TP.HCM: Lễ khai giảng đặc biệt tại trường tiểu học của huyện "nóng" về dân nhập cư

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 03/09/2022 14:33 PM (GMT+7)
Lễ khai giảng đầu tiên của năm học 2022-2023 tại TP.HCM và cũng là là lễ khai giảng đầu tiên trong sự nghiệp ươm mầm của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, huyện Bình Chánh.
Bình luận 0

Sáng 3/9, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (khu dân cư 12E, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) tổ chức lễ khánh thành và khai giảng năm học 2022-2023.

 Đây là lễ khai giảng đầu tiên của năm học 2022-2023 tại TP.HCM và cũng là lễ khai giảng đầu tiên của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn


Lễ khai giảng đặc biệt

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành và khai giảng, thầy Phan Thái Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trường được khởi công cuối năm 2019 và hoàn thành trong tháng 3/2022. Trường có diện tích 13.607 m2, xây dựng khang trang với 30 phòng học, 8 phòng học bộ môn và 43 phòng chức năng với trang thiết bị hiện đại. Tổng chi phí đầu tư xây dựng là hơn 118 tỷ đồng.

TP.HCM: Lễ khai giảng đặc biệt tại trường tiểu học của huyện "nóng" về dân nhập cư - Ảnh 2.

Lãnh đạo UBND TP và các ban ngành cắt băng khánh thành trường Tiểu học Lê Quý Đôn, huyện Bình Chánh. Ảnh: MQ

Trong năm học mới sắp tới, trường tiếp nhận giáo viên và học sinh từ Trường Tiểu học Phong Phú 2 và các trường trên địa bàn lân cận để bắt đầu triển khai công tác dạy học. 

Theo thầy Hiệp, trước đó vào ngày 24/8, 14 lớp học với 532 học sinh đã tựu trường. Hiện, trường có 2 cán bộ quản lý, 16 giáo viên giảng dạy. Trong đó, 100% giáo viên có trình độ đại học, 1 nghiên cứu sinh thạc sĩ, 5/16 đạt giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua năm học 2021-2022.

Thầy Hiệp cho biết thêm, việc có một ngôi tr­ường mới với cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị đầy đủ, đồng bộ, sẽ tạo điều kiện cho thầy và trò được học tập, làm việc thuận lợi hơn.

TP.HCM: Lễ khai giảng đặc biệt tại trường tiểu học của huyện "nóng" về dân nhập cư - Ảnh 3.

Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ảnh: MQ

Duy trì tỷ lệ 300 phòng học/1 vạn dân

Theo thống kê trước năm học mới của Phòng GDĐT huyện Bình Chánh, toàn huyện có trên 800.000 dân, trong đó, có khoảng 100.000 học sinh độ tuổi đi học cấp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở (THCS). Trong đó, đối với học sinh đầu cấp, có 5.365 trẻ độ tuổi vào mẫu giáo, 8.530 trẻ độ tuổi vào lớp 1 và 8.561 học sinh hoàn thành chương trình bậc Tiểu học. Số học sinh bậc tiểu học tăng 1.776 học sinh so với năm học trước đó.

TP.HCM: Lễ khai giảng đặc biệt tại trường tiểu học của huyện "nóng" về dân nhập cư - Ảnh 4.

Sau lễ khai giảng, học sinh được lên phòng học để sinh hoạt cùng giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: MQ

Như vậy, số học sinh đầu các cấp mầm non, tiểu học và THCS của huyện rơi vào khoảng 22.500 học sinh. Trong khi đó, toàn huyện chỉ có 30 trường mầm non công lập, 36 trường tiểu học và 18 trường THCS. 

Lãnh đạo Phòng GDĐT huyện cho biết, trong năm học 2022-2023, huyện đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, về tiêu chí dạy 2 buổi/ngày thì không đạt được 100%. Bậc tiểu học chỉ đạt khoảng 48%, bậc THCS đạt khoảng 52%.

Được biết, huyện thực hiện nhiều phương án để đáp ứng dạy học như xây mới trường, lớp; cải tạo, nâng cấp... nhưng do dân nhập cư tăng mỗi năm, kéo theo số lượng học sinh tăng cao. Đặc biệt nhất là các xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai - "điểm nóng" về tăng dân số cơ học. Các xã này luôn gặp khó khăn vì thiếu trường, thiếu lớp.

TP.HCM: Lễ khai giảng đặc biệt tại trường tiểu học của huyện "nóng" về dân nhập cư - Ảnh 5.

Thư viện khang trang của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ảnh: MQ

Năm học 2022-2023, huyện đã hoàn thành công cải tạo nâng cấp Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 1 (xã Vĩnh Lộc A); công trình cải tạo nâng cấp Trường mầm non Phong Lan (điểm ấp 1) và hoàn thành công trình xây dựng Trường TH Lê Quý Đôn; đang hoàn thiện công trình xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Như vậy, để đáp ứng nhu cầu về trường học, chỗ học cho học sinh xã Phong Phú nói riêng và huyện Bình Chánh nói chung, việc trường Tiểu học Lê Quý Đôn được khánh thành và đưa vào sử dụng là rất cần thiết, cấp bách, giải quyết áp lực về trường lớp cho học sinh của huyện.

Trao đổi với Dân Việt, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc chăm lo, đảm bảo môi trường học tập cho tất cả học sinh lứa tuổi đến trường luôn được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm.

Hiện nay, áp lực ngày một lớn vì ngoài việc tăng dân số tự nhiên, TP.HCM còn bị tăng dân số cơ học rất nhanh. Do đó, thường xuyên có tình trạng không đủ trường lớp để đảm bảo tổ chức ngày học hai buổi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy vậy, TP.HCM hết sức nỗ lực, trong nhiệm kỳ này, thành phố đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ 300 phòng học/1 vạn dân. Qua đó sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu học tập.

"Quỹ đất dành cho giáo dục là một vấn đề lớn mà lãnh đạo thành phố phải đau đầu suy nghĩ để giải quyết hàng năm. Năm nay cũng là một trong những năm trọng điểm mà thành phố phải tập trung. Hiện lãnh đạo TP đã có chỉ đạo, yêu cầu các quận, huyện và Sở Quy hoạch Kiến trúc trong quá trình lập quy hoạch mới của thành phố phải quan tâm đến việc đảm bảo nguồn quỹ đất cho ngành giáo dục, khai thác tối đa để có thể đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh thành phố" - ông Đức nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem