Trồng rau trong nhà màng, nhà kính: Nhiều mô hình doanh thu tiền tỷ nhưng vẫn khó nhân rộng

Ánh Nguyệt Thứ bảy, ngày 23/07/2022 18:31 PM (GMT+7)
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, quả trong nhà màng, nhà kính mang lại hiệu quả cao không chỉ về mặt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế mà còn làm thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp, hình thành khu sản xuất hiện đại, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn.
Bình luận 0

Trồng rau trong nhà màng, nhà kính, doanh thu tiền tỷ

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Thúc đẩy phát triển sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà kính" tổ chức tại Bắc Ninh mới đây, ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, đến nay, cả nước đã có 34 khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố. Trong đó, 6 khu có quy mô diện tích hơn 400ha tại Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang và Bình Dương.

Trên khắp cả nước đã hình thành các vùng sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng; vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực xuất khẩu ứng dụng CNC tập trung tại Đông Nam Bộ và ĐBSCL. 

"Đặc biệt, đối với các tỉnh có diện tích đất tự nhiên hẹp, mật độ dân số đông song lại có lợi thế về vị trí địa lý thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong nhà màng, nhà kính, nhà lưới lại càng cho thấy rõ hiệu quả và rất cần thiết" - ông Hồng nói.

Trồng rau trong nhà màng, nhà kính: Hiệu quả cao nhưng khó  nhân rộng - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng nấm yến của Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Hồ Gươm tại huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Ảnh: A.N

Cả nước đã có 34 khu nông nghiệp CNC được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố, đặc biệt có 6 khu có quy mô diện tích hơn 400ha tại Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang và Bình Dương.

Riêng tại Bắc Ninh, trên địa bàn đã có 47 cơ sở sản xuất rau, quả cao cấp trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính được hình thành với tổng diện tích 35ha, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha/năm.

Điển hình như mô hình trồng nho hạ đen, dưa lưới và dưa chuột baby trong nhà màng của HTX sản xuất - dịch vụ - thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương, huyện Gia Bình. HTX này mới đi vào hoạt động cuối năm 2021, với 6 lô sản xuất trong nhà màng, diện tích khoảng 6.000m2, tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 4,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 1,4 tỷ đồng. 

Diện tích nhà màng được chia làm các khu trồng dưa luân phiên cách nhau khoảng 20 ngày để tiện chăm sóc, thu hoạch. Hiện mỗi ngày trang trại thu hoạch khoảng 300kg dưa VietGAP, bán với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, doanh thu mỗi tháng từ 150 - 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh, làm nông nghiệp rủi ro cao nên rất ít doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này. Vì thế, phát triển sản xuất rau, quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cần tạo cơ chế thông thoáng, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là cơ chế chính sách trong tích tụ đất đai, thuê đất...

Còn nhiều trở ngại lớn

Trồng rau trong nhà màng, nhà kính: Hiệu quả cao nhưng khó  nhân rộng - Ảnh 3.

Tham quan mô hình trồng nho hạ đen tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: A.N

Theo TS Nguyễn Thế Yên (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), ở nước ta, sản xuất rau theo hướng nông nghiệp CNC đã bước đầu được hình thành với các mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới chống côn trùng; sản xuất trong nhà plastic không cố định để hạn chế tác hại của các yếu tố môi trường bất lợi; trồng rau bằng kỹ thuật thủy canh, màng dinh dưỡng… Tuy nhiên, nguồn vốn, nhân lực, đất đai, thị trường và sự phối hợp, liên kết lỏng lẻo đang là những "trở ngại lớn" cho việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Do vậy, ông Yên cho rằng cần đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp. Cụ thể là đưa các doanh nghiệp này vào vị trí đứng mũi chịu sào theo mô hình sản xuất "con thuyền lớn". 

Mặt khác, cần đổi mới quan điểm đối với khoa học công nghệ và thị trường, bởi chiến lược thị trường sẽ quyết định sự thành bại của việc phát triển rau, quả an toàn.

Với xuất phát ban đầu là một trang trại nhỏ, năm 2014, chị Nguyễn Thị Trâm (ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài) đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế trang trại lên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đầu ra ổn định nên năm 2019, chị Trâm đã đưa cây dưa leo baby vào trồng trong nhà lưới với diện tích 5.000m2. Trừ chi phí, mỗi năm công ty lãi hơn 400 triệu đồng từ trồng dưa leo baby. 

"Nhà lưới, nhà màng là một trong những phương pháp hiện đại, tối ưu cho doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều người vẫn không dám mạo hiểm bởi nông nghiệp vốn dĩ nhiều rủi ro, trong khi làm nhà lưới, nhà màng cần vốn đầu tư ban đầu lớn, đa phần đều đi vay để đầu tư" - chị Trâm phân tích.

Cũng theo chị Trâm, hiện nay ở Bắc Ninh chưa có nhiều công ty có diện tích đất lớn, thuê được lâu dài để tập trung đầu tư sản xuất, đặc biệt là mặt bằng để xây dựng các nhà máy chế biến gần vùng nguyên liệu. Cũng do chỉ thuê được ngắn hạn nên bà Trâm không dám mạo hiểm xây dựng thêm nhà màng, nhà lưới hay nhà máy sơ chế. 

"Do đó, công ty mong muốn được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện chuyển đổi đất sang thuê đất lâu năm" - chị Trâm kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem