Cây dại thân đầy gai nhọn, bò lan man, anh nông dân Hòa Bình trồng trong vườn ngờ đâu lại bán đắt hàng

Phương Thúy (TTKN tỉnh Hòa Bình) Thứ năm, ngày 20/10/2022 18:42 PM (GMT+7)
Cuối năm 2020, nhận thấy bà con nông dân tại thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) bỏ hoang hoá đất ruộng 1 vụ nhiều, nên anh Tùng đã quyết tâm thuê lại 5.000 m2 đất để trồng cây cà gai leo cây thìa canh-2 loại cây dược liệu.
Bình luận 0

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, mang lại giá trị kinh tế cao hơn đang là mục tiêu mà nhiều nông dân hướng đến. Điển hình như mô hình trồng cây dược liệu, cụ thể là trồng cây cà gai leo của anh Nguyễn Đức Tùng - Phó Chủ tịch Hội nông dân, khuyến nông viên xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Cuối năm 2020, nhận thấy bà con nông dân tại thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn bỏ hoang hoá đất ruộng 1 vụ nhiều, nên anh Tùng đã quyết tâm thuê lại 5.000 m2 đất nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Đầu năm 2021, anh Tùng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Sơn hỗ trợ 80% cây giống, 40% phân bón cho mô hình và được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cây cà gai leo. Anh Nguyễn Đức Tùng đã mạnh dạn tham gia thực hiện mô hình trồng cây cà gai leo tại xã Thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Cà gai leo là loài cây được xem là cây thuốc nam có vị hơi the, tính ấm, có tác dụng giải độc gan tốt nhất hiện nay. Đặc biệt vị thuốc nam này có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan B rất hiệu quả. 

Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, cây cà gai leo sinh trưởng và phát triển rất tốt trên đất lúa 1 vụ khô cạn, anh Tùng đã thu hoạch được 1,5 tấn cà gai leo khô, với giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg, hoặc nấu cao thì 10 kg tươi sẽ nấu được khoảng 5-7gam cao đặc, giá bán 250.000 đồng/100g. 

Năm 2021, anh Tùng thu được 2 vụ cà gai leo, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 100 triệu đồng/năm.

Cây dại thân đầy gai nhọn, bò lan man, anh nông dân Hòa Bình trồng trong vườn ngờ đâu lại bán đắt hàng - Ảnh 2.

Anh Tùng chăm sóc cây cà gai leo mới trồng tại xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình)

Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây dược liệu, năm 2022, được sự hỗ trợ của HTX dược liệu Lương Sơn, hỗ trợ 100% cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản cây thìa canh. Anh Tùng tiếp tục thực hiện mô hình trồng cây thìa canh trên diện tích 5.000 m2 đất lúa 1 vụ khô hạn.

Cây thìa canh là loại dược liệu quý trong hỗ trợ phòng và điều trị cho người bị bệnh tiểu đường, tiền đái tháo đường và mỡ máu cao, chủ yếu mọc trong tự nhiên. Do nhu cầu khai thác, cây dược liệu này đã được nghiên cứu và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung ở các tỉnh phía Bắc với diện tích lớn.

Cây dại thân đầy gai nhọn, bò lan man, anh nông dân Hòa Bình trồng trong vườn ngờ đâu lại bán đắt hàng - Ảnh 3.

Vườn cây thìa canh sắp đến vụ thu hoạch của gia đình anh Tùng ở xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Mô hình trồng thìa canh được triển khai xuống giống tháng 5-2022, với mật độ trồng đạt 33.000 cây/ha, tỷ lệ sống đạt 95%, cây phân nhánh khỏe, tốc độ leo giàn nhanh. 

Cây thìa canh là cây thân thảo, thời gian từ khi trồng đến leo giàn khoảng 45-50 ngày, sau 6 tháng trồng cho thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 200kg dây tươi/ha (tương ứng với 4kg cao); cứ 2 tháng cây thìa canh cho thu hoạch một lần với năng suất ổn định.  

Sản phẩm dây thìa canh được Hợp tác xã dược liệu Lương Sơn thu mua tại vườn; Từ 100kg lá tươi HTX đã sản xuất, chế biến được 2kg cao thìa canh, đóng gói quy cách 100g/lọ, giá bán 250.000 đồng/lọ, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, HTX dược liệu Lương Sơn còn ký hợp đồng thu mua với giá 25.000 đồng/kg dây khô.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Tùng - Phó Chủ tịch Hội nông dân, khuyến nông viên xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn cho biết: Sau cây cà gai leo, cây thìa canh bước đầu đánh giá là phù hợp với điều kiện của địa phương, cây sinh trưởng phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao. 

Tuy mới trồng thời gian ngắn, năng suất thu hoạch lứa bói chưa cao, nhưng sản phẩm lá tươi sau khi thu hoạch đã được HTX dược liệu Lương Sơn chế biến thành sản phẩm cao thìa canh đảm bảo chất lượng, được khách hàng đón nhận và phản hồi tốt. 

Bên cạnh đó, loại cây thìa canh này trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong thời gian dài từ 8-10 năm, trong điều kiện chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch đạt năng suất 10.000kg/ha/năm từ năm thứ hai trở đi, nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. 

Tuy nhiên, do thìa canh là loại cây dược liệu, đối tượng tiêu thụ hạn chế và sản phẩm cần phải chế biến mới đạt chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhất, do đó bà con không nên tự phát mở rộng diện tích trồng mà cần có sự liên kết với đơn vị tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Với những kết quả đạt được ban đầu, mô hình trồng cây thìa canh của anh Tùng được bà con nông dân địa phương đánh giá cao. HTX dược liệu Lương Sơn cũng tiếp tục triển khai hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi để đánh giá năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế của mô hình trong những năm tiếp theo.

Qua câu chuyện làm kinh tế của anh Nguyễn Đức Tùng cho thấy trồng cây dược liệu là một lĩnh vực vốn có nhiều tiềm năng nhưng cũng có những khó khăn nhất định, mà đặc biệt là giá cả thị trường luôn có những biến động bấp bênh. 

Mong rằng mô hình phát triển kinh tế bằng trồng cây dược liệu của anh Tùng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương để kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phong trào xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem