Trần Quốc Toản gọi Thượng hoàng Trần Thừa là ông nội sao quê ở Bắc Ninh, hy sinh năm 18 tuổi ở trận đánh nào?

Phúc Toản (Cổng TTĐT Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh) Thứ ba, ngày 28/02/2023 18:40 PM (GMT+7)
Trần Quốc Toản là con trai Hoài Đức vương Trần Bà Liệt (cháu nội Thượng hoàng Trần Thừa-Trần Thái Tổ). Trần Quốc Toản sinh năm Mậu Thìn (1268) tại trang Bà Liệt làng Sặt (nay là khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ , thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Bình luận 0

Trần Bà Liệt, cha ruột của Hoài Văn Hầu vốn là một võ tướng của nhà Trần. Ông cao lớn và có sức khỏe phi thường...

Trần Quốc Toản được biết nhiều tới qua sách sử để lại và các tác phẩm văn học như: "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, "Trần Quốc Toản ra quân" kịch bản sân khấu chèo của tác giả  Hoài Giao, cùng nhiều thể loại khác... 

Trần Quốc Toản gọi Thượng hoàng Trần Thừa là ông nội sao quê ở Bắc Ninh, hy sinh năm 18 tuổi ở trận đánh nào? - Ảnh 1.

Đền làng Trang Liệt, phường Trang Hạ, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng Trang Liệt là quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Ảnh: thanhphotuson.vn

Mọi người chúng ta (nhất là lứa tuổi thiếu niên và học sinh) đã biết đến người anh hùng dân tộc tuy nhỏ tuổi mà trí dũng kiên cường. Song, có một điều mà ít người để ý tới: Đó là cội nguồn gốc rễ, thân thế và quê hương của "Hoài văn hầu Trần Quốc Toản" lại chính là người được sinh trưởng ở xứ Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Trấn Kinh Bắc xưa và đất Bắc Ninh ngày nay là vùng đất địa linh nhân kiệt, đậm đặc những truyền thuyết cổ tích huyền thoại và cũng là cái nôi của nền văn minh Đại Việt.

Trần Quốc Toản là con trai Hoài Đức vương Trần Bà Liệt (cháu nội Thượng hoàng Trần Thừa-Trần Thái Tổ), sinh năm Mậu Thìn (1268) tại trang Bà Liệt làng Sặt (nay là khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ , TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). 

Trần Bà Liệt, cha đẻ của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toàn vốn là một võ tướng của nhà Trần. Ông cao lớn và có sức khỏe phi thường. 

Lúc trẻ cha Trần Quốc Toản thường đi đấu vật ở khắp nơi, giành nhiều giải lớn nên dân chúng quanh vùng phía Bắc kinh thành Thăng Long thường gọi ông là "Đô Liệt". 

Khi quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta, Trần Bà Liệt được vua Trần Thánh Tông phong chức "Hoài Đức vương" và giao cho chỉ huy một đạo quân đi chống giặc.

Vốn là dòng dõi con nhà võ, từ thuở nhỏ Trần Quốc Toản đã làu thông sử sách và rất giỏi võ công mưu lược. 

Năm Trần Quốc Toản 15 tuổi, vua Trần Thái Tông triệu tập "Hội nghị Bình Than" - (nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), gồm toàn thể các quan đại thần và các tướng lĩnh để bàn kế đánh giặc Nguyên Mông. 

Vì tuổi còn nhỏ nên Trần Quốc Toản đến nhưng vua không cho vào dự họp bàn lại còn an ủi ban thưởng cho một quả cam...

Trần Quốc Toản lấy làm xấu hổ, cảm nghĩ vua cha vẫn coi mình như là con nít. Lòng căm thù giặc uất nghẹn trào lên, cậu bé Quốc Toản đã bóp nát quả cam trong tay mình lúc nào mà không hay biết.

Trần Quốc Toản gọi Thượng hoàng Trần Thừa là ông nội sao quê ở Bắc Ninh, hy sinh năm 18 tuổi ở trận đánh nào? - Ảnh 4.

Trần Quốc Toản gọi Thượng hoàng Trần Thừa là ông nội sao quê ở Bắc Ninh, hy sinh năm 18 tuổi ở trận đánh nào? - Ảnh 5.

Trần Quốc Toản gọi Thượng hoàng Trần Thừa là ông nội sao quê ở Bắc Ninh, hy sinh năm 18 tuổi ở trận đánh nào? - Ảnh 6.

Đình làng Trang Liệt, lễ hội tại đình làng Trang Liệt, cửa võng của đình làng Trang Liệt. Đền, đình làng Trang Liệt là nơi thờ hai vị danh tướng thời Trần là Trần Bà Liệt (cha đẻ Trần Quốc Toản) và Trần Quang Khải nằm ở trung tâm thôn Bà Liệt (hay còn gọi là làng Sặt), nay là khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Dòng họ Tân Văn làng Trang Liệt.

Trở về, Trần Quốc Toản "bí mật" huy động gia nô tùy tùng, bạn bè thân hữu (đa phần là tuổi thiếu niên) khoảng hơn nghìn người, tổ chức đúc rèn binh khí, đóng chiến thuyền và dựng một lá cờ to thêu sáu chữ vàng "Phá cường địch báo Hoàng ân" để chờ ngày xuất binh.

Đầu năm 1285, giặc Nguyên Mông ồ ạt kéo sang xâm lược nước Nam. Trần Quốc Toản chỉ huy "đội quân thiếu niên" của mình, sát cánh với đội quân của Thượng tướng Trần Quang Khải "đối trận với giặc, tự mình tự xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy đều phải tránh lại, không  kẻ nào dám đối địch"... 

Đến tháng 6 năm đó, giặc Nguyên Mông bị quân dân ta căng ra đánh ở khắp nơi khiến cho chúng hao tổn lực lượng và thất bại liên tiếp. Thừa thắng, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cùng với tướng quân Nguyễn Khoái đem binh đi chặn đón đánh giặc ở Tây Kết. 

Trận Tây Kết này giặc Nguyên Mông thua to, tan rã ra từng mảng, tìm đường tháo chạy về nước. Khi giặc Nguyên Mông rút chạy đến sông Như Nguyệt (ở đoạn Thị Cầu, TP Bắc Ninh bây giờ) vua Trần Thánh Tông đã sai Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đến chặn đánh. 

Trận đánh ấy diễn ra rất gay go, ác liệt. Bọn giặc tuy bị thua chạy nhưng chúng chống trả lại rất quyết liệt!  Và... Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đã anh dũng hy sinh trong trận đánh bên dòng sông Như Nguyệt  lúc vừa tròn 18 tuổi. 

Đó là vào một ngày trung tuần tháng 6 năm Ất Dậu (1285). Được tin Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản hy sinh anh dũng, vua Trần Thánh Tông vô cùng thương xót, tự mình làm văn tế lễ và truy phong tước Vương để ghi nhận công lao đánh giặc.

Hoài Đức vương Trần Bà Liệt (bố đẻ của Trần Quốc Toản) khi qua đời, thi hài được mang về an táng tại quê mẹ ở làng Sặt nay là khu phố Trang Liệt, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (tức trang trại của Trần Bà Liệt). Nơi đây còn khu ruộng diện tích gồm 41 mẫu Bắc Bộ trước kia có ghi ở trong "địa bạ" mà người dân địa phương vẫn thường gọi là "Trần triều sơn lăng". 

Khu đồng này trong hương ước làng Sặt đã quy định: Chỉ dành riêng để trồng cây Lim lấy gỗ phục vụ cho việc tu sửa và kiến thiết xây dựng đình, đền, chùa nên từ xa xưa mới có tên gọi là "Rừng Sặt", "Làng Sặt"... 

Đình làng Trang Liệt phụng thờ thượng tướng quân Trần Quang Khải với bài thơ nổi tiếng của ông được làm bằng sơn mài rất trang trọng tôn nghiêm:

"Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan 

Thái bình tu trí lực 

Vạn cổ cựu giang san"

Dịch nghĩa:

"Chương Dương cướp giáo giặc 

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức 

Non nước ấy ngàn thu!"

Làng Trang Liệt là đất thang mộc của nhà Trần, là gia trang của Hoài Đức vương Trần Bà Liệt. Hiện nay, làng liên tục được công nhận nhiều năm là "Làng văn hóa cấp Quốc gia" và có một "thư viện" hoạt động nổi tiếng. Được nhiều địa phương trong cả nước đến tham quan học tập. 

Về quê hương Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, đất thang mộc nhà Trần, chúng ta càng thêm tự hào có một miền quê đậm nét văn hiến và lung linh huyền thoại. Là nơi di tích lịch sử vẻ vang rạng rỡ của triều Trần. Làng Trang Liệt quê hương của người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản nhưng trí khí anh hùng. 

Với lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, đã chiến đấu dũng cảm, hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc thiêng liêng. Tấm gương của Trần Quốc Toản sẽ mãi mãi soi sáng, nối tiếp truyền thống cho thế hệ trẻ nước nhà và là niềm tự hào vô hạn của lớp lớp thanh thiếu niên vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem