Trung Quốc hủy bỏ quy trình xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu

24/12/2022 15:05 GMT+7
Chính quyền địa phương và các cảng của Trung Quốc đang hủy bỏ các quy trình nhập khẩu phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch theo chính sách mới.

Trung Quốc hủy bỏ quy trình xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu

Việc kiểm tra và kiểm dịch không còn cần thiết đối với hàng hóa khi hàng hóa cập cảng, thay vào đó các sản phẩm được chuyển qua các kênh nhập khẩu thông thường.

Theo đó, các quan chức tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) sẽ ngay lập tức ngừng thử nghiệm axit nucleic đối với "thực phẩm dây chuyền lạnh", cũng như tại các lò mổ, nhà máy chế biến, bảo quản và vận chuyển. Chính quyền Hồ Bắc cho biết quyết định nới lỏng các biện pháp nhập khẩu Covid tuân theo chỉ thị của chính phủ trung ương. Tại Thường Châu, lực lượng đặc nhiệm kiểm soát nhập khẩu thực phẩm địa phương cho biết họ sẽ ngay lập tức đóng cửa "kho lạnh điều tiết tập trung". Trong khi đó, tại cảng Thượng Hải, một số sản phẩm thịt và hải sản nhập khẩu cụ thể phải tiếp tục được kiểm soát bằng cách kiểm tra virus. Đối với các loại hải sản và thịt khác, cảng sẽ tạm dừng kiểm tra 50% khi đến cảng và kiểm tra 100% đối với hàng nhập khẩu từ Canada.

Trung Quốc hủy bỏ quy trình xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu - Ảnh 1.

Trung Quốc hủy bỏ quy trình xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu.

Những thay đổi mới trong chính sách nhập khẩu là tin vui cho các công ty nhập khẩu thủy sản Trung Quốc vì chi phí nhập khẩu sẽ giảm đáng kể. Trước đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải chịu chi phí xét nghiệm trên mỗi container có thể vượt quá 10.000 nhân dân tệ (1.430 USD). Việc nới lỏng các chính sách phòng chống dịch cũng sẽ rút ngắn thời gian chờ thông quan do có nhiều bất trắc về việc đơn hàng bị từ chối trong giai đoạn này.

Liên minh Tiếp thị và Chế biến Sản phẩm Thủy sản Trung Quốc (CAPPMA) cho biết tiêu dùng nội địa sẽ tăng trưởng "phục hồi" sau khi nới lỏng các hạn chế do Covid-19 và tiêu dùng dự kiến sẽ hoàn toàn trở lại bình thường trước Lễ hội mùa xuân vào ngày 22/1/2023.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngành thủy sản Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới do trong 3 tháng tới, tỷ lệ lây nhiễm của Trung Quốc có thể tăng nhanh, tạo ra nhiều vấn đề và áp lực kinh doanh.

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2022, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của nước này giảm tháng thứ hai liên tiếp, đạt 80 nghìn tấn, trị giá 524 triệu USD, giảm so với mức 87 nghìn tấn, trị giá 581 triệu USD nhập khẩu trong tháng 9/2022. Nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong tháng 11 và tháng 12 có khả năng tiếp tục giảm do các công ty của Trung Quốc đã tích trữ đủ hàng cho dịp Tết Nguyên đán. Tính chung 10 tháng năm 2022, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc đạt 691 nghìn tấn, trị giá 4,52 tỷ USD, tăng 49% về lượng và 65% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Với Việt Nam, hiện ta xuất khẩu sản phẩm tôm sang Trung Quốc nhiều nhất. Nhu cầu nhập khẩu tôm nước của Trung Quốc giảm song thị phần tôm Việt Nam sang thị trường này lại tăng lên. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc tháng 10/2022 đạt 80,26 nghìn tấn, giảm so với mức nhập khẩu 87 nghìn tấn trong tháng 9/2022, tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc tăng 42%. 

Equador là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc, trong tháng 10/2022 đạt 49,2 nghìn tấn, trị giá 310 triệu USD. Nhập khẩu từ Equador giảm 5.000 tấn so với tháng 9/2022, nhưng tăng 27% so với tháng 10/2021. Nhập khẩu tôm từ Ấn Độ - bao gồm chủ yếu là tôm bỏ đầu - giảm một nửa xuống 10.000 tấn trong tháng 10 so với 20.000 tấn trong tháng 9. 

Giá nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong tháng 10/2022 cũng giảm so với tháng 9/2022. Giá nhập khẩu trung bình từ Equador giảm từ 6,33 USD/kg của tháng 9/2022 xuống còn 6,31 USD/kg trong tháng 10/2022; Từ Ấn Độ giảm từ 6,95 USD/kg xuống 6,91 USD/kg. 

Tháng 10/2022, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 3,2 nghìn tấn, trị giá 21 triệu USD, tăng 161% về lượng và tăng 140% về trị giá so với tháng 10/2021. Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 2,2% trong tháng 10/2021 lên 4% trong tháng 10/2022. Tính đến hết tháng 10/2022, Trung Quốc nhập khẩu 691 nghìn tấn tôm nước ấm đông lạnh, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021; trị giá tăng 65% lên 4,52 tỷ USD.

Trung Quốc hủy bỏ quy trình xét nghiệm đối với thủy sản nhập khẩu - Ảnh 2.

Với Việt Nam, hiện ta xuất khẩu sản phẩm tôm sang Trung Quốc nhiều nhất.

Được biết, năm 2022, ngành thủy sản đặt ra chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Nhưng tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt 10,17 tỷ USD. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.

Đây là mức kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trong đó, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt kim ngạch xuất khẩu rất cao, như: Tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, tăng 30%; cá tra đã vượt 2 tỷ USD tăng hơn 80% cùng kỳ năm 2021 và có thể đạt mức 2,5 tỷ USD trong năm nay. Tương tự, sản phẩm cá ngừ lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD.

Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong 11 tháng qua với kim ngạch trên 2 tỷ USD. Trong những thị trường lớn của thủy sản Việt Nam còn có Trung Quốc – Hồng Kông khoảng 1,6 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 1,6 tỷ USD, EU khoảng 1,2 tỷ USD. Khối thị trường CPTPP, nếu tính cả Nhật Bản thì đã đạt khoảng 2,7 tỷ USD trong 11 tháng qua.

Năm 2022, ước tính ngành thuỷ sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thuỷ sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục