Trồng rau VietGAP, vườn đẹp như phim, nhà nông Thủ đô lãi đều đều 15 triệu đồng/tháng

Hải Anh Thứ năm, ngày 10/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
Hơn 10 năm qua, HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đã áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đem lại thu nhập đến trăm triệu mỗi năm cho người dân địa phương.
Bình luận 0

Nhà nhà học trồng rau VietGAP

Phóng viên Dân Việt đến thăm vườn rau của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ vào một ngày đầu tháng 3 dương lịch. Bước vào vườn, những ruộng rau xanh mướt, thẳng tắp, vuông vắn được xây bờ bằng bê tông không khác gì những thửa ruộng mẫu. 

Không khí tại vườn lúc này tấp nập người qua người lại, người tưới rau, người thu hoạch, người làm đất.

Clip: Trồng rau VietGAP tại HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội. 

HTX Nông nghiệp Tiền Lệ đã có truyền thống sản xuất rau từ lâu đời, nhưng trước năm 2007, hầu hết người dân ở đây trồng rau mang tính nhỏ lẻ, tự phát. 

Nhanh tay tỉa bớt những cây rau mới lên cho luống rau bớt dày, chị Nguyễn Thị Ty (Tiền Yên, Hoài Đức) tươi cười: "Nhà tôi thầu đất trồng rau hơn 20 năm rồi. Lúc đầu trồng rau theo cách truyền thống. Từ cuối năm 2007, tôi mới bắt đầu trồng trong nhà lưới, áp dụng chăm sóc rau theo tiêu chuẩn VietGAP".

Trồng rau VietGAP, vườn đẹp như phim, nhà nông Thủ đô lãi đều đều 15 triệu/tháng - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Ty (Tiền Yên, Hoài Đức) đang tỉa lại những luống rau cho bớt dày. Ảnh: Hải Anh

Được biết, năm 2007, Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức và Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội hỗ trợ kinh phí, HTX đã mở thêm mô hình sản rau an toàn trong nhà lưới với diện tích trên 2,5ha.

Sau khi Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Từ Liêm, Hà Nội) về lấy mẫu đất, mẫu nước và đi khảo sát thực địa và cấp chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất, các kỹ sư được cử về tận địa phương hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc.

Trồng rau VietGAP, vườn đẹp như phim, nhà nông Thủ đô lãi đều đều 15 triệu/tháng - Ảnh 2.

Vợ chồng anh Nguyễn Khắc Đạo nhổ rau để chuẩn bị giao cho bên công ty thu mua. Ảnh: Hải Anh

"18 hộ tham gia lúc ấy đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, từ cách ủ phân, sử dụng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước đều phải học lại từ đầu. Tất cả mọi người tham gia đều phải được đi tập huấn thì mới có thể tham gia vào mô hình này", anh Nguyễn Khắc Đạo - Trưởng nhóm khu sản xuất rau an toàn Tiền Lệ, phụ trách vùng trồng rau 2,5ha nhà lưới chia sẻ.

Anh Đạo cho biết thêm: Đến nay, số hộ tham gia đã giảm xuống còn 14 hộ nhưng diện tích trồng rau vẫn đảm bảo và chất lượng rau vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP.

Rau sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn

Nhanh tay thoăn thoắt nhổ rau cho kịp chuyến xe đến thu mua hàng, anh Đạo phấn khởi nói: "Nhà tôi hiện có 7 sào đất, chủ yếu trồng rau ăn lá. Riêng các loại rau cải, cũng phải 10 chủng loại như cải cúc, cải ngồng, cải chíp... Mùa hè thường sẽ giảm chủng loại, bắt đầu sang tháng 9 - 10 âm lịch, thời tiết mát mẻ là lúc trồng được nhiều loại rau hơn".

Các giống rau được trồng thường là các giống ngắn ngày, thời gian thu hoạch trong vòng từ 27 đến 45 ngày, đồng thời phù hợp với từng mùa và phù hợp với thổ nhưỡng ở đây.

Tấm biển quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP được gắn ngay ngắn trước cổng vườn với các bước từ khâu xử lý đất, chọn nguồn nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến các khâu thu hoạch, chế biến, vận chuyển… Và các hộ thuộc dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt để sản xuất ra những đợt rau đạt chuẩn, sạch và ngon.

Trồng rau VietGAP, vườn đẹp như phim, nhà nông Thủ đô lãi đều đều 15 triệu/tháng - Ảnh 3.

Những ruộng trồng rau cải tươi non nhìn thật thích mắt

"Ngay từ khi làm đất đã phải chú ý rồi. Sau khi thu hoạch vụ trước xong, nhặt bỏ hết tàn dư thực vật để ủ làm phân, cũng như là làm đất kỹ để loại bỏ các mầm bệnh" - anh Đạo vừa xới đất nhặt gốc rau còn thừa lại vừa tâm sự với PV Dân Việt. 

Sau khi đất đã đảm bảo độ sạch, người dân sẽ cho máy cày vào xới đất lên, phơi ải từ 3-5 ngày. Đất được bón lót 1 lần, thường là dùng phân tổng hợp NPK đã cân bằng độ đạm, lân, kali kết hợp với phân hữu cơ ủ hoai mục.

Phân bón cho rau tại vườn tuyệt đối không sử dụng phân tươi để bón, tưới cho rau. Nếu ủ phân trên đồng ruộng phải có biện pháp che đậy kín bằng bạt, nilon để đảm bảo không gây ô nhiễm đất trồng, nước tưới và vùng sản xuất.

Giơ đôi bàn tay trần dính đất cho chúng tôi xem, chị Nguyễn Thị Ty tự hào: "Nhìn tay tôi này, làm suốt ngày mà có cần đeo găng tay đâu. Tại phân ủ hoai mục mới bón, đất phơi khô mình mới làm nên không có nấm bệnh".

Nguồn nước dùng để tưới rau tại HTX Nông nghiệp Tiền Lệ là nước giếng khoan. Được biết mỗi hộ sẽ có 1 giếng, đảm bảo độ sạch, đã được đo lường. 

"Rau thì tưới tùy theo độ ẩm của không khí. Nắng hoặc hanh khô thì tưới nhiều hơn, tưới khoảng 2 lần 1 ngày còn những ngày ẩm như hôm nay chỉ cần tưới 1 lần thôi. Mọi người thường tưới vào buổi sáng và buổi tối", chị Ty cười nói.

Sau quãng thời gian làm đất và gieo hạt, rau được chăm sóc kỹ lưỡng. Với trường hợp rau gặp phải dịch bệnh, các hộ nông dân tại HTX được phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và tuân thủ nguyên tắc 4 "đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.

Sau khi rau thu hoạch, người dân sẽ chuyển rau cho các công ty để sơ chế, đóng gói. Sau đó, rau sẽ được phân phối đến với các siêu thị, nhà hàng, các bếp ăn trường học.

Nông dân có tiền thu đều đều

Các hộ trồng rau ở HTX Tiền Lệ cho biết: Trong điều kiện khắc nghiệt, trồng rau sạch trong nhà lưới nhanh được thu hoạch hơn so với các hộ trồng ngoài trời bình thường. 

Anh Nguyễn Khắc Đạo tay vẫn nhổ rau không ngừng, nói: "Như đợt Hà Nội rét đậm rét hại vừa rồi, rau trong này thu sớm hơn 5 hôm so với bên ngoài vì có nhà lưới nhiệt độ sẽ ấm hơn, rau mới lên được".

Trong một năm hộ trồng rau HTX Tiền Lệ thường trồng được 7 vụ, tức là đất sẽ được dùng quay vòng 7 lần trên cùng 1 diện tích. Đáng chú ý, nhiều gia đình làm giỏi, chọn giống ngắn ngày có khi làm tới 8 đến 9 vụ một năm.

Với 7 sào ruộng, một năm gia đình anh Đạo quay vòng được 7 vụ. Trung bình 1 vụ anh Đạo thu được 500kg trên 1 sào, xuất ra thị trường khoảng 30 tấn rau/năm.

Nhờ rau rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, anh Đạo đã được ký hợp đồng với các công ty. Nhờ đó mà giá rau được ổn định quanh năm. Hiện tại giá thu mua rau ở mức 8.000 đồng/kg. Từ trồng rau VietGAP, anh Đạo thu về khoảng 240 triệu mỗi năm.

Bên cạnh ruộng rau nhà anh Đạo là 5 sào rau của nhà chị Nguyễn Thị Ty. Luống này xanh mướt màu cải cúc, luống kia xanh mát màu cải chíp, nhìn vô cùng thích mắt. Chị Ty tâm sự: "Nhà chị trồng được 8 vụ rau/năm là nhiều nhất. 5 sào này 1 tháng chị thu tầm 20 triệu, trừ các loại chi phí tầm 4, 5 triệu thì chị thu lãi khoảng 15 triệu/tháng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem