Bởi vì tiếng gà là âm thanh, nó loan xa, lơ lửng trong trời đất và đọng lại như tiếng mẹ ru, như một làn điệu dân ca. Đứa trẻ ở nông thôn nghe thấy tiếng gà từ trong bụng mẹ, đúng thôi. Nhưng đứa trẻ sinh ra trong thành phố thì sao? Tiếng gà đến với chúng từ ti-vi, phim ảnh, từ những khi bất chợt ai đó mang tới trong khu phố. Rồi những lần về quê hay dã ngoại, hay tự nhiên chúng có nhu cầu tìm kiếm, lắng nghe. Vân vân và vân vân.
Hồi sống ở Hà Nội, căn hộ giáp cánh đồng (nay là đường Vành đai 3), tiếng gà không thiếu. Dân công chức nửa bàn chân trên phố thị, nửa kia vẫn chạm vào đất nông nghiệp, tận dụng một chỗ trống bất kỳ để trồng rau và đặt chuồng gà. Khắp khu tập thể dậy sớm nhờ tiếng gà và ban trưa cũng không yên giấc bởi tiếng gà. Những buổi trưa thu, tiếng gà trong cùng với nắng trong, cư dân không khỏi thấm đẫm bồi hồi, rưng rưng thương nhớ! Thương nhớ ai? Và thương nhờ gì,… không rõ lắm. Chỉ biết là, đắm mình vào hoài niệm!
Ngày Tết thì tiếng gà càng dày hơn, như thể đang có cuộc thi của đám gà sở tại với gà nhập cư. Tiếng gà bị trói chân nghe ít dõng dạc hơn tiếng của con gà lâu nay đã sống trong cái chuồng ven đô. Vì sao có gà bị trói chân ở đây? Là vì dân Hà Nội lo xa, chừng mươi ngày áp Tết là họ tìm cách để có gà sạch ở nông thôn. Nguồn gà thì vô cùng phong phú. Người được bà con đích thân mang ra, người được cơ quan cử về tận nơi lùng mua, người được ai đó biếu dù người đó không là sếp gì cả… Lũ gà ấy bị nhốt tạm trong bu, trong bếp, trong hốc cầu thang, nên tiếng gáy của nó thường thất thanh, linh cảm về ngày lên “đoạn đầu đài” gần kề.
Chuyển về sống ở thành phố, được tiếng là nơi văn minh hơn, đô hội hơn, hiện đại hơn. Nhưng ngay những ngày đầu đã nghe thấy tiếng gà. Ở đâu ra vậy? Cuộc sống chung cư như thế này, chắc chắn không ai “nỡ” có một chuồng gà trên đầu thiên hạ được? Đi một vòng xem, dễ thôi, trên những bãi cỏ có bóng mát cây công viên, lũ gà tre, gà ác làm cảnh xinh như phim hoạt hình. Kia nữa, mấy con gà chọi đang được dưỡng trong lồng to để chờ ngày đưa đi đá hội. Không thấy gà để giết thịt, đơn giản vì dân thành phố nếu có biếu nhau thì người ta cũng biếu gà đã làm lông, không đưa gà sống, bất tiện.
Tiếng gà tre không vang xa nhưng the thé, dễ thương. Tiếng gáy của gà ác (gà đen) nghe thẽ thọt xứng với hình dáng nhỏ cỡ nắm tay, âm thanh tương ứng với trọng lượng, không “nổ”, không quá. Tiếng gà chọi thì đúng tiếng của thứ gà chiến binh, có kiêu ngạo, có tự tin và có cả hãnh hỗ. Như mọi giống gà ở trên đời, cứ thế, sớm và trưa, tiếng gà cất lên làm thành bản sắc của cư dân Việt. Có đúng là có cư dân Việt thì mới có tiếng gà trưa không? So với đô thị ở các nước trong khu vực thì sao? Singapore là đô thị loại nghiêm khắc nhất, không được nuôi gà. Thái Lan ư, xứ chỉ dành cho du lịch, không có gà chọi và gà cảnh. Và một số nơi khác.
Tôi yêu thích tiếng gà từ trong tiềm thức. Gắn bó như không khí, như nắng như mưa ở xứ mình. Mật thiết đến nỗi có đi ra nước người mới thấy à, xứ thiên hạ vắng thì vắng lặng, yên bình đến mức mình phải hoài nghi. Cho tôi một chút xao động bởi tiếng gà đi, ừ, không phải nơi mình sinh ra và lớn lên, nên không thể, vậy thôi!
* Từ tên một bộ phim của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.