Cả bản này ở Sơn La có tới 90 hộ trồng cỏ nuôi hơn 700 con bò, nhà nào cũng thu hàng trăm triệu/năm

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh Thứ hai, ngày 09/05/2022 06:03 AM (GMT+7)
Thay vì chăn thả gia súc tự nhiên, hiện nay nhiều hộ gia đình ở bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) đã chuyển hướng sang trồng cỏ, nuôi bò nhốt sinh sản và bò vỗ béo. Cả bản có 120 nóc nhà thì 90 hộ trồng cỏ nuôi hơn 700 con bò, nhà nào cũng thu hàng trăm triệu/năm.
Bình luận 0

Clip: bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) có 120 hộ dân thì có tới 90 nhà làm kinh tế bằng mô hình trồng cỏ nuôi bò vỗ béo , bò sinh sản. Tổng đàn bò ở bản Pú Luông lên tới hơn 700 con.

Ở nơi bỏ trồng ngô, sắn chuyển sang trồng cỏ

Pú Luông, là một trong những bản xa trung tâm nhất của xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La). Người dân nơi đây chủ yếu thu nhập bằng nghề nông, phương thức canh tác còn lạc hậu, phụ thuộc vào các loại cây trồng trên nương như: ngô, sắn, chuối…

Chính vì vậy thu nhập của người dân trong bản không được bao nhiêu, cuộc sống trở nên khó khăn.

Không cam chịu trước những khó khăn, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. Nhiều năm nay, mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo được các hộ nông dân trong bản thực đẩy mạnh, bởi không chỉ để thoát nghèo mà còn là hướng làm giàu của bà con nông dân. 

Về bản Pú Luông những ngày này đi đến đâu chúng tôi cũng nghe nông dân râm ran chuyện nuôi bò. Trên những cánh đồng, mảnh nương, khe suối, vườn nhà nào cũng phủ xanh cỏ voi để nuôi bò.

Theo chân cán bộ khuyến nông xã Mường Bú, chúng tôi đến thăm gia đình ông Cà Văn Thành, bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La). Gia đình ông luôn duy trì đàn bò vỗ béo trong chuồng từ 8 - 10 con, mỗi năm gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng.

Cả bản trồng cỏ nuôi bò, nhà nào cũng thu trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Ông Cà Văn Thành, bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La bổ sung thêm thức ăn xanh cho đàn bò của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Thành chia sẻ: Gia đình ông nuôi bò theo hình thức vỗ béo này được hơn 5 năm, chủ yếu nuôi bò bản địa, chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; chú trọng phòng chống dịch bệnh và chế độ dinh dưỡng cho bò. Để ổn định nguồn thức ăn, gia đình ông đã chuyển đổi hơn 4.000 m2 đất vườn sang trồng cỏ voi.

"Giống bò chủ yếu là bò địa phương, tầm 3-5 năm tuổi có khối lượng 400 - 700kg. bò sau vỗ béo rất dễ bán, lợi nhuận thu được dao động từ 2,5 - 6 triệu đồng/con sau khoảng 3 tháng nuôi. Có những con bò đẹp có thể có lãi nhiều hơn", ông Thành nói.

Cả bản trồng cỏ nuôi bò, nhà nào cũng thu trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Mô hình trồng cỏ nuôi bò đã giúp gia đình ông Cà Văn Thành, bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Còn gia đình bà Lò Thị So, bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) Cũng đang nuôi 7 con bò sinh sản, 5 con bò vỗ béo. Cứ mỗi năm, 8 con sinh sản lại cho 8 con bê, còn 5 con bò vỗ béo cứ nuôi xoay vòng từ 3 - 5 tháng là xuất chuồng.

Cả bản trồng cỏ nuôi bò, nhà nào cũng thu trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình bà Lò Thị So, bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

"Trước đây, với hơn 6.000 m2 đất vườn, tôi trồng sắn, trừ chi phí phân bón, giống, công chăm sóc, mỗi năm lợi nhuận chỉ được 15 triệu đồng. Nhưng từ khi đầu tư nuôi bò thì 8 con bò sinh sản mỗi năm cho 8 con bê, nuôi 6 tháng thu mỗi con 12 triệu đồng. Còn 5 con vỗ béo, cứ nuôi xoay vòng 3 lứa/năm, trừ hết chi phí cũng kiếm được 150 triệu đồng...", bà So khoe.

Cả bản nuôi bò mà khá giả lên thấy rõ

Trao đổi với phóng viên, ông Tòng Văn Khù, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh (Sơn La) cho biết, bản có 120 hộ thì có đến 90 hộ trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản với tổng số đàn trên 700 con. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 5 - 7 con, có hộ nuôi đến vài chục con.

"Nhiều năm nay, các mô hình nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản được rất nhiều nông dân trong bản thực hiện, bởi có diện tích đất rộng để trồng cỏ. Có thể nói rằng, nuôi bò trở thành cứu cánh thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người dân trong bản", ông Khù nói.

Cũng theo ông Khù, Chi bộ, cấp ủy bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đất trồng hoa màu kém hiệu quả và diện tích trồng lúa không có đủ nước tưới, sang trồng cỏ, đến nay bản đã có hơn 70 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Toàn bộ chất thải chăn nuôi sẽ được các hộ gia đình tận dụng ủ làm phân hoai mục, bón cho cây trồng.

Cùng với đó, bản thường xuyên được cơ quan chức năng mở lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi và hướng dẫn chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc trong mùa đông; tiêm phòng viêm da nổi cục cho bò. Vì vậy, đàn bò phát triển tốt.

Cả bản trồng cỏ nuôi bò, nhà nào cũng thu trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 7.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, bản Pú Luông đã vận động người dân trong bản chuyển đổi một số đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Văn Ngọc

Trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, sinh sản không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn xóa bỏ tập quán nuôi gia súc dưới gầm sàn, góp phần đưa bản Pú Luông đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Cả bản trồng cỏ nuôi bò, nhà nào cũng thu trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 8.

Việc trồng cỏ, chăn nuôi bò nhốt chuồng sẽ giúp các hộ nông dân quản lý được số lượng đàn vật nuôi cũng như có những biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi. Ảnh: Văn Ngọc

Thời gian tới, Chi bộ, cấp ủy bản Pú Luông sẽ tích cực vận động, tuyên truyền và hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, nhân rộng các mô hình nuôi bò vỗ béo, tăng năng suất, nâng cao chất lượng gia súc thương phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem