Tôm "sống khỏe" chống chọi sức "tấn công" của nắng nóng

21/08/2021 17:45 GMT+7
Miền Trung đang vào mùa nắng nóng cao độ, vì vậy nhiều người nuôi tôm ở Bình Định đang căng mình chăm sóc tôm để đạt chất lượng sinh trưởng tốt.

Nắng nóng dễ khiến tôm bị sốc

Đến nay, người nuôi tôm ở Bình Định đã thả giống vụ 2 trên diện tích 2.000ha.

Ông Phạm Văn Chạy - người có thâm niên hàng chục năm nuôi tôm thẻ chân trắng (ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) cho biết, với thời tiết nắng nóng cao độ như hiện nay, người nuôi cần phải tăng cường bổ sung vào nguồn nước nuôi các chất làm giảm stress cho tôm như vitamin C và vitamin tổng hợp để tôm nuôi kháng được bệnh môi trường.

Theo ông Chạy, nắng nóng làm ảnh hưởng đến nhiệt độ của nguồn nước trong ao nuôi, dẫn tới môi trường nước nuôi tôm bị biến động, gây bất lợi cho tôm nuôi.

Tôm "sống khỏe" chống chọi sức "tấn công" của nắng nóng  - Ảnh 1.

Nhiều người nuôi tôm ở Bình Định lên phương án bảo vệ tôm trước mùa nắng nóng. Ảnh: TB.

"Tôm thẻ chân trắng phù hợp với nhiệt độ từ 28 - 30 độ C, nay nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ nước nuôi tăng lên 32 - 34 độ C, rất dễ làm tôm bị sốc, dẫn đến bị bệnh, nếu không được quản lý tốt sẽ rất dễ dẫn tới dịch trên diện rộng", ông Chạy lý giải.

Ông Phạm Thanh Nhân - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Định) cho rằng, thời điểm thả giống vụ nuôi thứ 2 năm nay, gặp thời tiết nắng nóng rất gay gắt nên ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tôm trong tỉnh cần lưu ý giờ thả tôm giống.

Bình thường, người nuôi tôm thả giống vào thời điểm 5 - 6 giờ chiều hay 5 giờ sáng. Nhưng trong điều kiện nắng nóng cao độ như hiện nay, thời điểm thả tôm giống tốt nhất là lúc 1 - 2 giờ sáng để cân bằng nhiệt độ giữa nước trong túi đựng tôm giống và nước trong ao nuôi.

Tôm "sống khỏe" chống chọi sức "tấn công" của nắng nóng  - Ảnh 2.

Mực nước trong hồ phải đảm bảo để duy trì nhiệt độ bình ổn. Ảnh: TB.

Chú trọng mực nước ao nuôi

Với thời tiết hiện nay, nhiệt độ nước trong ao nuôi vào lúc 5 - 6 giờ sáng phải đạt đến 30 - 31 độ C, sẽ ảnh hưởng không tốt đến tôm giống.

Do đó, tôm giống phải được thả vào lúc 1 - 2 giờ sáng, lúc này nhiệt độ nguồn nước trong ao nuôi chỉ 28 - 29 độ C, cân bằng với nhiệt độ nước trong bịch thì tôm giống mới an toàn, tỷ lệ tôm sống đạt cao. 

Theo ông Phạm Thanh Nhân, nắng nóng cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi. Do đó, mực nước trong ao nuôi cần được nâng cao hơn so với bình thường để làm giảm nhiệt độ nguồn nước nuôi.

Nếu mực nước trong ao nuôi bình thường chỉ cao 1,2m là phù hợp, thì trong điều kiện nắng nóng phải được nâng cao lên 1,3 - 1,4m.

Tuy nhiên, việc nâng cao mực nước trong ao nuôi còn tùy thuộc vào hạ tầng ao nuôi, chỉ những ao được đầu tư vững chắc, có bờ ao cao, dày thì mới thuận lợi cho việc nâng cao mực nước, đối với những ao có bờ thấp, mỏng thì việc nâng cao mực nước dễ bị phá vỡ hạ tầng ao nuôi.

Tôm "sống khỏe" chống chọi sức "tấn công" của nắng nóng  - Ảnh 3.

Chăm sóc ao tôm vượt qua nắng nóng. Ảnh: TB.

Ông Nguyễn Công Bình - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, đầu tháng 8 vừa qua, Bộ NNPTNT đã có quyết định xuất cấp, hỗ trợ không thu tiền cho Bình Định 40 tấn hóa chất để phòng chống dịch bệnh thủy sản. Số hóa chất này sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Trong tình hình nắng nóng kéo dài, tôm dễ bị bệnh do biến đổi thời tiết, môi trường, việc thực hiện quan trắc môi trường càng được đơn vị chức năng quan tâm. 

"Trong tháng 7/2021, đơn vị đã thực hiện 2 đợt quan trắc môi trường để kiểm tra các thông số, từ đó đề ra cảnh báo, khuyến cáo người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để  kịp thời điều chỉnh, quản lý môi trường nuôi", ông Bình cho hay.


Thăng Bình
Cùng chuyên mục