Trung Quốc tăng tốc tiêu thụ nông sản, nhiều doanh nghiệp nhu cầu thu mua hàng chục nghìn tấn

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 19/03/2023 10:30 AM (GMT+7)
Trung Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn nhờ dân số đông và đa dạng, dự báo tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sẽ tăng tốc, thương mại nông sản tiếp tục sôi động, các sản phẩm thịt, trứng, sữa, trái cây và rau quả tăng lên.
Bình luận 0

Theo Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Năm 2022, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 19,2%, tăng 8,6% so với 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: Cao su 21,7%, gỗ và sản phẩm gỗ 20,9%, rau quả 14,6%, sắn và sản phẩm sắn 12%, thuỷ sản 15,7%, hạt điều 4,3%, gạo 4,3%. 

Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. "Trung Quốc là thị trường rộng lớn, có nhu cầu tiêu dùng lớn nhờ dân số đông và đa dạng", ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đánh giá.

Dự báo thị trường Trung Quốc sẽ tiêu thụ tăng tốc, thương mại nông sản sẽ tiếp tục sôi động. Trong đó, tiêu thụ thịt, trứng, sữa, trái cây và rau quả tăng lên. Tiêu dùng trái cây và thịt dự báo sẽ tăng cao trong năm 2023 khi nước này mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023.

Trung Quốc tăng tốc tiêu thụ nông sản, nhiều doanh nghiệp nhu cầu thu mua hàng chục nghìn tấn - Ảnh 1.

Theo đánh giá,Trung Quốc là thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Ảnh: I.T

Tại các Diễn đàn 970 do Bộ NNPTNT tổ chức, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam và phía Trung Quốc đều cùng chung nhận định, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông lâm thủy sản của Trung Quốc đang rất lớn.

Ông Trần Phương Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển tổ yến Việt Nam, cho biết, phía khách hàng Trung Quốc đặc biệt đánh giá cao sản phẩm tổ yến Việt Nam.

“Ngay khi có thông tin tổ yến Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các đối tác nước bạn liên tục đề nghị cung cấp hồ sơ để hỗ trợ. Phía bạn rất mong chờ được nhập khẩu sản phẩm tổ yến theo con đường chính ngạch”, ông Trần Phương Tuấn cho hay.

Còn theo ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), đối với DOVECO, Trung Quốc là thị trường có tiềm năng rất lớn. Năm 2022, doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường này và đạt mức tăng trưởng 130% so với năm 2021.

Doanh nghiệp đã tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng chanh leo tươi, chanh leo chế biến, nước chanh leo vào thị trường Trung Quốc; xuất khẩu sản phẩm chuối vào các tỉnh phía Bắc Thượng Hải, Bắc Kinh; và nhiều sản phẩm trái cây khác như dứa, xoài, sầu riêng, thanh long…

Mong muốn được xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh có 6.500 ha chè, 3.300 ha dược liệu, 1.500 ha dứa, nhưng chưa tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tỉnh Lao Cai đề nghị Bộ NNPTNT cùng các đơn vị trực thuộc hỗ trợ để có thể xuất khẩu được chè sang Trung Quốc.

Về phía các doanh nghiệp Trung Quốc cũng mong muốn được nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Theo đó, Công ty xuất nhập khẩu Đồng Thái, Đông Hưng (Trung Quốc), bày tỏ chính quyền hai nước cho phép nhập khẩu chính ngạch thí điểm sứa Việt Nam vào Trung Quốc. Doanh nghiệp này cho rằng có thể thí điểm gia công tại Đông Hưng.

Ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây (đại diện công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng) cũng cho biết, công ty có văn phòng tại nhiều thành phố từ Quảng Tây đến Trùng Khánh, Thành Đô, Thượng Hải. Trong đó, có nhiều thành phố giáp với Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Năm 2023, Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Ngoài ra, công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố, và các loại hải sản khác.

Trung Quốc tăng tốc tiêu thụ nông sản, nhiều doanh nghiệp nhu cầu thu mua hàng chục nghìn tấn - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn nhập khẩu tổ yến của Việt Nam. Trong ảnh, vợ chồng ông Phan Tiến Dũng (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) phân loại tổ yến. Ảnh: Hoành Sơn.

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho rằng, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba đối với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản.

Để đáp ứng điều kiện, xuất khẩu thuận lợi vào thị trường Trung Quốc, theo bà Ngọc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập";

Tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu.

Đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn. Mặt khác, cần chủ động, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường theo câu châm ngôn: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%.

Ông Sơn cho hay, muốn xuất khẩu sang Trung Quốc, đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.

Trong quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem