Tổ công tác "giải cứu" niềm tin người mua nhà hay ủng hộ thị trường đầu cơ bất động sản?

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 19/11/2022 07:00 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia cho rằng việc lập tổ công tác nên tập trung giải cứu niềm tin nhà đầu tư, người mua nhà chứ không nên kích thanh khoản thị trường bất động sản. Vì hiện nay thanh khoản của thị trường bất động sản là chính là thị trường đầu cơ, nên nếu thúc đẩy nó là ủng hộ đầu cơ, người mua nhà thật rất khó mua nhà.
Bình luận 0

Lập tổ công tác chưa thể giải quyết khó khăn tức thời cho thị trường bất động sản

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp.

Đây là quyết định kịp thời nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn đang bủa vây xung quanh doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Trong đó, việc khơi thông những ách tắc trong triển khai các dự án bất động sản các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường hồi phục.

Tuy nhiên, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng những vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay thì không thể giải quyết ngay. Đầu tiên là vấn đề về nguồn cung đang bế tắc, mà để giải quyết nguồn cung thì phải tháo gỡ từ hệ thống pháp luật. Do đó, thành lập tổ công tác thời điểm hiện tại cũng không thể tháo gỡ về mặt pháp luật.

"Việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản bước đầu mới chỉ giúp khôi phục, tái tạo lại niềm tin chứ còn cách để tháo gỡ thực sự được những khó khăn, vướng mắc thì chưa có", GS Võ nhận định.

Lập tổ công tác “giải cứu” bất động sản: Khôi phục niềm tin nhưng chưa thể tháo gỡ khó khăn cho thị trường  - Ảnh 1.

Lập tổ công tác mới giúp khôi phục lại niềm tin cho nhà đầu tư và thị trường bất động sản (Ảnh: TN)

GS-TSKH Đặng Hùng Võ cũng cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thì việc tất yếu là sửa đổi Luật Đất đai. Quan trọng là phải sửa cho đúng chứ càng sửa càng sai thì chỉ làm cho thị trường bất động sản nhiều bất cập, khó khăn hơn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định việc thành lập tổ công tác là để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản cho nên cần phải có quá trình hoạt động chứ chưa thể giải quyết ngay lập tức. Việc thành lập tổ công tác sẽ giúp các ngành, các địa phương tháo gỡ được khó khăn trong cấp phép, xây dựng các dự án bất động sản cho đến thanh lọc thị trường một cách tốt nhất.

"Việc thành lập tổ công tác tạo sự gắn kết giữa các ban ngành, các địa phương trong việc giải phóng đất đai, đưa ra các dự án nhanh chóng đi vào hoạt động. Cùng với đó, đảm bảo quá trình đáp ứng nguồn nguyên vật liệu cho việc đầu tư xây dựng các dự án bất động sản góp phần phát triển thị trường ổn định", ông Thịnh nhận định.

Đánh giá cao việc lập tổ công tác "giải cứu" cho các dự án bất động sản, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng việc thành lập tổ công tác là quyết định có ý nghĩa rất lớn đối với thị trường bất động sản tại thời điểm khó khăn hiện nay. Chỉ sau hơn 1 tuần các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị, Chính phủ đã có quyết rất nhanh, quyết liệt và kịp thời.

Doanh nghiệp bất động sản "kêu" thanh khoản giảm nhưng giá nhà vẫn cao gây khó người mua nhà

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản thời gian qua phải "kêu cứu" do thị trường khó khăn, thanh khoản "tụt dốc", lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Các doanh nghiệp bất động sản liên tục cso biện pháp kích cầu, mở bán dịp cuối năm với những chương trình ưu đãi lớn, thậm chí khuyến mãi, chiết khấu đến 50% giá trị sản phẩm nếu khách hàng thanh toán ngay 95% giá trị bất động sản. Điều này để kéo lại thanh khoản vốn đang tụt dốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc thanh khoản giảm nhưng giá bán vẫn ở mức cao. Các doanh nghiệp cần có thêm các chính sách, tính toán lại giá bán phù hợp.

Lập tổ công tác “giải cứu” bất động sản: Khôi phục niềm tin nhưng chưa thể tháo gỡ khó khăn cho thị trường  - Ảnh 2.

Thanh khoản bất động sản giảm cũng khiến tình trạng đầu cơ bất động sản hạn chế (Ảnh: TN)

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh việc nhiều doanh nghiệp kiến nghị khó khăn về thanh khoản thì cần phải nhìn nhận khách quan là thị trường bất động sản cần tái cấu trúc. Tính thanh khoản của bất động sản thời gian qua có thể thấp nhưng hầu như tất cả các phân khúc bất động sản giá vẫn cao, có giảm thì cũng vẫn ở mức cao.

"Chúng ta phải thấy rằng năm 2020, 2021 nền kinh tế rất khó khăn thì giá bất động sản vẫn tăng mạnh, còn trong năm 2022 các doanh nghiệp cho rằng thanh khoản giảm nhưng giá vẫn tăng liên tục. Và điều này tạo nên sự bất thường đối với thị trường bất động sản. Do đó, việc tái thiết lại thị trường bất động sản sẽ giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn", ông Thịnh nhận định.

Còn theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng thanh khoản của thị trường bất động sản là chính là thị trường đầu cơ. Thanh khoản bất động sản giảm cũng khiến tình trạng đầu cơ bất động sản hạn chế.

"Hiện nay người dân đi mua nhà để ở rất khó khăn trong bối cảnh giá cao chót vót như vậy. Còn nếu chúng ta muốn tăng thanh khoản lên nghĩa là chúng ta ủng hộ đầu cơ. Chúng ta phải tạo ra một thị trường bất động sản vì người lao động, vì người dân chứ giá đang cao chót vót như vậy thì không phải là thị trường ổn định. Do đó, cần xem lại tư duy về thị trường bất động sản hiện nay", ông Võ nhấn mạnh.

Ông Võ nhấn mạnh, giải pháp đẩy mạnh đầu tư công mới chỉ giải quyết vấn đề niềm tin là chính. Còn hiệu quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp rất khó khi mà trong thời gian qua quá nhiều vụ việc liên quan tới các doanh nghiệp bất động sản. 

"Bây giờ người dân có còn tin tưởng để mua trái phiếu doanh nghiệp, khi mà niềm tin đã không còn nữa? Liệu người dân có còn tin tưởng để mua trái phiếu doanh nghiệp hay không? Câu hỏi này chắc phải để ngỏ. Vì thực tế, người dân hiện nay có tâm lý thu tiền về, đa số họ cũng không muốn gửi ngân hàng và càng không muốn mua trái phiếu. 

Trong khi đó trên thế giới vấn đề lạm phát hiện hữu rất rõ, thế nên để bảo vệ lợi ích người dân thu tiền về chứ không muốn đưa vào guồng thị trường tiền tệ hiện nay cũng như thị trường bất động sản. Tôi cho rằng những hoạt động của Chính phủ hiện nay cũng chỉ là thúc đẩy niềm tin cho thị trường", ông Võ phân tích. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem