Trong nước người chăn nuôi gồng mình gánh lỗ, vì sao vẫn chi số tiền khủng nhập khẩu thịt?

Thiên Ngân Thứ tư, ngày 21/12/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trong khi chăn nuôi trong nước, đặc biệt là ngành nuôi lợn đang trong cảnh thua lỗ, giá bán ra thấp hơn giá thành thì người chăn nuôi vẫn đang tiếp tục gánh thêm sức ép lớn từ các loại thịt nhập khẩu.
Bình luận 0

Giá lợn hơi thấp, người chăn nuôi gồng mình gánh lỗ

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hơn 2 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành chăn nuôi của TP vẫn phát triển ổn định, góp phần bảo đảm thực phẩm cho người dân Thủ đô. Ðàn gia súc, gia cầm của thành phố luôn đứng trong top đầu cả nước.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tổng đàn trâu, bò của Hà Nội là 169.000 con, tăng hơn 3% so cùng kỳ năm 2021; tổng đàn gia cầm gần 39 triệu con. Chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi, với hơn 1,4 triệu con lợn, trong đó riêng đàn lợn sinh sản là 168.000 con, tăng hơn 19% so cùng kỳ. 

Cộng với nguồn cung dồi dào từ các doanh nghiệp lớn và các địa phương lân cận, người dân Thủ đô luôn có nhiều lựa chọn các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản khi đi siêu thị hoặc ra chợ dân sinh.

Trong nước người chăn nuôi gồng mình gánh lỗ, vì sao vẫn chi số tiền khủng nhập khẩu thịt? - Ảnh 1.

Anh Vũ Hải Hồng ở xóm Chùa 1, xã Đắc Sơn (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn quyết bám trụ với nghề nuôi lợn dù thời gian qua, giá lợn hơi ở mức thấp không đảm bảo lợi nhuận. Ảnh: Hà Thanh

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai là địa phương cung ứng thịt gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước, hiện tổng đàn lợn đạt 2,56 triệu con, tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2021. 

Giá heo hơi đạt chuẩn tại Đồng Nai chỉ khoảng 53.000 đồng/kg, heo quá lứa chỉ còn 48.000 - 49.000 đồng/kg. Hiện tại, đàn heo của địa phương trong khoảng từ 40 - 60 kg/con chiếm khoảng 60% tổng đàn. Do đó nguồn cung thịt tại chỗ và cho cả TP.HCM luôn bảo đảm. 

Vấn đề bà con quan tâm hiện nay là làm thế nào để tăng giá lợn hơi, giúp họ đảm bảo lợi nhuận, bởi với chi phí đầu vào hiện nay, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi đã tăng lên mức 55.000 đồng/kg. Nếu bị dịch bệnh, hao hụt thì giá thành có thể đội lên trên 60.000 đồng/kg.

Thực tế, những hộ đã tái đàn lợn từ tháng 6/2022 để tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán, giờ đang đứng ngồi không yên. Bởi với giá lợn hơi như hiện nay chỉ 50.000 – 52.000 đồng/kg thì người chăn nuôi đang phải chịu lỗ từ 7.000-8.000 đồng/kg. 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: Giá lợn hơi trên thị trường phản ánh rất rõ cung cầu. Nguồn cung cao, nhu cầu thấp thì giá lợn hơi sẽ giảm mạnh, ngược lại nguồn cung thấp, nhu cầu cao thì giá mới tăng được. Rõ ràng với thực tế hiện nay, giá lợn hơi đang thấp, nông dân thua lỗ thì chúng ta phải tìm cách tăng giá lên bằng đa dạng thị trường tiêu thụ. 

Điều khó hiểu là trong khi người chăn nuôi trong nước đang phải vật lộn, gánh lỗ để duy trì sản xuất, nguồn cung thực phẩm dồi dào thì từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu các loại thịt. Rất nhiều loại thịt nhập khẩu giá rẻ đã gây thêm áp lực cho thị trường trong nước.

Cụ thể, trong 11 tháng của năm 2022, Việt Nam đã nhập tới 211.000 tấn thịt gà, chưa kể 165.000 tấn thịt lợn, 119.000 tấn thịt bò và 135.000 tấn thịt trâu...

Trong đó, thịt lợn tươi chiếm thị phần lớn nhất, tiếp đến là các loại thịt khác và phụ phẩm gia cầm; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...

Tại diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối cung cầu nông sản 970 (Bộ NNPTNT) tổ chức mới đây, đại diện Bộ NNPTNT khẳng định nguồn cung thịt, trứng gia cầm cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán khá dồi dào, sẽ không xảy ra đột biến về giá.

Đối với áp lực nhập khẩu các mặt hàng thịt, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối cung cầu nông sản 970 sẽ kiến nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các cơ quan liên quan có nghiên cứu, đánh giá toàn diện để tham mưu Bộ NNPTNT.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem