Tước quyền tự trị của Kashmir, Ấn Độ chọc giận Trung Quốc

Đăng Nguyễn - Daily Mail Thứ năm, ngày 08/08/2019 13:55 PM (GMT+7)
Ấn Độ thể thiện thái độ cương quyết khi xóa bỏ quyền tự trị ở vùng tranh chấp Kashmir, sáp nhập với hai bang của Ấn Độ.
Bình luận 0

img

Binh sĩ quân đội Ấn Độ.

Theo SCMP, tình hình Kashmir trở nên phức tạp từ hàng thập kỷ qua, khi không chỉ Ấn Độ, Pakistan, mà Trung Quốc cũng kiểm soát một phần khu vực.

Hôm 6.8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố “quan ngại sâu sắc” động thái sáp nhập khu vực Jammu và Kashmir vào hai bang của Ấn Độ, bao gồm cả vùng đất hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Khu vực Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát giờ đây sẽ nằm trong quyền hạn trực tiếp của New Delhi.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, nói hành động trên của Ấn Độ làm tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc.

New Delhi ngay lập tức đáp trả Bắc Kinh, nói “Ấn Độ không bình luận về vấn đề nội bộ của quốc gia khác và mong các quốc gia khác cũng làm điều tương tự’.

Căng thẳng mới tiếp tục khiến quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc phủ bóng đen, kể từ sau cuộc đụng độ biên giới ở Doklam vào năm 2017.

Brahma Chellaney, giáo sư chiến lược tại trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, nói Trung Quốc đang cố gắng giữ vững hiện trạng ở Kashmir.

img

Ấn Độ đã có những động thái cứng rắn trong vấn đề khu vực Kashmir.

“Trung Quốc chiếm 1/5 diện tích ở Kashmir, bao gồm cao nguyên Aksai Chin  - khu vực rộng tương đương lãnh thổ Thụy Sĩ. Bắc Kinh những năm qua đã tăng cường hiện diện quân sự ở đây”, Chellaney nói.

Trung Quốc đã chiếm cao nguyên Aksai Chin trong cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962.

Động thái mới của Ấn Độ cho thấy chính quyền Thủ tướng Narendra Modi muốn mở rộng quyền kiểm soát của Ấn Độ với khu vực tranh chấp Kashmir. Động thái này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ bởi người dân Ấn Độ theo đạo hindu, nhưng dĩ nhiên đã khiến Trung Quốc tức giận.

Zhao Gancheng, nhà nghiên cứu ở Thượng Hải, cho rằng, “Ấn Độ nói đây là vấn đề nội bộ, nhưng mọi nỗ lực trên đều ảnh hưởng đến tình hình quốc tế, đặc biệt là Pakistan, quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền với vùng Kashmir”.

“Không tham vấn Trung Quốc và Paksistan trước, chính phủ của Thủ tướng Modi đang thể hiện ý đồ chính trị và làm phức tạp thêm quan hệ với Trung Quốc”, Zhao nói.

Theo Zhao, trong tương lai gần, quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ chưa có dấu hiệu đổi chiều, nhưng động thái mới của Ấn Độ đã khiến Trung Quốc cảnh giác.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan cận kề

Ấn Độ và Pakistan đang đứng trước cánh cửa chiến tranh, sau khi Ấn Độ tước quyền tự trị của vùng Kashmir, còn Pakistan...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem