Trồng thứ cây thấp tè, ra quả thành chùm đỏ như bờ môi sơn nữ, cô nông dân Sơn La "hái" hơn 200 triệu/vụ

Thanh Ngân - Phạm Hoài Thứ tư, ngày 09/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Chỉ với khoảng 5.000m2 đất trồng dâu tây-thứ cây ra trái từng chùm đỏ như bờ môi sơn nữ, một chị nông dân đảm đang ở vùng cao Sơn La nhẹ nhàng “đút túi” hơn 200 triệu đồng mỗi vụ.
Bình luận 0

Đó là chị Kiều Ngọc Ánh, ở bản Xuân Quế (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), còn loài cây ra quả khi chín đỏ như bờ môi sơn nữ mà chị trồng là dâu tây. 

Nhà chị Ánh nằm ngay bên lề Quốc lộ 37 qua Sơn La. Khi chúng tôi đến, người phụ nữ đảm đang này đang ngồi bán dâu tây phía trước cửa nhà. Những hộp dâu tây chín mọng, đẹp mã được bày bán ngay ngắn trên mặt bàn, chờ khách qua đường ghé mua.

Trồng cây ra quả chín đỏ như gấc, gái đảm vùng cao đút túi hơn 200 triệu đồng mỗi vụ - Ảnh 1.

Chị Kiều Ngọc Ánh, ở bản Xuân Quế (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) trồng dâu tây từ năm 2019. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chỉ vào những hộp dâu tây chín đỏ, chị Ánh vui vẻ cho biết: "Trồng dâu tây cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Từ khi trồng dâu tây, kinh tế gia đình tôi khá giả hẳn lên. Không riêng gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác trong bản cũng khá lên nhờ trồng loại cây ra quả khi chín đỏ như gấc này".

Qua câu chuyện với chị Ánh, được biết: Gia đình chị Ánh "bén duyên" với cây dâu tây từ năm 2019. 

Khi đó, chị Ánh chỉ trồng mấy trăm gốc dâu tây xen với cây ăn quả tại mảnh vườn cạnh nhà. Sau một thời gian trồng và chăm sóc, vườn dâu tây của gia đình chị Ánh đã cho thu hoạch.

"Sau vụ đầu tiên trồng dâu tây, nhận thấy loài cây này cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác, tôi đã bàn với chồng mở rộng diện tích trồng dâu tây. Trên mảnh vườn cạnh nhà, tôi trồng dâu tây để nhân giống, còn trồng dâu tây lấy quả thì tôi lại đưa lên nương ngô. Năm 2020, gia đình tôi trồng khoảng 2 vạn gốc dâu tây" – chị Ánh cho hay.

Trồng cây ra quả chín đỏ như gấc, gái đảm vùng cao đút túi hơn 200 triệu đồng mỗi vụ - Ảnh 2.

Nương dâu tây của gia đình chị Ánh rộng khoảng 5000m2. (Ảnh: Thanh Ngân)

Dẫn chúng tôi lên nương dâu tây cách nhà gần 1km, chị Ánh vui vẻ cho hay, mảnh nương này áng chừng 5.000m2. Trước đây, mỗi năm gia đình chị chỉ trồng 1 vụ ngô. Bán ngô bắp cho thương lái, mỗi năm gia đình cũng chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng. 

"Nay đưa cây dâu tây lên trồng ở mảnh nương này, thu nhập của gia đình tôi cao hơn 10 lần so với trồng ngô. Hơn nữa, gia đình tôi vẫn có thể trồng thêm vụ ngô sau khi thu hoạch xong dâu tây", chị Ánh khẳng định.

Vốn con nhà nông hay lam, hay làm, chị Ánh tự mày mò học hỏi kĩ thuật trồng và chăm sóc dâu tây. 

Chị trồng dâu tây để nhân giống ngay từ đầu năm. Tháng 3 cũng là thời điểm cây dâu tây bắt đầu đẻ ngó. Lúc này, chị Ánh tách ngó để nhân giống. Chị vừa nhân giống để trồng lấy quả và bán ra thị trường.

Theo chị Ánh, khí hậu, thổ nhưỡng ở bản Xuân Quế khá phù hợp cho cây dâu tây sinh trưởng và phát triển. 

Cây dâu tây trồng trên đồng đất Xuân Quế không chỉ sai quả mà chất lượng cũng hơn hẳn nhiều nơi khác. Dâu tây Xuân Quế được khách hàng nhiều tỉnh, thành phố trong nước đánh giá cao về mẫu mã và độ thơm ngon, ngọt của quả dâu tây tươi.

Trồng cây ra quả chín đỏ như gấc, gái đảm vùng cao đút túi hơn 200 triệu đồng mỗi vụ - Ảnh 3.

Dâu tây nhà chị Ánh được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao về độ ngon, ngọt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt về kĩ thuật trồng dâu tây, chị Ánh thông tin, trồng dâu tây không vất vả so với một số cây trồng khác, song lại tốn nhiều công chăm sóc. Dâu tây trồng để nhân giống thì cần phải trồng ở nơi râm mát. Trồng dưới tán cây là thích hợp nhất. Khi thời tiết nắng nóng thì cần phải căng lưới, hoặc phủ rơm lên luống dâu tây. 

"Dù trồng để nhân giống hay lấy quả cũng đều phải làm đất tơi xốp, đánh luống cao để thoát nước dễ vào mùa mưa. Với mỗi thời kỳ sinh trưởng của cây dâu cây mà tôi có chế độ chăm sóc, bón phân hợp lý", chị Ánh tiết lộ.

Thời kỳ gây giống dâu tây, chị Ánh chú trọng khâu phun thuốc nấm và phân bón lá. Chị Ánh sử dụng phân chuồng hoai mục và phân NPK để bón lót cho cây dâu tây. 

Để nương dâu tây ra hoa đồng đều thì chị Ánh dùng thuốc sinh học để phun  kích hoa. Cứ cách từ 10 – 20 ngày chị Ánh lại bón phân cho nương dâu tây một lần. Tháng 9 là thời điểm thích hợp nhất để trồng dâu tây lấy quả. 

Trong quá trình chăm sóc cây dâu tây, ngoài bón phân theo định kỳ, chị Ánh còn thường xuyên tưới nước cho vườn dâu tây. Chị Ánh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động ở cả vườn dâu tây nhân giống và nương dâu tây lấy quả.

Trồng cây ra quả chín đỏ như gấc, gái đảm vùng cao đút túi hơn 200 triệu đồng mỗi vụ - Ảnh 4.

Chị Ánh trồng khoảng 2 vạn gốc dâu tây, mỗi vụ đút túi hơn 200 triệu đồng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chỉ hơn 2 tháng sau khi trồng, cây dâu tây sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm thu hoạch dâu tay kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. 

Với khoảng 5.000m2 trồng âu tây, cứ cách ngày là chị Ánh lại đi hái dâu tây bán cho thương lái. Mỗi lần hái như vậy, chị Ánh thu từ 1 – 2 tạ quả dâu tây tươi. Chị Ánh bán quả dâu tây ra thị trường với giá dao động từ 50.000 – 250.000 đồng/kg tùy từng loại quả.

Mỗi vụ bán ra thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong nước hàng tấn quả dâu tây tươi, chị Ánh thu hơn 300 triệu đồng. Trừ chi phí phân bón, nhân công, chị Ánh "đút túi" hơn 200 triệu đồng/vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem