Tránh sai phạm trong đấu giá đất cần có giải pháp gì?

Thái Nguyễn Chủ nhật, ngày 26/03/2023 06:42 AM (GMT+7)
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều điểm mới đã tập trung sửa đổi những quy định liên quan đến nội dung đấu giá đất. Nguyên nhân bởi hàng loạt tiêu cực xảy ra liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian gần đây.
Bình luận 0

Thời gian qua, tình trạng tham nhũng đất đai nói chung và tham nhũng đất đai trong hoạt động đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nói riêng đang trở thành mối lo ngại, bức xúc trong xã hội với hàng loạt vụ việc nổi cộm được phát hiện và truy tố hình sự…

Theo thống kê, doanh nghiệp gặp cản trở về tiếp cận đất đai; tỷ lệ tố cáo, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm trên 70% số vụ tố cáo khiếu nại. Trong đó, tham nhũng trong đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất diễn ra một cách tinh vi, có tổ chức và lợi ích nhóm với sự bao che, thông đồng giữa các chủ thể trong và ngoài cơ quan nhà nước, dẫn đến tình trạng thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất lên cao.

Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng để dìm giá tại nhiều phiên đấu giá đất; một số cán bộ cơ quan nhà nước bắt bắt tay ngầm với doanh nghiệp, cá nhân để rút ruột tài sản nhà nước; hay tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá...

Trước những bất cập, tiêu cực về công tác quản lý sử dụng đất nói chung và công tác đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất nói riêng. Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan tham mưu đã xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến đóng góp của đông đảo nhân dân, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại kéo dài trong thời gian qua.

Tránh sai phạm trong đấu giá đất cần có giải pháp gì? - Ảnh 1.

Quy định về đấu giá đất được sửa đổi trong dự án Luật Đất đai để chống tham nhũng, tiêu cực (Ảnh: TN)

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá đất nhằm làm cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng, chống tham nhũng trong hoạt động quản lý đất đai nói chung và hoạt động đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nói riêng.

Các chuyên gia nhận định cần phải quy định chặt chẽ, cụ thể việc định giá đất phải tuân theo nguyên tắc thị trường, để bảo đảm sự công bằng, nguồn thu cho ngân sách nhà nước và quyền lợi của người có đất bị thu hồi… Trong đó, để định giá đất phù hợp với giá thị trường, giá đất phổ biến trên thị trường được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực, trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của những yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến.

Việc định giá đất phải được thực hiện theo phương pháp khoa học, khách quan, dựa trên dữ liệu, cơ sở dữ liệu được thu thập đầy đủ, đặc biệt là dữ liệu về thị trường giao dịch thực tế và cần hướng tới hiện đại hóa công tác định giá đất dựa trên một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã phân cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, cơ quan quản lý đất đai cấp huyện được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai trình Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định kết quả tư vấn xác định giá đất; căn cứ kết quả của Hội đồng thẩm định giá đất trình UBND cùng cấp quyết định, quy định này sẽ bảo đảm "tránh được những tiêu cực" khi định giá đất để đưa ra đấu giá đất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem