Từng bị "tai tiếng", chặt bỏ, ai ngờ nay có một nông dân Cà Mau lại đổi đời nhờ trồng cây nhàu

Chúc Ly Chủ nhật, ngày 22/01/2023 19:03 PM (GMT+7)
Bằng quyết tâm nâng cao giá trị loại trái quen thuộc ở quê nhà, anh Khưu Văn Chương (SN 1980, ở ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) được biết đến là người tiên phong trồng cây nhàu, làm nước cốt trái nhàu tại tỉnh Cà Mau.
Bình luận 0

Trồng 15.000 gốc nhàu để làm nguyên liệu

Vốn xuất thân từ một gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ anh Chương được tiếp xúc với cây nhàu, một loại cây mọc rất nhiều ở xung quanh nhà. 

"Nhiều năm trước, tôi từng được tặng 1 chai nước cốt nhàu của Mỹ sản xuất với giá 1 triệu đồng. Khi dùng thử, tôi nghĩ rằng người Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra nước cốt nhàu với cùng chất lượng nhưng có giá thành thấp hơn, bởi chúng ta có nguồn nguyên liệu rất rẻ" - anh Chương chia sẻ.

Theo anh Chương, cây nhàu không xa lạ với người dân nông thôn ở các tỉnh miền Tây. Trước đây loài cây này thường mọc hoang ở những khu đất trống. Về sau, trái nhàu được khai thác để làm thuốc nhiều hơn nên đã có người trồng bán trái. 

"Từ xưa, trái nhàu được xem là một loại dược liệu trong việc chữa trị, làm giảm các cơn đau nhức xương khớp, tăng cường sức đề kháng… Tuy nhiên, không phải ai cũng có thói quen sử dụng và biết được giá trị của loại trái này nên trái nhàu ít được chú ý. Chính điều này càng thôi thúc tôi thực hiện ý tưởng của mình" - anh Chương cho hay.

tat/“Đổi đời” cho trái nhàu dân dã quê nhà - Ảnh 1.

Anh Chương đầu tư khoảng 700 triệu đồng xây dựng vùng nguyên liệu nhàu 5ha. Ảnh: C.L

Ngoài nước cốt nhàu, anh Chương còn có sản phẩm nhàu sấy khô, trà nhàu, rượu vang nhàu. "Hiện tại tôi đang tập trung vào dòng sản phẩm nước cốt nhàu. Trong tương lai tôi định làm ra nước cốt nhàu đóng gói dạng tuýp 1 lần dùng để khách hàng dễ lựa chọn, sử dụng" - anh Chương chia sẻ.

Nói về cơ duyên đến với sản phẩm nước cốt nhàu, anh Chương chia sẻ: "Tôi vốn là dân công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp ra trường tôi có 13 năm công tác cho một đơn vị viễn thông tại TP.HCM. Nhưng sau biến cố ba mất, tôi càng quyết tâm quay lại quê hương để lập nghiệp" - anh Chương chia sẻ.

Cuối năm 2018, anh Chương thuyết phục vợ về quê nhà ở ấp Công Nghiệp để trồng nhàu, quyết tâm làm ra sản phẩm nước cốt nhàu được thị trường chấp nhận. Từ vốn kiến thức tự mày mò học hỏi, anh Chương bỏ ra gần 700 triệu đồng để chuyển đổi 5ha đất nuôi tôm của gia đình sang trồng khoảng 15.000 gốc nhàu.

Theo anh Chương, cây nhàu sinh trưởng tốt ở vùng đất địa phương. Đây là loại cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Sau khi trồng từ 1-1,5 năm, cây nhàu bắt đầu cho trái; nếu chăm sóc tốt, cây có thể cho trái quanh năm với sản lượng mỗi đợt hái khoảng 1kg/cây (mỗi đợt từ 20-30 ngày).

Sản phẩm được thị trường ưa chuộng

Trong thời gian chờ vùng nguyên liệu ổn định, anh Chương bắt tay vào sản xuất nhiều mẫu thử nước cốt nhàu, nhằm lựa chọn ra thành phẩm ưng ý. Sau khoảng 1 năm, sản phẩm nước cốt nhàu hoàn thiện đã ra đời.

"Khi đã có sản phẩm như mong muốn, tôi tặng cho bạn bè, người thân dùng thử và tiếp tục nghe các góp ý để ngày một hoàn thiện sản phẩm nước cốt nhàu. May mắn là nước cốt nhàu nhận được sự đón nhận nhiệt tình của mọi người, nhờ đó sản phẩm ngày càng được lan tỏa" - anh Chương chia sẻ.

tat/“Đổi đời” cho trái nhàu dân dã quê nhà - Ảnh 3.

Trái nhàu dùng để làm nước cốt nhàu là những trái già được lựa chọn kỹ. Ảnh: C.L

Đến năm 2020, sau khi đã có được quy trình sản xuất chuẩn cùng với vùng nguyên liệu ổn định, anh Chương quyết định thành lập công ty để đem đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất về chất lượng và mẫu mã.

Được biết, để có được 1 lít nước cốt phải sử dụng 3 - 4kg trái nhàu tươi. Trái nhàu được chọn để làm nước cốt là những trái già đạt chuẩn, sau đó được làm sạch, rồi ủ trong khoảng 12 tháng, kế đó lấy nước đi lọc, pha chế, chiết rót rồi mới tạo ra thành phẩm đem đóng gói.

"Sản phẩm nước cốt trái nhàu của tôi hoàn toàn không có chất bảo quản và hiện chỉ mới sản xuất được nước cốt nguyên chất hương vị nhàu tự nhiên. Trong tương lai, tôi dự định sẽ nghiên cứu phát triển, pha chế tạo ra thêm nhiều hương vị mới để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng" - anh Chương cho hay.

Chỉ tính riêng năm 2022, công ty của anh Chương đã bán ra thị trường khoảng 2.000 chai nước cốt nhàu; trong số này đã có các đơn hàng xuất đi nước ngoài theo đường tiểu ngạch. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, anh Chương sản xuất 3 định dạng đóng chai, gồm loại 1.000ml với giá 300.000 đồng, loại 750ml trong chai thủy tinh với giá 380.000 đồng và loại 500ml với giá 180.000 đồng.

Chị Văn Kim Loan – vợ anh Chương – cho hay, để xây dựng thương hiệu nước cốt trái nhàu uy tín và chất lượng trên thị trường, công ty đã triển khai thủ tục cần thiết như tiến hành kiểm nghiệm mẫu sản phẩm theo định kỳ, kiểm tra an toàn vệ sinh cơ sở sản xuất, công bố sản phẩm trước khi lưu hành.

Được các sở, ngành trong tỉnh giới thiệu, vợ chồng anh Chương đã đưa sản phẩm tham gia các hoạt động quảng bá tại các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, tham gia các chương trình khởi nghiệp do tỉnh tổ chức. 

Công ty cũng đã triển khai đăng ký bảo hộ thương hiệu nước cốt nhàu SK NONI; công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Hiện tại, sản phẩm nước cốt nhàu nguyên chất SK NONI JUICE đang được tiêu thụ ở nhiều nơi trên cả nước và có mặt trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki…

Anh Chương cho biết, tới đây, công ty sẽ hoàn thiện cơ sở sản xuất và thiết bị máy móc đạt chuẩn để xuất khẩu chính ngạch, đưa sản phẩm tiến xa ra các thị trường quốc tế như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Úc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem