Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương: Vẫn đang giải quyết khó khăn lưu thông hàng hóa

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 22/07/2021 13:06 PM (GMT+7)
Việc vận chuyển hàng hoá từ các địa phương về TP.HCM và từ phía TP.HCM tới các địa phương vẫn còn đang gặp khó. Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này.
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp cho biết quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa thời gian qua giữa TP.HCM và các tỉnh thành gặp nhiều khó khăn do phải qua nhiều chốt kiểm soát, các địa phương chưa thống nhất về quy định phòng dịch.

Lưu thông hàng hóa vẫn gặp khó  

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đang làm việc tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, sau ít ngày kiểm tra, làm việc cũng xác nhận việc vận chuyển hàng hoá từ các địa phương về TP.HCM và từ phía TP.HCM tới các địa phương vẫn còn đang gặp khó. 

Trong khi đó, việc kết nối nguồn hàng với các tỉnh, thành khác để tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM trong thời điểm hiện nay rất quan trọng. 

Doanh nghiệp chở hàng hóa, thực phẩm vào TP.HCM vẫn gặp khó - Ảnh 1.

Các chốt kiểm soát khiến việc vận chuyển hàng thiết yếu chậm hơn so với trước đây. Ảnh: Hồng Phúc.

Cụ thể, các hệ thống phân phối lớn như Co.opmart, MM Mega Market, VinMart, Aeon, Lotte Mart đang gánh nhiều chi phí phát sinh do doanh nghiệp phải chịu thêm các chi phí xét nghiệm cho tài xế, tăng cường tài xế; chi phí cách ly nhân viên, đảm bảo chỗ ở tạm thời cho nhân viên trong giai đoạn dịch bệnh…

Theo các doanh nghiệp này, thực tế hàng hóa thông qua kết nối với các nhà cung cấp là không thiếu. Tuy nhiên, khó khăn nhất những ngày qua là đưa hàng, đặc biệt thực phẩm tươi sống từ các vùng nguyên liệu, nhà cung cấp từ các tỉnh thành về TP.HCM. Chưa kể, nhiều chi phí phát sinh khiến giá thành cũng tăng cao.

Ngày 21/7, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết những ngày qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã rau, thực phẩm các tỉnh thành đều phản ánh đến hội những bất cập trong thu mua thực phẩm.

Theo bà, hệ thống phân phối không chỉ gồm các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, mà phần lớn còn nằm ở các thương lái, đi thu mua trực tiếp. Dịch bệnh, kiểm soát đi lại, xét nghiệm Covid-19 liên tục, không tìm ra tài xế… khiến phần lớn các thương lái nghỉ việc. Đây cũng là nguyên nhân khiến nơi thừa, nơi thiếu thực phẩm, giá bán tại nơi thiếu bị đẩy lên cao.

Bà Chi cũng nói thêm, mới nhất nhiều hợp tác xã ở Cần Giờ, tức ngay trong TP.HCM cũng phản ánh nghêu sò… đang nằm tại chỗ, không đi được cũng vì thiếu thương lái thu mua trực tiếp.

Dù vậy, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cũng nói thêm, trước mắt, việc tạo luồng xanh cho vận chuyển đã phần nào khơi thông cho hàng hóa lưu thông.

Tạo luồng xanh đưa hàng vào tâm dịch

Sau 3 ngày làm việc tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định do phải thực hiện quy định phòng dịch của các địa phương và các quy định này hiện vẫn chưa thống nhất, nên việc lưu thông hàng hóa vẫn còn khó khăn.

Tuy nhiên, ông khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành liên quan như Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là địa phương để sớm nhất tháo gỡ công tác vận chuyển hàng hóa. Việc đảm bảo hàng hóa này không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả các tỉnh thành còn lại của phía Nam đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16.

Doanh nghiệp chở hàng hóa, thực phẩm vào TP.HCM vẫn gặp khó - Ảnh 3.

Các Bộ, Sở ngành cho biết sẽ tạo luồng xanh cho doanh nghiệp đưa hàng vào TP.HCM, phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: Hồng Phúc.

Thông tin về việc giải quyết lưu thông hàng hóa, tổ công tác của Bộ Công Thương cho biết ngày 21/7, đã làm việc với Sở GTVT TP.HCM để nắm thông tin về tình hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu. 

Kết quả cho thấy sau khi Bộ GTVT có văn bản tạo điều kiện lưu thông hàng hôm 19/7, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đã lưu thông thuận lợi hơn.

Các phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được dán nhãn là các loại hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 nên không cần đăng ký, không cần dán thẻ nhận diện phương tiện (có mã QRCode) trên xe. 

Thay vào đó các xe chỉ cần dán logo nhận diện phương tiện vận chuyển các hàng thiết yếu, đồng thời tài xế vẫn phải tuân thủ theo quy định Bộ Y tế về giấy xét nghiệm. Tổ Công tác đã đề nghị Sở Giao thông vận tải cung cấp mẫu logo nhận diện để gửi các Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện.

Sở Công Thương TP.HCM cũng đã chuyển Sở GTVT cấp phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 (có mã QR Code) cho 529 đầu mối doanh nghiệp với 16.076 đầu xe, trong đó có 519 doanh nghiệp vận chuyển hàng thiết yếu với 16.066 xe vận tải các loại.

Hai bên cũng thống nhất đảm bảo cho các doanh nghiệp lưu thông xuyên suốt trên địa bàn TP và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem