Tuyến đê kiểu mẫu "vạn người mê" ở Đan Phượng (Hà Nội) có gì đặc biệt?

Nguyễn Đức- Kim Duyên Thứ ba, ngày 17/05/2022 11:28 AM (GMT+7)
Không còn cỏ dại um tùm, không còn rác thải, phế thải chất lên mái đê như trước, tuyến đê Hữu Hồng đoạn qua huyện Đan Phượng (Hà Nội) đang khoác trên mình “tấm áo mới”, đó là những khóm hoa kết hợp thảm cỏ xanh rực rỡ, đẹp mắt.
Bình luận 0

Video tuyến đê kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Clip: Kim Duyên

6 năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động phong trào thi đua xây dựng tuyến đê kiểu mẫu trên khắp cả nước, giai đoạn 2016-2020. Tại buổi lễ phát động, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của 19 tỉnh, thành phố có đê đã ký kết giao ước thực hiện phong trào thi đua.

Đến nay, phong trào thi đua nêu trên đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, cụ thể đã xây dựng 34 Hạt Quản lý đê, 61 tuyến đê theo tiêu chí "Hạt Quản lý đê điển hình", "Tuyến đê kiểu mẫu". Tuyến đê kiểu mẫu có tính lan tỏa cao, làm cơ sở triển khai nhân rộng. Trong đó, một số địa phương tích cực thực hiện, đạt được nhiều kết quả trên thực tế như: Hải Dương, TP.Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Hoa trồng trên tuyến đê Hữu Hồng nở rực

Hưởng ứng phong trào thi đua "xây dựng đê kiểu mẫu" do Bộ NN & PTNT phát động, UBND Huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã đăng ký xây dựng tuyến đê Hữu Hồng đảm bảo các tiêu chí trở thành đoạn đê kiểu mẫu.

Tuyến đê kiểu mẫu "vạn người mê" ở Đan Phượng (Hà Nội) có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Một đoạn của tuyến đê kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Tháng 10/2018, dự án nâng cấp đê hữu Hồng khởi công xây dựng và đến tháng 5/2020 hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt tạo nên tuyến đê có mặt cắt đê hoàn chỉnh, đạt các tiêu chí "tuyến đê kiểu mẫu". 

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tuyến đê Hữu Hồng, chạy qua địa bàn huyện Đan Phượng không chỉ có nền cỏ màu xanh mà mái đê còn được tô điểm bằng những khóm hoa nhiều màu sắc như hoa mẫu đơn, gấm đỏ, thu hải đường… được trồng theo kiểu hình quả trám, trái tim, ngôi sao, ô van tạo thành bức tranh sinh động.

Ông Nguyễn Công Sơn, Hạt phó Hạt quản lý đê Đan Phượng tự hào khi được hỏi về tuyến đê kiểu mẫu Hữu Hồng. Ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về việc người dân chung sức cùng chính quyền xây dựng tuyến đê kiểu mẫu xanh, đẹp.

Ông Sơn cho hay, tại huyện Đan Phượng có 6 tuyến đê, với tổng chiều dài 35,13km. Trong đó, tuyến đê Hữu Hồng là tuyến đê cấp I của huyện dài 7,63km qua các xã Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung là tuyến đê kiểu mẫu tiêu biểu.

Tuyến đê kiểu mẫu "vạn người mê" ở Đan Phượng (Hà Nội) có gì đặc biệt? - Ảnh 4.

Hai bên triền đê, các cây hoa nở rực. Người dân lưu thông qua lại ai cũng phải trầm trồ, ngợi khen.

Sau khi hoàn thành, tuyến đê kiểu mẫu qua địa bàn huyện đảm bảo đúng 6 tiêu chí về công trình: Tuyến đê vừa đảm bảo chống lũ, vừa đảm bảo xanh, sạch, đẹp; mặt đê đảm bảo phục vụ công tác phòng chống lụt bão, kết hợp giao thông phục vụ dân sinh, kinh tế, xã hội; 

Chân để có hành lang bảo vệ theo quy định, những đoạn qua khu dân cư có đường gom dân sinh đảm bảo an ninh trật tự; trên tuyến có đủ các công trình phụ trợ: điểm canh đê, kho bãi vật tư, cột km đê, có các hạng mục công trình phục vụ công tác phổ biến, tuyên truyền, cổ động; trên tuyến đê không có phát sinh vi phạm mới trong năm, không tồn tại vi phạm nghiêm trọng.

"Nhiều năm trước, tuyến đê Hữu Hồng thường xuyên bị "xâm hại". Mặc dù tuyến đê được quản lý, phát quang, vệ sinh theo định kỳ nhưng chúng tôi vẫn thấy cỏ mọc um tùm. Thậm chí, một số người thiếu ý thức còn vứt rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng... khiến tuyến đê vừa chưa đảm an toàn, vừa chưa bảo đảm mỹ quan.

Tuyến đê kiểu mẫu "vạn người mê" ở Đan Phượng (Hà Nội) có gì đặc biệt? - Ảnh 5.

Tuyến đê kiểu mẫu do Hội Phụ nữ xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) quản lý.

Tuy nhiên, khi tuyến đê Hữu Hồng thay "áo mới" trở thành tuyến đê kiểu mẫu, cảnh quan nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Nhiều người dân ở nơi khác đi qua tuyến đê này đã trầm trồ, ngợi khen. Thậm chí, một số người còn dừng lại ven đường tranh thủ chụp ảnh, lưu lại những hình ảnh đẹp bên khóm hoa nở rực ở ven đê", bà Thái Thị Giáp (42 tuổi,  ở xã Liên Trung, Đan Phượng phấn khởi chia sẻ.

Là chủ quán nước tại ven đê Hữu Hồng, ông Nguyễn Tuấn Hoàng (ở xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) kể rằng, từ khi chính quyền huyện phát động phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, mọi người dân đều có ý thức tự bảo vệ đê.  Cũng từ đó, cảnh quan 2 bên mái đê cũng trở nên xanh, sạch và thoáng mát hơn.

"Giờ đây tuyến đê Hữu Hồng là niềm tự hào của người dân bởi cảnh quan sạch đẹp, có nhiều cây hoa nở rực. Đi qua tuyến đê này, ai cũng thấy thích thú, vui vẻ", ông Hoàng bộc bạch

Sáng tạo trong cách quản lý

Không chỉ đảm hoàn thành 6 tiêu chí về công trình, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đê kiểu mẫu, tại Đan Phượng còn đạt 6 tiêu chí về công tác quản lý: Có hồ sơ quản lý về lý lịch đê, kè, cổng trên tuyến hàng năm; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác tu bổ, quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến dễ điều theo đúng quy định, đặc biệt trong mùa bão lũ; 

Thực hiện công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; có sự phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các của các tổ chức xã hội tại địa phương và người dân ven đê trong công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ đê điều.

Tuyến đê kiểu mẫu "vạn người mê" ở Đan Phượng (Hà Nội) có gì đặc biệt? - Ảnh 6.

"Từ khi tuyến đê được đưa vào sử dụng, nhiều người dân đến chụp hình, khen đẹp", bà Thái Thị Giáp (42 tuổi, ở xã Liên Trung, Đan Phượng) tự hào chia sẻ.

Khi có mặt bằng, Hạt Quản lý đê Đan Phượng huy động cán bộ, Đảng viên, nhân dân tham gia đóng góp ngày công trồng cây, hoa. Bên cạnh đó, các hộ dân ở ven chân đê chủ động bảo vệ cảnh quan trước nhà, không để người khác xâm hại, hoặc vứt rác bừa bãi.

"Sau khi tuyển đê hoàn thành và đưa vào sử dụng chúng tôi cũng tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung phong trào đến toàn thể cán bộ, phối hợp với UBND các xã, UBND huyện trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện phong trào thi đua "xây dựng tuyến đê kiểu mẫu" để nâng cao nhận thức, trách nhiệm đến các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hưởng ứng", ông Nguyễn Công Sơn, Hạt phó Hạt quản lý đê Đan Phượng chia sẻ.

Ông Sơn cho hay, hiện nay, trên tuyến đê Hữu Hồng, chính quyền địa phương các xã đã giao, chia nhỏ từng đoạn để cho các tổ chức như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... cùng chung tay quản lý, bảo vệ đê điều, trồng thêm cây hoa, chăm sóc mái đê và duy trì tuyến đê luôn xanh, sạch đẹp.

Tuyến đê kiểu mẫu "vạn người mê" ở Đan Phượng (Hà Nội) có gì đặc biệt? - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Công Sơn – Hạt phó Hạt quản lý đê Đan Phượng.

Ngoài ra, để bảo đảm sự vững chắc cho tuyến đê trong công tác phòng, chống lụt bão, tạo cảnh quan sạch, đẹp cho làng quê, Hạt Quản lý đê Đan Phượng phát động phong trào thi đua xây dựng tuyến đê kiểu mẫu trên địa bàn. 

UBND các xã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân với hình thức lồng ghép tuyên truyền trong hội nghị đại biểu nhân dân, sinh hoạt chi bộ và trên hệ thống loa truyền thanh xã…

Với tinh thần trách nhiệm trong công việc, cùng tinh thần hưởng ứng phong trào thi đua "xây dựng đê kiểu mẫu", Hạt Quản lý để Đan Phượng đã và đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các xã ven để trong việc quản lý, bảo vệ đê điều để xây dựng không những tuyến đê Hữu Hồng mà các tuyến đê khác trên địa bàn ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Dự án nâng cấp đê, kè hữu sông Hồng từ K26+580 đến K32+000 và từ K40+350 đến K47+980, TP.Hà Nội khởi công ngày 02/10/2018, hoàn thành tháng 6/2021. Tổng mức đầu tư của dự án là 270 tỷ đồng. Riêng đoạn nâng cấp đê Hữu Hồng từ K40+350 - K47+980 có chiều dài hơn 7km, chiều rộng mặt đê 9,5m.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem