55 năm cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân: Tướng Đặng Kinh- Tư lệnh Mặt trận Huế với 26 ngày kiên cường giữ cố đô

Quốc Phong Thứ ba, ngày 31/01/2023 08:55 AM (GMT+7)
Trung tướng Đặng Kinh (1922-2019), nguyên phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân Mậu Thân - 1968 tại thành phố Huế đã trực tiếp chỉ huy quân, dân ta chiến đấu với 26 ngày đêm kiên cường giữ cố đô.
Bình luận 0

Vị chỉ huy tài ba với sở trường đánh kiểu du kích trong kháng chiến chống Pháp

Nói đến tướng Đặng Kinh, người ta nghĩ ngay đến cách đánh du kích đầy mưu trí, dũng cảm, dùng ít thắng nhiều, lấy thô sơ thắng hiện đại một cách tài tình khiến cho quân thù hồn siêu phách lạc trong cuộc kháng chiến chống Pháp .

Và đời binh nghiệp của ông, có lẽ không thể không nhắc đến việc ông chỉ huy đánh sân bay Cát Bi những hai lần cả thảy. Lần đầu (tháng 1/1954) đơn vị do ông chỉ huy đã phá huỷ 5 máy bay Pháp.

Lần thứ hai (tháng 3/1954) quân Pháp đã bị tổn thất thật là kinh hoàng với 59 máy bay bị đơn vị ông phá huỷ chỉ trong một đêm. Hơn thế, lại chỉ bởi 32 lính du kích do đích thân ông chỉ huy. Như vậy thì quả là oanh liệt!

Chẳng thế mà đơn vị của ông Đặng Kinh đã nhận được điện khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh khi đó: "Đây là một chiến công lớn, là một trong những trận chiến đấu oanh liệt dũng cảm nhất, là trận phá hoại binh lực địch lớn nhất trong lịch sử quân đội ta từ trước tới nay, đã dám đánh thẳng vào trung tâm quân sự của địch ở sát Hà Nội và Hải Phòng... Tinh thần dũng cảm vô song của các đồng chí đáng nêu cao cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong toàn quân học tập" - Tướng Giáp khen ngợi.

55 năm cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân: Tướng Đặng Kinh- Tư lệnh Mặt trận Huế với 26 ngày kiên cường giữ cố đô - Ảnh 1.

Trung tướng Đặng Kinh (1922 -2019), nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh PV

Tháng 2/1966 , Quân uỷ Trung ương quyết định điều ông Đặng Kinh đi Nam chiến đấu với cương vị Tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế. Tại cuộc tiễn đưa đoàn đi B, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã nhìn ông Đặng Kinh rồi cười, nói: "Một Tư lệnh Quân khu mà trẻ quá !" (Khi đó ông cũng đã 44 tuổi. Thế nhưng do có phong thái và khuôn mặt trẻ hơn tuổi nên nhiều người mới nhầm mà nghĩ vậy).

Đó là lần đầu tiên trong đời hoạt động cách mạng. Trước ngày ra trận ông đã được Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn, Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng mời cơm, chia tay...

Đến tháng 3 cùng năm đó, Tư lệnh Đặng Kinh cùng 3 cán bộ của Khu uỷ và Quân khu Trị Thiên- Huế lại có vinh hạnh được ra Bắc công tác , được vinh dự báo cáo trực tiếp một số công việc tuyệt mật với Bác Hồ và được Bác mời cơm Đoàn. Bác nhắc nhở việc cần phải đoàn kết trong nội bộ, phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bảo mật tài liệu...

55 năm cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân: Tướng Đặng Kinh- Tư lệnh Mặt trận Huế với 26 ngày kiên cường giữ cố đô - Ảnh 2.

Lễ trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho lão thành Cách mạng Đặng Kinh ( tháng 5/2019), Ảnh PV

Vị Tư lệnh Mặt trận với 26 ngày kiên cường chiếm giữ Thành cổ Huế

Trong quá trình tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên - Huế, ông Đặng Kinh đã thực hiện tốt các chiến thuật và chiến lược của cấp trên qua từng trận đánh trên các địa bàn khác nhau, tiêu diệt sinh lực địch từ nhỏ đến lớn... Và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Đặng Kinh đã chỉ huy bộ đội chủ lực kiên cường giữ Thành cổ Huế đầy dũng cảm.

Khi nói chuyện về truyền thống với bộ đội ta, Trung tướng Đặng Kinh, với tư cách của vị chỉ huy trực tiếp có kể: Ta đã sớm có chủ trương về đánh chiếm thành phố Huế. Từ tháng 2/1967, trong lần ra Hà Nội vào dịp Tết, tôi thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên - Huế báo cáo tình hình chiến trường với Quân ủy Trung ương, dự kiến hoạt động quân sự trong năm 1967, trong đó có trận đánh chiếm TP Huế và đề nghị trên tăng cường lực lượng.

55 năm cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân: Tướng Đặng Kinh- Tư lệnh Mặt trận Huế với 26 ngày kiên cường giữ cố đô - Ảnh 3.

Quân ta đánh chiếm nội độ Huế trong cuộc Tổng tiến công và nội dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968. Ảnh Tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đồng ý với đề nghị đó và giao Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu) đưa vào kế hoạch của Bộ. Đến tháng 12/1967, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về xác định Huế là trọng điểm thứ hai (chỉ sau Sài Gòn) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên - Huế đã nghiên cứu, đề ra kế hoạch đánh chiếm TP Huế, tiêu diệt địch, chiếm giữ thành phố trong một thời gian. Mục đích là nhằm gây thanh thế cách mạng.

Thực hiện nhiệm vụ ấy, ngày 30/1/1968 (đúng dịp kỷ niệm 179 năm Ngày Quang Trung xuất quân tiến ra Bắc, giải phóng thành Thăng Long) và năm đó (1968) cũng nhằm ngày mồng 1 Tết Âm lịch, các lực lượng tham gia đánh TP Huế đã chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng nổ súng.

Tại thành phố Huế, hồi 2 giờ 30 phút ngày 30/1/1968 (tức mồng 1 Tết Mậu Thân), Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên Huế Đặng Kinh, khi đó kiêm nhiệm Tư lệnh mặt trận tiền phương Huế phụ trách tiền tiêu, điện báo cáo đề nghị Bộ Tư lệnh Mặt trận ở Sở chỉ huy cơ bản cho ĐKZ ở cánh Nam nổ súng báo hiệu lệnh mở đầu đòn tiến công vào T.P Huế.

Theo cuốn sách hồi tưởng về Mặt trận Trị Thiên Huế trong phần ghi chép về giai đoạn Mậu Thân thì lúc này, được Sở chỉ huy cơ bản chấp thuận, ông Đặng Kinh lệnh cho lực lượng ĐKZ bắn vào sân bay Phú Bài. Lập tức, các đơn vị được giao nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong thành phố đồng loạt nổ súng. 

Toàn bộ mặt trận, cả trong nội và ngoại thành, đâu đâu cũng ầm vang tiếng súng nổ. Bị đánh bất ngờ, quân địch ở các vị trí hoảng loạn. Cùng lúc, nhân dân và các lực lượng của ta phấn khởi, náo nức giúp đỡ bộ đội, nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của cán bộ giải phóng, chuẩn bị nổi dậy, diệt ác, phá kìm, tiến công địch giành chính quyền.

55 năm cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân: Tướng Đặng Kinh- Tư lệnh Mặt trận Huế với 26 ngày kiên cường giữ cố đô - Ảnh 4.

Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 mốc son của cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc. Ảnh Tư liệu

Trên hai cánh Bắc-Nam, các mũi tiến công của bộ đội ta liên tiếp báo tin chiến thắng về Bộ Tư lệnh Mặt trận. Khí thế phấn khởi tràn ngập...

Được tin thắng lợi to lớn của quân và dân ta ở Huế trong cuộc Tổng tiến công nói trên, Bác Hồ đã khen ngợi: "Bác rất vui mừng vừa qua Huế đã đánh giỏi, công tác giỏi, thu được nhiều thắng lợi to lớn".

Biểu dương chiến tranh nhân dân ở Huế trong Tết Mậu Thân, điển hình là 11 cô gái sông Hương, tháng 2/1968, Bác đã gửi thư khen: Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương. Bác Hồ đã tặng quân và dân Huế 8 chữ vàng: "Tấn công-Nổi dậy-Anh dũng-Kiên cường".

Sau một tuần chiến đấu quyết liệt và lập chiến công xuất sắc, do việc bổ sung, thay quân có hạn và lượng vũ khí, đạn dược cũng giảm dần, nên sức chiến đấu của bộ đội ta có phần giảm sút. Trong khi đó, quân địch sau thời gian bị choáng váng trước sức tiến công dũng mãnh, bất ngờ của ta đã phục hồi được lực lượng tại chỗ, địch đưa quân từ phía Nam ra tiếp ứng, liên tục phản kích, giành lại một số căn cứ bị ta chiếm.

So sánh lực lượng và thế trận trên cả hai cánh Bắc, Nam đã bắt đầu bất lợi dần đối với ta. Trước tình hình đó, sau khi thu xếp xong công việc ở trạm tiền tiêu cánh Nam, Tư lệnh Đặng Kinh chuyển về Sở chỉ huy cơ bản ở cánh Bắc tham gia việc chỉ huy chung. Các ông Lê Minh, Nam Long trong Bộ Tư lệnh khi đó bận chỉ đạo ở nơi trọng điểm khác mà chúng ta đang khó khăn.

Ông Đặng Kính nắm tình hình chiến sự ở Sở chỉ huy cơ bản, gọi điện báo cáo ông Trần Văn Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, lúc đó vừa được Bộ Chính trị cử vào làm Bí thư Khu uỷ kiêm Chính uỷ và Tư lệnh Quân khu Trị Thiên - Huế. Trước câu hỏi của Tư lệnh Trần Văn Quang: "Có ý kiến cho rút, ý anh thế nào?".

Phó Tư lệnh Đặng Kinh trả lời: "Ta còn có thể chiến đấu, bám trụ giữ được thành phố thêm ít ngày nữa". Sau một hồi suy xét, Tư lệnh Trần Văn Quang quyết định: "Tiếp tục chiến đấu bám trụ giữ thành phố" và ông đã báo cáo quyết tâm đó ra Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng ý với đề nghị đó và gửi điện chỉ thị: "Phải giữ Thành để phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ chính trị chung cho cả nước".

Với quyết tâm của toàn mặt trận, cùng với sức chiến đấu phi thường của quân, dân Huế và sự chi viện tích cực của trên, bộ đội ta đã chiếm giữ và làm chủ thành phố Huế cho đến ngày thứ 26, đạt được các yêu cầu của nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược đề ra.

Lá cờ cách mạng tung bay suốt 26 ngày đêm trên đỉnh cột cờ Phú Văn Lâu-Cố đô Huế, đó chính là niềm tin, niềm tự hào thôi thúc quân dân Huế tiến công và nổi dậy, không chỉ cho Huế mà cho cả miền Nam.

Sau 26 ngày đêm chiến đấu và làm chủ TP Huế, quân và dân ta đã diệt, bắt sống, bức hàng và làm tan rã hàng chục ngàn tên địch; bắn rơi và phá hỏng nhiều máy bay, tàu chiến, xe quân sự; giải phóng 210.000 dân, 20 xã, 271 thôn, thành lập chính quyền ở 200 thôn.

Trung tướng Đặng Kinh tên thật là Đặng Văn Rợp, quê gốc tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nhưng vì nhà nghèo nên gia đình đã rời quê ra Hải Phòng từ thời ông nội Ông theo cách mạng khi đang làm phu mỏ ở Hòn Gai .

Trong quá trình công tác ông từng là Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An và Chỉ huy trưởng Thành đội Hải phòng ( 1954) trong kháng chiến chống Pháp.

Từ tháng 1/1955, ông lần lượt giữ các chức vụ Tham mưu phó rồi Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn.

Từ năm 1960 đến năm 1965, ông là Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu rồi Cục trưởng Cục liên lạc Đối ngoại Bộ quốc phòng.

Tháng 2/1966, ông vào chiến trường làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên- Huế.

Tháng 4/1968, ông là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn.

Tháng 3/1977 ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế,Bộ Quốc phòng.

Từ năm 1978 đến năm 1988, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem