Nông dân làm cánh đồng lớn 1 giống, trồng lúa hữu cơ, giá bán tăng 200%

Bình Minh Thứ ba, ngày 11/04/2023 18:58 PM (GMT+7)
Việc chuyển sang canh tác lúa hữu cơ đã giúp HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, huyện Tiền Hải (Thái Bình) tăng giá trị sản phẩm bán ra 200%. Vụ mùa năm 2022, với diện tích gần 1,3 ha, HTX thu về 4 tấn thóc, tương đương 2,7 tấn gạo với giá bán 30.000 đồng/kg.
Bình luận 0

Lúa sạch, gạo ngon, tăng 200% giá trị

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nam Cường (huyện Tiền Hải, Thái Bình) cho biết, giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao, cùng với vùng đất sản xuất lúa của xã bị chua, mặn nên người dân đang dần có tư tưởng bỏ ruộng.

Nhận thấy việc sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững trong sản xuất, có thể tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp và lượng phân chuồng lớn có sẵn tại địa phương, HTX Nam Cường đã phối hợp với Hiệp hội gia cầm và trang trại tỉnh Thái Bình, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viên Nông nghiệp Việt Nam xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

Trồng lúa hữu cơ, giá bán tăng 200% - Ảnh 1.

Những vụ sản xuất gần đây, nông dân Thái Bình đã tích cực cấy lúa bằng máy hoặc thủ công thay cho phương pháp gieo thẳng, sạ hàng. Ảnh: M.N

Theo đó, phân chuồng và rơm, rạ trên ruộng được xử lý bằng công nghệ vi sinh Emuniv được đưa vào sử dụng thay thế cho phân bón hóa học NPK. Bên cạnh đó, sử dụng cá ủ vi sinh thay thế hoàn toàn phân đạm urea. Còn phân chuồng ủ hoai mục được tận dụng từ nguồn phân gà đẻ đã qua xử lý bằng công nghệ vi sinh.

Ngoài ra HTX Nam Cường còn tận dụng thêm nguồn phân tại chỗ như: Phân thỏ, phân lợn được ủ bằng vi sinh sử dụng cho bón lót. Tận dụng cá vụn tại địa phương được ủ cùng vi sinh, đường, chuối chín, đu đủ, dứa, tỏi, gừng, ớt và nước sạch để chuyển hóa sang dạng axitamin giúp cây dễ hấp thụ, thay cho phân bón hóa học urea.

Sau khi HTX Nam Cường "thay đổi tư duy", áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, tuần hoàn trong sản xuất lúa, kết quả cho thấy đã tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm bán ra 200% so với sản xuất thông thường.

Trồng lúa hữu cơ, giá bán tăng 200% - Ảnh 2.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kiểm (ở tổ dân phố số 7, thị trấn Tiền Hải, Thái Bình) gieo cấy 2 mẫu giống lúa Bắc thơm 7 và nếp 97. Ảnh: M.N

Cụ thể, vụ mùa 2022, HTX Nam Cường canh tác lúa với diện tích 13.000 m2, trồng giống lúa TBR225. Sau khi thu hoạch cho 4 tấn thóc (2,7 tấn gạo), giá bán 30.000 đồng/kg.

"Áp dụng phương pháp hữu cơ, chân đất trồng lúa không còn chai cứng mà mềm, mịn, tơi xốp, đặc biệt, đã thấy xuất hiện tôm, cá, giun, dế nhiều trên ruộng", đại diện HTX Nam Cường chia sẻ tại diễn đàn.

Niềm vui được nhân lên khi gạo được khách hàng đánh giá thơm ngon hơn nhiều so với các loại gạo cùng giống thơm TBR225 trên thị trường. "Điều này giúp người nông dân cảm thấy yên tâm và tràn đầy hy vọng cho tương lai phát triển lúa gạo của địa phương".

Cũng theo đại diện HTX Nam Cường, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuy tốn công làm cỏ (15 công/ha/lần x 2 lần/vụ), tốn thêm công bắt ốc bươu vàng trước khi cấy (10 công/ha) nhưng với những biện pháp sản xuất tập trung và chuyên nghiệp, hiệu quả kinh tế vẫn đảm bảo cho HTX phát triển và nhân rộng mô hình.

Dự kiến năm 2023, HTX Nam Cường sẽ tăng diện tích sản xuất lúa sạch lên gấp 5 lần, cung cấp gạo sạch cho nhu cầu của địa phương với tổng sản lượng dự kiến 30 tấn/năm. HTX cũng lên kế hoạch tuần hoàn lượng chất thải chăn nuôi của các thành viên HTX nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu sản xuất phân tại địa phương.

Đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn 1 giống, canh tác lúa cải tiến

Trong khi đó, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Thắng (xã Nam Thắng - Tiền Hải) lại thành công nhờ xây dựng được cánh đồng 1 giống lúa. 

Ông Trần Văn Thao - Giám đốc HTX cho biết: Trên cùng một cánh đồng, việc có nhiều giống lúa dẫn đến kỹ thuật canh tác và thời gian thu hoạch khác nhau, nhiều sâu bệnh hại khiến hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động nông dân liên kết với doanh nghiệp chỉ cấy một giống lúa trên một cánh đồng sẽ giúp quy trình canh tác cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật được đồng bộ, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người dân.

Trồng lúa hữu cơ, giá bán tăng 200% - Ảnh 3.

Mô hình gieo cấy giống lúa mới trên diện tích 4ha của gia đình ông Trần Công Lý, xã Đông Hoàng kết hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ảnh: tienhaigov

Hiện HTX đang liên kết các hộ dân để sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích 80ha ở các thôn Rưỡng Trực 1, Nam Đồng Bắc, Nam Đồng Nam. Để hỗ trợ cho cánh đồng lớn, HTX đã đầu tư cứng hóa 3km kênh mương; hỗ trợ giống cho nông dân mua trả chậm; tập huấn khoa học kỹ thuật... Đến thời điểm này, toàn bộ cánh đồng cấy một giống đều chín đồng loạt, không có tình trạng trỗ trước, trỗ sau như trước đây khi cấy nhiều giống lúa trên cùng cánh đồng. 

Theo ước tính vụ mùa năm nay năng suất đạt trên 60,7 tạ/ha. Hiệu quả của xây dựng cánh đồng lớn xã Nam Thắng mỗi năm mang lại thu nhập cho nông dân 5 tỷ đồng.

Ông Tạ Loan Chiến, thôn Hải Nhuận, xã Đông Quý chia sẻ: Trước đây sản xuất lúa nông dân thường gặp khó khăn đầu ra, nhưng nhiều năm trở lại đây, khi tham gia vào mô hình cánh đồng lớn có liên kết với Công ty CP Tập đoàn Thaibinh Seed, chúng tôi không còn bí đầu ra sản phẩm, thu nhập tăng cao nên hầu hết bà con đều duy trì diện tích cấy lúa giống và thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp. 

Việc bán lúa giống Bắc thơm số 7 cho ThaiBinh Seed tương đối ổn định với giá trị cao hơn lúa thường 1,3 lần tại thời điểm thu mua.

Ông Phạm Văn Vang - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải cho biết: Để xây dựng thành công cánh đồng lớn, Tiền Hải đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết với HTX, các hộ nông dân trong phát triển, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. 

Thực hiện mạnh mẽ việc áp dụng một giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh... Nhờ đó nhiều khâu sản xuất đã được thực hiện đồng bộ như sử dụng một giống, liền vùng, cùng thời vụ.

Không chỉ xã Nam Thắng, xã Đông Quý mà đến nay đã có 15 xã trên địa bàn huyện thực hiện xây dựng cánh đồng lớn với diện tích đạt 1.000ha và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị như Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty Khang Long, Công ty An Đình...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem