TP.HCM sẽ trở thành trung tâm sản xuất con giống của khu vực, nhiều trang trại đẹp như tranh

Trần Cửu Long Thứ năm, ngày 29/12/2022 18:38 PM (GMT+7)
TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất con giống cho các tỉnh và khu vực lân cận vào năm 2030.
Bình luận 0

Để đạt mục tiêu này, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2026 - 2030 duy trì ở mức 3%; tiếp tục phát triển các con giống vật nuôi chủ lực của thành phố, như: Lợn, bò sữa…

Hình thành trang trại lớn

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, đến năm 2030, chăn nuôi trên địa bàn thành phố chủ yếu là trang trại quy mô vừa và lớn; hình thành vùng an toàn dịch bệnh cấp thành phố đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã sản xuất giống vật nuôi chủ lực của thành phố. 

Đến năm 2045, chăn nuôi thành phố là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Trong đó, trình độ và năng lực sản xuất con giống của thành phố thuộc nhóm đầu của cả nước. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học.

TP.HCM là trung tâm sản xuất con giống của khu vực vào năm 2030 - Ảnh 1.

Trồng rau công nghệ cao trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM. Ảnh: Trần Đáng

Tuyên truyền, vận động người dân giảm nhanh quy mô chăn nuôi nông hộ, tăng mạnh quy mô trang trại; tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác để giảm chi phí đầu vào, ổn định đầu ra sản phẩm chăn nuôi, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tập trung sản xuất con giống chất lượng cao…

Cũng theo Sở NNPTNT TP.HCM, 10 tháng năm 2022, tổng diện tích canh tác rau củ quả ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố hơn 458ha. 

Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi hơn 433ha, huyện Hóc Môn hơn 5ha, huyện Bình Chánh hơn 8ha và huyện Nhà Bè hơn 4ha.

Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản, Trung tâm Công nghệ sinh học đã sưu tập được 17 giống hoa, cây kiểng, 13 giống rau và đang tiến hành phục tráng giống bầu địa phương tại huyện Cần Giờ. 

Đồng thời, nghiên cứu và chọn tạo giống, như: Cây hoa, cây kiểng đã xây dựng quy trình cảm ứng tạo các thể đa bội và sàng lọc, đánh giá thể đa bội ban đầu của một số giống lan rừng giả hạc. Đã chọn được 13 giống hoa có tính thích nghi cao và hoa đẹp, chống chịu tốt với bệnh hại trên địa bàn thành phố. Với cây rau đã tiến hành đánh giá tính thích nghi, khả năng sinh trưởng, phát triển 13 giống rau. Kết quả cho thấy, có 5 giống rau có tính thích nghi tốt, năng suất cao…

Với giống lợn đang tiến hành thu thập số liệu 4 đợt năm 2022, với trên 170.000 lượt con heo giống để xử lý và đánh giá tiến bộ di truyền giống heo theo phương pháp BLUP. 

Với giống bò sữa đã nghiên cứu đánh giá hiện trạng di truyền A1A2 của đàn bò sữa thành phốđể chọn đàn bò hạt nhân A2 chất lượng cao, kết quả cho thấy đàn bò sữa thành phố có tiềm năng tạo được đàn bò sữa hạt giống A2A2.

Thêm chính sách ưu đãi

Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM sẽ xây dựng các chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để phát triển các hoạt động chăn nuôi hiện đại, đồng bộ, chuỗi khép kín, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. 

Song song đó, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách về vốn nhằm tạo điều kiện thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư vào các dự án theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các mô hình tiên tiến hiện đại khác để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem