Trồng cà chua cho trái vàng, cứ 1.000m2 nông dân ở nơi này của Đắk Lắk lãi 200 triệu

Cẩm Lai (Cổng TTĐT TTKN Đắk Lắk) Thứ bảy, ngày 14/05/2022 06:30 AM (GMT+7)
Buổi sáng, đến thăm mô hình sản xuất cà chua Nova vào thời kỳ thu hoạch, trĩu quả vàng ươm, bóng loáng, đang khoe sắc trên nền lá xanh mướt trong nhà màng của anh Trần Quốc Phong, tổ dân phố 7, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, mọi người rất hân hoan, phấn khích.
Bình luận 0
 Đây là một trong tám vườn cà chua nhân rộng, được chị Bùi Thị Thu Phương liên kết sản xuất tại TP. Buôn Ma Thuột.

Năm 2021, Trạm Khuyến nông thành phố chủ trì, liên kết Công ty tư vấn Ban Mê Green farm và gia đình chị Phương triển khai thành công mô hình cà chua sản xuất trong nhà màng tại xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. 

Trong quá trình sản xuất, thấy được nhu cầu của thị trường về sản lượng cà chua chất lượng cao, chị Phương không những sản xuất trên diện tích của mô hình, mà còn liên kết mở rộng dần diện tích cà chua theo nhu cầu sản lượng của khách hàng trong và ngoài tỉnh, đến giờ vẫn duy trì đầu ra tiến triển tốt. 

Chị Phương cho biết thêm, với tám mô hình cà chua trong nhà màng được liên kết tại Buôn Ma Thuột (mỗi Farm chừng 1000 m2), sản lượng sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho nhiều siêu thị, kể cả bán online. Thời gian tới chị dự kiến sẽ liên kết mở rộng thêm 6 Farm (vườn) cà chua nữa để đáp ứng sản lượng quả tươi cho khách hàng. 

Ước tính, mỗi vụ với diện tích sản xuất khoảng 1000 m2, sau khi trừ chi phí, khấu hao, còn lãi thuần chừng 100 triệu đồng. Mỗi năm sản xuất 2 vụ sẽ được 200 triệu đồng/1000m2, so với một số loại cây trồng khác tại địa phương, thì sản xuất cà chua hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.

Anh Trần Quốc Phong, chủ mô hình cà chua liên kết với chị Phương cho biết, trước đây anh làm nghề xây dựng, nhưng trong thời kỳ dịch Covid-19, công việc bấp bênh, anh tham khảo một số mô hình cà chua sản xuất trong nhà màng tại địa bàn có hiệu quả nên đã liên kết những người có đam mê nông nghiệp công nghệ cao để triển khai.

Trồng cà chua cho trái vàng, cứ 1 sào nông dân ở nơi này của Đắk Lắk lãi 100 triệu - Ảnh 2.

Anh Trần Quốc Phong, chủ mô hình cà chua nova liên kết

Anh Phong cho biết thêm, vụ này anh xuống giống cà chua Nova từ ngày 20/2/2022 với mật độ 2.500 cây/1000m2, đến 20/4/2022 anh đã bắt đầu thu hoạch đến hôm nay. Với lượng cây và quả hiện có, anh Phong dự kiến vụ này sản lượng tổng thu chừng 6 tấn quả, với giá bình quân tại vườn là 55 nghìn đồng/kg, ước chừng một năm rưỡi anh sẽ thu lại vốn đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như mong đợi, yêu cầu đặt ra là phải sản xuất đúng qui trình kỹ thuật đối với cây cà chua giống Nova, có nguồn gốc từ Mỹ này. Theo đó anh Phong đã phối hợp với anh Trần Việt Tân, chuyên gia phụ trách chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây cà chua trong nhà màng để yên tâm sản xuất.

Theo anh Trần Việt Tân, người đang liên kết với chín farm sản xuất cà chua trong nhà màng tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết, việc sản xuất có hiệu quả cây cà chua công nghệ cao này không khó, nhưng không phải dễ nếu không đáp ứng được đặc điểm sinh thái cũng như nhu cầu dinh dưỡng của cây trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển. 

Kinh nghiệm và kỹ năng sản xuất cà chua trong nhà màng đã được anh Tân tích lũy từ những năm học hỏi thực tế tại Đà Lạt (từ 2015-2018), cùng với thực tế sản xuất tại TP.Buôn Ma Thuột, chưa kể những lần thất bại bước đầu… để có hiệu quả ngày hôm nay. 

Theo anh Tân, yêu cầu đầu tiên là phải tìm được nguồn giống cà chua chất lượng tốt. Cùng với đó là kỹ thuật tác động như: kỹ thuật gieo ươm, dùng nguồn giá thể sạch để trồng, đưa vào nhà màng đúng thời kỳ và chăm sóc thường xuyên. 

Trồng cà chua cho trái vàng, cứ 1 sào nông dân ở nơi này của Đắk Lắk lãi 100 triệu - Ảnh 4.

Giống cà chua Nova

Cũng theo anh Tân, hiện nay, đối với Đăk Lăk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, việc thiết kế nhà màng để sản xuất cà chua, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, có thể giảm bớt một số thiết bị đầu tư (lưới cắt nắng, quạt gió, điều hòa nhiệt…) như ngày trước thường làm, thay vào đó là thiết kế hợp lý (về độ cao, diện tích lưới thông thoáng, về hướng nhà màng phù hợp..) để tránh được những bất lợi tác động, đáp ứng sinh trưởng, phát triển của cây cà chua, giảm được một phần chi phí đầu tư ban đầu, giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Bởi lẽ thời tiết TP.Buôn Ma Thuột xét thấy vẫn ôn hòa, ít cực đoan hơn so với Đà Lạt, dễ thiết kế nhà màng thích ứng với các điều kiện tác động trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên bên cạnh việc tạo môi trường sống của cây cà chua trong nhà màng, cần quan tâm hơn về nhu cầu dinh dưỡng qua từng giai đoạn sinh lý của cây cà chua, theo từng mùa vụ tại địa phương để điều tiết hợp lý về phân bón và nước tưới mới khai thác được tiềm năng năng suất và chất lượng, mẫu mã của sản phẩm cà chua, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Đến nay, chưa đầy 4 năm, kể từ khi mô hình đầu tiên sản xuất cà chua trong nhà màng được Công ty CP Ban Mê Green farm triển khai (năm 2018) tại thành phố Buôn Ma Thuột, cùng nhiều khó khăn bước đầu, đặc biệt là giai đoạn bị ảnh hưởng do dịch bệnh covid-19, giờ đã phát triển trên dưới 20 farm (vườn) cà chua công nghệ cao. 

Theo đó, ước tính riêng TP.Buôn Ma Thuột mỗi năm cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 240 tấn sản phẩm cà chua quả tươi chất lượng cao, chưa kể giá trị kết nối du lịch sinh thái nông nghiệp không thể đo đếm hết được.

Sau giai đoạn dịch bệnh covid-19 đi qua, chắc chắn nhu cầu sản lượng cà chua chất lượng cao ngày càng lớn, theo đó sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển. Cho thấy xu hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ truyền thống nhỏ lẻ sang liên kết diện rộng, ứng dụng công nghệ phù hợp để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp là tất yếu, góp phần cho quá trình đô thị hóa thành phố Buôn Ma Thuột nhanh hơn..

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem