Truy xuất nguồn gốc nông sản - “chìa khóa” khởi tạo thương hiệu

Hạnh Nguyên Thứ sáu, ngày 22/03/2019 19:00 PM (GMT+7)
Hiện nay, khách hàng đòi hỏi cao sự minh bạch, rõ ràng đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm... Truy xuất nguồn gốc sẽ là "chìa khóa" khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) và cho chính nông sản, thực phẩm Việt Nam.
Bình luận 0

Soi điện thoại ra thông số

Là chủ một trong số ít cơ sở chế biến thực phẩm nằm trong chuỗi chế biến thực phẩm an toàn huyện Đông Anh (Hà Nội), ông Nguyễn Minh Thoa - chủ cơ sở chế biến thực phẩm Mạnh Cường (số 29A, tổ 14, thị trấn Đông Anh) cho biết: Từ khi sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc CheckVN, cơ sở không còn phải lo lắng trước những thắc mắc của khách hàng về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh là đã biết đầy đủ thông tin của toàn bộ sản phẩm như: Quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm.

img

Tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: I.T

Trong xu thế hiện nay, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn.

Với những yêu cầu cấp thiết của toàn xã hội về nông sản, thực phẩm an toàn, cũng như để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mới đây UBND huyện Đông Anh đã khai trương chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời ra mắt hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn của huyện. Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh chia sẻ: “Các cơ sở sản xuất đều mong muốn có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc để minh bạch thông tin, đây cũng là cách các DN tạo dựng thương hiệu của mình”.

Có thể thấy, việc truy xuất nguồn gốc nông sản, sản phẩm hàng hóa sử dụng công nghệ mã QR và mã số, mã vạch ngày càng phổ biến, nhiều tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… Nhiều công ty cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất hiện như: Smartlife, VNPT check, Vinacheck, Agricheck, Traceverified, icheck, giải pháp công nghệ blockchain (IBL, TomoChain, Lina Network... Một số mô hình thử nghiệm công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc như: Xoài, thanh long...

Khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin cơ bản về sản phẩm, DN như mô tả sản phẩm, nơi/ngày đóng gói, nơi trồng, chứng nhận đạt được, địa chỉ liên hệ nhà phân phối. Thế nhưng, mức độ thông tin chính xác, sự đồng nhất và thông tin minh bạch vẫn còn là điểm hạn chế.

Người tiêu dùng thay đổi thói quen

Ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội  chia sẻ,  hiện có 2 hình thức truy xuất gồm: Chứng minh nguồn gốc xuất xứ qua tài liệu hồ sơ giấy tờ; truy xuất nguồn gốc điện tử bằng mã QR Code hay các mã vạch. Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất, đến người tiêu dùng. Việc xã hội hóa và nhiều DN tham gia xây dựng và làm mã QR code không có gì mâu thuẫn. Vấn đề đặt ra ở đây là có sự kiểm chứng, kiểm soát của Nhà nước.

Cũng theo ông Tường, với những DN đã làm ăn bài bản, không chụp giật, để xây dựng thương hiệu, nhất thiết phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc và chứng minh bằng được sản phẩm của mình là an toàn đến người tiêu dùng cuối cùng.

Liên quan đến hệ thống truy xuất CheckVN, bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm DN Hội nhập và phát triển cho hay: Với hệ thống CheckVN, người tiêu dùng được đặt lên vị trí quan trọng nhất. Đó là vai trò của người kiểm soát, họ sẽ nắm được chuỗi sản xuất này được kiểm soát như thế nào, do sở, ban ngành hoặc UBND quận/huyện nào quản lý. Đồng thời, họ có thể tương tác với DN để hiểu hơn về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.

Tuy vậy, theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện chưa có quy định về các thông tin cần truy xuất (độ rộng) và mức độ truy xuất đến tác nhân nào, cụ thể ra sao để tạo tính đồng nhất của thông tin. Bên cạnh đó, thông tin chủ yếu là của nhà phân phối trực tiếp, chưa có thông tin về các nhà cung cấp phía trước của chuỗi, dẫn đến tính minh bạch của thông tin chưa được đảm bảo. Mỗi DN có một cơ sở dữ liệu khác nhau, khiến việc đồng bộ hóa khó khả thi trong khi quản lý chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc hay nói cách khác chưa có chứng nhận và xác thực hệ thống.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân -Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) cho rằng, để hệ thống truy xuất nguồn gốc phát triển, đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng, chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi sản xuất cần phải được thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem