Du học để trở về… lập trại nuôi trăn
Nhiều người khá bất ngờ khi biết rằng chủ nhân của trang trại trăn khủng tại xã Phước Vĩnh An, Củ Chi, TP.HCM lại là một chàng trai 33 tuổi, Cao Trần Tùng - người khá nổi tiếng trong giới nuôi trăn trong và ngoài nước.
Vốn là du học sinh, trở về nước với 2 tấm bằng kỹ sư dầu khí và Quản trị kinh doanh, thông thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Hoa, Tùng dễ dàng nhận được một công việc tốt ở một ngân hàng lớn tại TP.HCM. Thế nhưng anh cũng chỉ gắn bó với công việc đó một thời gian, với niềm đam mê làm nông nghiệp cùng những kiến thức kinh doanh học được ở nước ngoài và sự hiểu biết về thị trường da trăn cũng như các sản phẩm từ trăn, anh quyết định bỏ việc về làm…nông dân nuôi trăn.
Tùng nhớ lại: “Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm thực tế, chỉ làm theo bản năng, không có kỹ thuật, trăn nuôi đến đâu chết đến đó, thất bại không biết bao lần. Cũng có lúc tôi thấy nản chí nhưng rồi nghĩ và tự động viên mình cố gắng thêm một lần nữa. Cuối cùng tôi nhận ra rằng, để nuôi trăn thành công nhất định phải áp dụng khoa học kỹ thuật và đã tự mày mò qua sách, báo, internet cũng như đi tìm đến các chuyên gia ở các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước có nghiên cứu về trăn để học hỏi thêm”.
Sau khi tìm hiểu, Tùng nhận ra rằng việc đầu tiên cần khắc phục là vấn đề cải tiến chuồng trại, cần phải áp dụng công nghệ vi sinh, có như vậy mới tạo được môi trường sạch sẽ, tạo được điều kiện thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm, đạt được độ thông thoáng thì trăn mới không bị bệnh tật, phát triển tốt.
Tiếp theo là vấn đề con giống. Tùng cho biết: “Trước đây, con giống phải mua hoàn toàn từ bên ngoài, không chủ động được nguồn giống và đặc biệt là hoàn toàn không kiểm soát được bệnh tật”. Với quyết tâm phải chủ động và kiểm soát được chất lượng con giống, Tùng đã mày mò, nghiên cứu chế ra máy ấp trứng nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam, tỷ lệ đậu con giống lên tới hơn 90% so với ấp tự nhiên chỉ đạt khoảng 60 – 70%.
Sau vài năm gắn bó với con trăn, Tùng nhận ra rằng việc sử dụng nguồn phế phẩm như heo chết, gà chết từ các trang trại khác để cho trăn ăn là không ổn, vừa không khống chế được dinh dưỡng phù hợp với từng lứa tuổi trăn, vừa mất vệ sinh. Thế là Tùng lại lao vào nghiên cứu, cuối cùng cũng cho ra một loại thức ăn dành riêng cho trăn mà anh gọi là “xúc xích trăn”. Hiện, anh đã có thể tự sản xuất được 4 loại xúc xích với 4 tỷ lệ dinh dưỡng khác nhau để phù hợp với 4 độ tuổi khác nhau của trăn.
So sánh với loại thức ăn cũ, Tùng nhận thấy rằng thức ăn mới dễ sử dụng, tiện bảo quản và quan trọng hơn cả là tỷ lệ hấp thu dinh dưỡng của trăn cao hơn. Để chứng minh điều này, anh cho biết đã làm thí nghiệm bài bản và thấy rằng, với loại thức ăn mới chỉ mất khoảng 2,5 kg thức ăn để tạo ra 1kg thịt, trong khi đó với thức ăn cũ phải mất từ 3,5 – 4kg thức ăn.
Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu
Nói về công việc nuôi trăn của mình, Tùng tâm sự: “Không muốn than thở, kể khó về nghề của mình, bởi nghề nào cũng có cái khó riêng của nó, nhưng quả thật nghề nuôi trăn thấy vậy nhưng rất vất vả, chăm nó như chăm trẻ con”. Hiện tại một mình anh phải quán xuyến tất cả mọi việc: sáng phải dậy sớm để kiểm tra một lượt chuồng trại, sắp xếp công việc trong ngày cho anh em công nhân, từ mua nguyên liệu sản xuất thức ăn, kiểm tra bệnh tật cho trăn đến việc tiếp xúc khách hàng đều một tay anh đảm nhiệm.
Chia sẻ thêm về những khó khăn khi nuôi trăn, ông chủ trẻ cho biết: “Qua khá nhiều năm lăn lộn với trăn, tôi thấy rằng việc kiểm soát bệnh, công tác thú y cho trăn là nan giải nhất, khi trăn ốm chỉ có cách tiêm thuốc, tiêm nhiều thì lờn thuốc, khả năng chữa bệnh cũng không cao. Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào đặc chủng dành cho các bệnh của trăn. Do đó, giải pháp duy nhất có thể làm là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Một vấn đề nữa, trăn là loại động vật nuôi nhạy cảm, liên quan đến việc bảo tồn động vật hoang dã, do đó đòi hỏi phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của cơ quan kiểm lâm trong nước cũng như các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế về nguồn gốc, xuất xứ của trăn, do đó khi nuôi phải lưu trữ toàn bộ chứng từ, bằng chứng về việc chăn nuôi để trình cơ quan chức năng khi cần thiết.
Hiện trang trại của Tùng chủ yếu xuất các sản phẩm từ trăn đi các nước như Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Malaysia với sản lượng khoảng 30.000 tấm da/năm, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng. Trang trại đã tạo được công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Với những thành quả đạt được trong việc nuôi trăn, bạn bè thường gọi anh với cái tên đã gắn với nghiệp của mình: “Tùng trăn”.