Thứ cây xanh rì, tốt um, thò tay vào lấy ra những trái vàng, nông dân trồng ở Long An bán thấy lời nhiều

Thứ bảy, ngày 25/02/2023 12:48 PM (GMT+7)
Anh nông dân Lê Minh Triết, ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái với tổng diện tích 5,4ha, bao gồm các loại cây: Mít Thái, sầu riêng, dừa và vú sữa Hoàng Kim. Trong đó, anh muốn thử sức tìm hướng phát triển từ cây vú sữa Hoàng Kim.
Bình luận 0

Sau 5 năm gắn bó với cây chanh, anh Lê Minh Triết, ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) nhận thấy việc trồng loại cây này ở vùng biên giới kém hiệu quả, năng suất thấp hơn so với các vùng trồng chanh khác trong huyện; từ đó, anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái với tổng diện tích 5,4ha, bao gồm các loại cây: Mít Thái, sầu riêng, dừa và vú sữa Hoàng Kim. Trong đó, anh muốn thử sức tìm hướng phát triển từ cây vú sữa Hoàng Kim.

Thứ cây xanh rì, tốt um, thò tay vào lấy ra những trái vàng, nông dân trồng ở Long An bán thấy lời nhiều - Ảnh 1.

Đối với vườn cây ăn trái, trong đó có trồng vú sữa Hoàng Kim của anh Lê Minh Triết, nông dân xã Mỹ Quý Tây, Hội Nông dân Việt Nam huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) sẽ có hướng hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập khu vườn sinh thái để thu hút khách du lịch tham quan cũng như tạo đầu ra cho sản phẩm.

Điểm nổi bật của vú sữa Hoàng Kim là màu sắc vàng óng, vị ngọt dịu, đặc biệt không có mủ so với vú sữa thường. Không chỉ vậy, vú sữa này có sản lượng cao và tỷ lệ kháng sâu, bệnh tốt. Đó chính là lý do anh Triết mạnh dạn trồng thử nghiệm 500 cây. Sau 2 năm, những cây vú sữa của anh Triết bắt đầu cho thu hoạch. 

Tùy theo kích cỡ, phẩm chất, trái to nhất nặng trên 0,5kg. Anh Triết cho biết: “Tôi xem tivi giới thiệu về loại cây này nên quyết định trồng thử nghiệm. Loại cây này chỉ cần bón phân đầy đủ là ra hoa, ra trái tự nhiên, không phải xử lý hoa như một số loại cây ăn trái khác”.

Vú sữa Hoàng Kim là cây ưa nước, cần độ ẩm cao. Tuy nhiên, đến thời kỳ ra hoa cần ngắt nước, sau khi hoa ra đồng loạt thì cấp nước và bón phân cho cây. Theo tính toán ban đầu, khi vườn cây vào giai đoạn ổn định sẽ cho thu hoạch 2 vụ trong năm. 

Vườn cây của anh Triết chỉ mới được trồng 2 năm gần đây nên còn là những cây tơ, cho trái vụ đầu nên chưa thể xác định được năng suất. Anh Triết nói: “Khi cây trưởng thành khoảng 4 năm, thân to, cho tàn rộng thì hái trái mới tính được năng suất cụ thể”.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện, thời gian qua, nông dân mạnh dạn bỏ những giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế thấp, thay vào đó là thử nghiệm những giống cây trồng mới, lai tạo giống vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp, đáp ứng các yêu cầu với định hướng phát triển của thị trường hiện nay. 

Điều đó càng khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng xây dựng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao là xu thế được người dân vùng biên giới Đức Huệ tập trung triển khai, thực hiện. Với mục tiêu cải thiện, nâng cao thu nhập, mô hình trồng cây vú sữa Hoàng Kim được xem là hướng đi mới trong việc đa canh cây trồng của nhà nông. 

Anh Triết bày tỏ: “Hiện tại, tôi chỉ bán trái vú sữa Hoàng Kim cho người dân địa phương và các tiểu thương ở các chợ trong huyện, chưa tìm được đầu ra thích hợp. Nếu có thương lái đến thu mua thì tôi sẽ vận động thêm một số hộ khác cùng hợp tác trồng để nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Ngoài vườn cây ăn trái của anh Lê Minh Triết, một số nông dân tại huyện Đức Huệ cũng đã và đang trồng giống cây vú sữa Hoàng Kim này nhưng chỉ với quy mô nhỏ, lẻ. 

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam huyện Đức Huệ - Đặng Văn Sinh cho biết: “Thời gian qua, Hội tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Riêng đối với vườn cây ăn trái của anh Triết, Hội sẽ có hướng hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập khu vườn sinh thái để thu hút khách du lịch tham quan cũng như tạo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, nhân rộng mô hình, tiến tới thành lập tổ hợp tác để nông dân vùng biên giới sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Với đặc tính thổ nhưỡng của huyện Đức Huệ (tỉnh Long An), ngoài cây lúa và chanh được xem là cây trồng chủ lực thì những năm gần đây, nông dân cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. 

Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang tính đột phá như dừa (gần 164ha), cây mai (96ha), dưa hấu (162ha), rau má (66,4ha), bắp (46,25ha), các loại cây ăn quả (16,7ha),... Từ đó, nâng cao tổng sản lượng cây trồng của huyện và góp phần đáng kể trong việc cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Như Huỳnh (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem