trường vẫn “khát” thí sinh, tuyển bổ sung?

Thu Thủy Thứ tư, ngày 26/10/2022 13:26 PM (GMT+7)
Đến thời điểm này, vẫn có trường đại học thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2022 do “khát” chỉ tiêu. Cũng xuất hiện những ngành “trắng” hoặc rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển.
Bình luận 0

Trường đại học lớn cũng xét tuyển bổ sung

Hiện nay, hầu hết các trường đại học lớn trên cả nước đã khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, có những trường vẫn thông báo xét tuyển bổ sung trong tháng 10 và tháng 11, còn cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển.

Một trường đại học lớn ở phía Bắc là Đại học Sư phạm Hà Nội 2 xét tuyển bổ sung 8 ngành với thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2022. Thí sinh đăng ký trực tuyến trên chuyên trang tuyển sinh của trường và gửi hồ sơ đăng ký tại trường đến 17h ngày 31/10. Các thí sinh trúng tuyển đợt này sẽ nhập học từ ngày 8/11 đến ngày 21/11.

Tuyển sinh đại học 2022: Vì sao có trường vẫn “khát” thí sinh, tuyển bổ sung? - Ảnh 1.

Thí sinh vẫn còn cơ hội xét tuyển bổ sung. Ảnh minh họa thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Đ.N

Tại Hà Nội, Đại học Y tế công cộng thông báo xét tuyển bổ sung 2 ngành cho cả phương thức xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có thể nộp hồ sơ đến 17h ngày 28/10.

Tại TP.HCM, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM thông báo xét tuyển bổ sung theo kết quả học bạ và điểm thi THPT năm 2022, trường nhận hồ sơ đến 17h ngày hôm nay, 26/10.

Tình trạng "khát" thí sinh không chỉ diễn ra ở các trường đại học lớn, ở nhiều trường đại học dân lập/tư thục cũng phải xét tuyển bổ sung nhiều đợt.

Trường Đại học Quang Trung xét tuyển bổ sung đợt 2 đến ngày 30/10/2022, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT. Đại học Tân Tạo xét tuyển bổ sung đợt 2 cho 10 ngành, hạn cuối là 31/10. Trường Đại học Hòa Bình vẫn còn 2 đợt tuyển sinh bổ sung, đợt 2 kéo dài đến hết 30/10 và đợt 3 là trước 30/11.

Theo các chuyên gia giáo dục, năm nay tất cả các phương thức xét tuyển đều được Bộ GDĐT lọc ảo chung, các trường hoàn toàn không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức. Vì vậy dẫn đến đến việc các trường đưa mức điểm cao nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu, khó khăn nhất vẫn là các trường đại học ở top giữa và cuối.

Như các năm trước, các trường thuận lợi hơn khi Bộ GDĐT chỉ lọc ảo và trả điểm chuẩn cho các trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, còn lại số thí sinh trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm do các trường chủ động quyết định.

Có ngành rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển

Điều đáng nói là trong năm nay, ghi nhận thực trạng ở một số trường có ngành "trắng" hoặc rất ít thí sinh thí sinh tham gia xét tuyển, tập trung chủ yếu ở trường đại học ở địa phương/đại học vùng. Ví dụ như ở các ngành liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt, môi trường... tại các trường này, thí sinh không mặn mà là bao.

Tại Trường Đại học Đà Lạt, một số ngành chỉ có 1, 2 thí sinh trúng tuyển như: Công nghệ sau thu hoạch 1 thí sinh, ngành Sinh học 2 thí sinh, ngành Vật lý học 2 thí sinh, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường 5 thí sinh...

Ở lần tuyển sinh đợt 3 năm 2022 của Trường Đại học Tây Nguyên, trường tuyển bổ sung 513 chỉ tiêu của 22 ngành học. Trong danh sách trúng tuyển đợt 2 mà trường công bố, đáng chú ý ngành Chăn nuôi chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển, ngành Khoa học cây trồng tuyển được 1 thí sinh, ngành Lâm sinh cả hai đợt tuyển được 6 thí sinh… Ở đợt 1, số thí sinh trúng tuyển các ngành này cũng rất thấp.

Tại Trường ĐH Hà Tĩnh, một số ngành như Kinh tế nông nghiệp, Khoa học cây trồng, Kỹ thuật xây dựng  không có thí sinh trúng tuyển, một vài ngành chỉ có 1, 2 thí sinh.

Tiến sĩ Đào Việt Hùng - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông của trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, 3 năm trở lại đây, một số ngành như Kinh tế nông nghiệp, Lâm sinh... trường tuyển sinh chỉ đạt 50% chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường vẫn duy trì ngành với quy mô 30-40 sinh viên/lớp.

Chia sẻ với báo chí, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, thí sinh phải thay đổi quan niệm cho rằng học nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp hay môi trường thì khó xin việc, hoặc chỉ có thể làm nông nghiệp, kiểm lâm hay nhân viên nhà máy gỗ. Hiện tại, không ít người chưa hiểu được tầm quan trọng của ngành lâm nghiệp cũng như nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành này.

Nhiều trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung. Clip: TH Nhân Dân

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem