Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: "Cán bộ không sạch rất khó được bổ nhiệm"

Hoàng Thành Thứ năm, ngày 14/07/2022 12:46 PM (GMT+7)
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, ngoài năng lực thì cán bộ được bổ nhiệm phải "sạch". Cán bộ không sạch sẽ rất khó được quan tâm bổ nhiệm vào các vị trí.
Bình luận 0

"Cán bộ không sạch rất khó được bổ nhiệm"

Ngày 14/7, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, việc tuyên truyền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu rất quan trọng, nhằm lan tỏa chủ trương của Đảng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đại hội XIII xác định, trong những năm tới, đặc biệt coi trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: "Cán bộ không sạch rất khó được bổ nhiệm" - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: H.T.

Đáng chú ý, trong phát biểu, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, ngoài năng lực thì cán bộ được bổ nhiệm phải "sạch". "Cán bộ không sạch sẽ rất khó được quan tâm bổ nhiệm vào các vị trí". "Như vậy cán bộ, đảng viên, nhân dân mới yên tâm", bà Mai nói và cho biết việc giới thiệu cán bộ cho Đảng là khó khăn, thách thức rất lớn của Ban Tổ chức Trung ương.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong năm 2022, sẽ thực hiện quy định mới (Quy định 50) về quy hoạch cán bộ thay thế quy định cũ. Các cơ quan, đơn vị cũng phải làm xong công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2026-2031 trong năm nay.

Theo bà Mai, công tác lập quy hoạch cán bộ có nhiều điểm mới. Cụ thể như thay vì quy hoạch 3 nhóm đối tượng thì lần này rút lại còn 2.

"Qua Đại hội Đảng vừa rồi thấy người thuộc nhóm 2 đầu không tới trời, chân không tới đất. Người đối tượng 1 thì vào Trung ương, người đối tượng 3 vào ủy viên Trung ương dự khuyết. Còn người đối tượng 2 là cấp vụ trưởng chẳng vào đâu hết", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói và lưu ý, lần này rút kinh nghiệm chỉ còn 2 nhóm đối tượng. Nhóm 1 là có thể tiếp cận ngay với các vị trí bổ nhiệm còn nhóm 2 là nhóm chuẩn bị cán bộ trẻ cho Đảng.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết, số lượng cán bộ quy hoạch cho mỗi vị trí cũng giảm đi so với trước. Trước đây quy hoạch 4 người cho một vị trí thì nay 1 chức danh quy hoạch không quá 3 người, 1 người không quá 3 chức danh.

"Trước đây giới thiệu 100 người thì 30 người vào vị trí, còn 70 người ngồi lại thì tâm tư, bởi trong quy hoạch mà chẳng được làm gì hết. Giờ quy hoạch phải hẹp lại, quy hoạch 60 người thì phải được 30 người", bà Mai nói và cho rằng, giảm số lượng cán bộ quy hoạch cho các vị trí cũng giúp chọn người tốt hơn, giỏi hơn và chặt chẽ hơn.

Một điểm mới khác theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong công tác luân chuyển nhằm đào tạo cán bộ, người luân chuyển phải còn ít nhất 10 năm công tác, thời gian luân chuyển 3 năm. Những cán bộ không còn đủ tuổi luân chuyển sẽ được điều động, phân công công việc về các địa phương, nếu nơi đó cần. Quy định này nhằm tạo sự uyển chuyển giữa điều động và luân chuyển cán bộ.

Lần này Trung ương cũng chủ trương không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ về địa phương. Như vậy, người được luân chuyển sẽ toàn tâm, toàn ý với địa phương, tránh tình trạng tăng thêm suất chức danh để tạo điều kiện luân chuyển cán bộ.

"Trách nhiệm của cơ quan tham mưu phải nhịp nhàng, đưa cán bộ có năng lực, uy tín, thực tiễn tốt từ địa phương về Trung ương", bà Mai nói, đồng thời cho biết việc bố trí công tác cho cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu, kết quả làm việc của cán bộ, chứ không phải ai luân chuyển về cũng đều lên chức.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: "Cán bộ không sạch rất khó được bổ nhiệm" - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.T


Bí thư làm Chủ tịch UBND tốt hơn hay làm Chủ tịch HĐND tốt hơn?

Đề cập đến kết quả thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thông tin, tới nay cả nước có 32/63 bí thư không phải người địa phương. Theo mục tiêu của Nghị quyết 26 về xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược các cấp, nhất là cấp chiến lược có năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đến cuối nhiệm kỳ này cơ bản bí thư không phải người địa phương.

Bà Mai nêu 2 câu hỏi mà bà hay gặp phải, đó là: "Bí thư là người địa phương có phải tốt hơn bí thư không phải người địa phương không? Bí thư làm Chủ tịch UBND tốt hơn hay làm Chủ tịch HĐND tốt hơn?".

Bằng thực tiễn công tác, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: "Về cơ bản bí thư không phải người địa phương sẽ tốt hơn. Tất nhiên không máy móc, một số đồng chí là cán bộ người dân tộc thiểu số thì đồng chí là đại diện tốt nhất cho cộng đồng lớn nhất của địa bàn đó".

Theo bà Mai, bí thư không phải người địa phương có thể phải có thời gian tiếp cận để hiểu biết địa bàn nhưng khi về địa phương điều quan trọng nữa là "anh phải giữ gìn". "Cán bộ, đảng viên, nhân dân ở đó họ soi vào, anh phải giữ gìn. Anh phải khẳng định mình trưởng thành, làm việc có hiệu quả", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lưu ý và phân tích, bí thư là người địa phương không phải không tốt, tùy theo cán bộ nhưng phải nói người từ nơi khác đến động lực khác so với người địa phương vì họ dễ ỉ lại "sống lâu lên lão làng".

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 63 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, có sự tham gia của gần 1.500 học viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương và các đơn vị liên quan, cùng với sự đồng hành của Dự án phát triển báo chí Việt Nam do Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tài trợ.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022 là năm thứ hai Tổ chức Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên chia sẻ về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng với các nội dung chính như: Giới thiệu những nội dung mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; Các nội dung về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Một số vấn đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay; Chia sẻ những kinh nghiệm lựa chọn đề tài và kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng; Nội dung thông tin, tuyên truyền năm 2022 và một số mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem