Tình người trong hoạn nạn: Những hành động đẹp mùa COVID-19 và bão lũ ở miền Trung

Triệu Quang Thứ ba, ngày 22/12/2020 00:25 AM (GMT+7)
Thiên tai, dịch bệnh là 2 cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2020. Một năm đầy biến cố khi dịch bệnh hoành hành, bão lũ triền miên khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

img

Chủng virus SARS-CoV-2 gây nên dịch COVID-19 lần đầu được phát hiện tại một khu chợ ở Vũ Hán (Trung Quốc) và nhanh chóng lây lan ra hàng trăm nước với hàng triệu người nhiễm. Tháng 3/2020, COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố là đại dịch toàn cầu.

Tính đến ngày 21/12/2020, COVID-19 đã xuất hiện ở 215 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 77 triệu ca nhiễm, hơn 1,7 triệu ca tử vong. Riêng Việt Nam có 1.414 ca mắc và 35 ca tử vong.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, văn hóa… của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Đã có thời điểm, Chính phủ phải ban hành Chỉ thị cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.

Trong lúc dịch bệnh COVID-19 chưa chấm dứt thì một đợt bão, mưa lũ xối xả trút xuống khu vực miền Trung. Chỉ trong tháng 10/2020, có tới 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới miền Trung gây lũ lụt khắp nơi, phá hủy nhiều nhà cửa, cuốn trôi nhiều tài sản.

Nhiều người dân vốn đã gặp khốn khó trong dịch bệnh thì nay lại trắng tay do bão lũ. Không chỉ mất mát về tài sản, nhiều gia đình còn mất cả người thân. Tang thương bao trùm khắp dải đất miền Trung.

Một bức tranh u ám về đời sống, kinh tế của người dân trong năm 2020. Thế nhưng trong những khoảng tối ấy vẫn có những đốm lửa lóe sáng, đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc đã được phát huy mạnh mẽ trong hoạn nạn.

Cùng chúng tôi điểm lại những việc làm ý nghĩa, những hành động đẹp trong mùa COVID-19 và bão lũ ở miền Trung:

Máy “ATM gạo” và đồ ăn miễn phí cho người nghèo

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người nghèo không có việc làm, cũng không thể ra ngoài kiếm sống nên gặp khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, anh Hoàng Tuấn Anh - CEO Công ty PHGLock (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) đã có một phát minh, đó là làm một máy “ATM gạo” để phát gạo cho người nghèo.

img

img

Anh Tuấn Anh cùng các cộng sự tận dụng máy móc có sẵn của công ty chế tạo ra máy “ATM gạo” hoạt động như cây ATM rút tiền. Người dân chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra, mỗi lần được 1,5kg gạo, dành cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 tuần.

Máy “ATM gạo” nhanh chóng trở thành một “hiện tượng” trong dịch COVID-19 và nhanh chóng lan tỏa ra nhiều tỉnh thành. Người dân đồng lòng hưởng ứng, còn các mạnh thường quân tích cực góp gạo vào máy “ATM gạo” hỗ trợ người nghèo.

img

Bên cạnh đó, trong lúc dịch bệnh hoành hành, nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng lên đi quyên góp nấu những suất ăn, hoặc kêu gọi ủng hộ bánh mì, sữa, mì tôm… để phát cho người nghèo với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí

Khẩu trang, nước rửa tay là mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch COVID-19 bởi, nó làm hạn chế sự lây lan của virus giữa người với người khi tiếp xúc.

img

Thế nhưng khi dịch bệnh bùng phát, các mặt hàng này trở nên khan hiếm cực kỳ. Nhiều gian thương nhân cơ hội này đã ôm hàng và đẩy giá khẩu trang, nước rửa tay lên gấp 2-3 lần, thậm chí có thời điểm gấp 10-20 lần.

Chỉ sau khi Chính phủ vào cuộc, yêu cầu đẩy mạnh sản xuất phục vụ chống dịch cũng như yêu cầu lực lượng chức năng xử lý mạnh tay những cửa hàng bán khẩu trang, nước rửa tay không niêm yết giá thì những mặt hàng này mới bớt khan hiếm.

Nhận thấy việc đeo khẩu trang là cần thiết trong mùa dịch, nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra mua khẩu trang, nước rửa tay phát miễn phí cho người dân. Thậm chí, “ATM khẩu trang” cũng đã xuất hiện. Việc làm này đã nhanh chóng được mọi người ủng hộ và lan rộng thành một phong trào.

img

Nhiều điểm phát khẩu trang miễn phí mọc lên trên đường phố, người dân ai cần có thể đến lấy. Cũng có những người đích thân ra đường phát đến tận tay những người chưa có khẩu trang… một tinh thần đoàn kết chống dịch lên cao ngút.

Phong trào ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung

Ca sĩ Thủy Tiên là một trong những người đi đầu trong phong trào kêu gọi ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Trung. Ngay sau khi chứng kiến những cảnh tang thương do mưa lũ gây ra, Thủy Tiên đã kêu gọi mọi người cùng chung tay ủng hộ và đích thân cô đến vùng thiệt hại để trao tận tay tiền ủng hộ cho người dân.

img

Đã có nhiều lời đàm tiếu, nghi hoặc về việc làm từ thiện của Thủy Tiên nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả. Cô cùng với đoàn từ thiện của mình “ăn dầm nằm dề” hàng tháng trời ở vùng lũ miền Trung, đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, vào những bản làng vùng sâu vùng xa bị cô lập bởi nước lũ để mang đồ ăn, nước uống và tiền hỗ trợ trao cho người dân.

Việc làm của ca sĩ Thủy Tiên đã trở thành một phong trào ủng hộ đồng bão lũ lụt miền Trung. Rất nhiều người đã ủng hộ vào tài khoản của cô với mong muốn nhờ cô trao đến tận tay người dân vùng lũ lụt.  

Theo thống kê chưa đầy đủ, ca sĩ Thủy Tiên đã nhận được khoảng 150 tỉ đồng tiền ủng hộ. Tất cả số tiền này được cô dùng vào việc mua lương thực, thực phẩm, hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, khôi phục sản xuất… 

img

Tiếp sau ca sĩ Thủy Tiên, một phong trào ủng hộ người dân vùng bão lũ miền Trung dâng cao mạnh mẽ trong cộng đồng. Đâu đâu cũng thấy lời kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt, người dân từ em bé hay cụ già cũng trở thành mạnh thường quân. Họ góp những món quà dù nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa để cùng người dân vùng lũ vượt qua hoạn nạn.

Nhiều người ở cách miền Trung hàng trăm cây số, thế nhưng họ không ngại gian khó, nguy nan đến với miền Trung để trao những phần quà của mình đến tay người dân vùng lũ. Chứng kiến cảnh nước lũ mênh mông, ngập tới nóc nhà, chắc hẳn nhiều người sẽ thấm thía được nỗi khổ cực mà người dân vùng lũ miền Trung phải trải qua.

img

img

Nấu bánh chưng ủng hộ người dân vùng lũ

Biết người dân vùng lũ thiếu thực phẩm nhưng lại gặp khó khăn trong việc nấu nướng, nhiều tổ chức đã kêu gọi người dân chung tay gói bánh chưng để cứu trợ người dân miền Trung.

img

Bánh chưng có gạo, có đỗ, có thịt… vừa để được lâu vừa giúp người dân có sức khỏe để chống chọi lại với nước lũ. Từ đó, phong trào gói bánh tét (miền Nam), bánh chưng (miền Bắc) được người dân hưởng ứng.

Chưa phải Tết nhưng nhiều nơi đã đỏ lửa nấu bánh để chuyển sớm nhất đến tay người vùng lũ. Những chuyến xe cứu trợ tập nấp từ miền Bắc chở vào, từ miền Nam chở ra mang theo những tấm lòng của người dân cả nước chia sẻ đến những người dân vùng lũ miền Trung.

img

Bên cạnh đó, bếp tình thương với hàng nghìn suất cơm được các tổ chức gửi cho các đoàn cứu nạn chuyển đến tay người dân nơi sơ tán hoặc những người bị cô lập nhiều ngày trong nước lũ. Có những người cả chục ngày không có cơm ăn, chỉ gặm mì tôm sống đầm mình trong nước lũ đã khóc rưng rức khi cầm trên tay suất cơm có thịt, rau…

Thế mới thấy, nhiều khi chẳng cần phải của ngon vật lạ, hay sơn hào hải vị gì người ta mới thấy ngon, mà chỉ cần cho đúng người đúng thời điểm thì mọi thứ đều trở nên ý nghĩa. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách”… đó đều là những truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Những tấm gương sáng vì người khác quên mình

Trong dịch COVID-19, công an, bộ đội, y, bác sĩ là những lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch. Họ thường xuyên phải vào tâm dịch hoặc tiếp xúc với người bệnh, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.

img

Có những y, bác sĩ phải thức ngày thức đêm cấp cứu, chữa trị cho những ca bệnh nặng với mục tiêu hạn chế tối đa không để ca bệnh nào tử vong. Họ quay cuồng trong công việc, tìm phương thức để ứng phó với loại dịch bệnh còn mới mẻ này. Nhiều người làm ở ngay gần nhà nhưng cả tháng trời không được về, người thân thì mong ngóng, chờ đợi kèm theo cả sự lo sợ.

img

Nhiều đơn vị bộ đội nhường cơm, sẻ áo, nhường cả chỗ ngủ để cho người dân có nơi cách ly tập trung. Một số người phải cắm lều ngủ rừng, ngày đêm canh gác biên giới nhằm ngăn chặn những người từ nước ngoài vượt biên trái phép có thể mang dịch bệnh vào nước ta.

Trong mưa lũ, công an, bộ đội và chính quyền địa phương cũng là những lực lượng tiên phong giúp đỡ người dân. Ở đâu có người gặp nạn, họ đều có mặt để ứng cứu bất chấp hiểm nguy, thậm chí đánh đổi cả tính mạng.

img

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên vụ sạt lở đất tại Trạm bảo vệ rừng 67 đã vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ đang trên đường đi giải cứu những công nhân gặp nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Họ là những con người dũng cảm, vì dân quên mình. Khi nghe tin có công nhân gặp nạn, họ lập tức lên đường, xuyên đêm băng rừng ứng cứu. Thế nhưng, một vụ sạt lở đất kinh hoàng đã khiến họ không thể hoàn thành nhiệm vụ.

img

Một trường hợp khác là ông Hoàng Ái Nhân (61 tuổi, trú tại thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã qua đời do kiệt sức sau nhiều ngày dầm mưa cứu bà con vùng lũ miền Trung.

Ông Nhân chỉ là cán bộ mặt trận của thôn Đồng Tư nhưng khi chứng kiến cảnh người dân gặp nguy khó trong mưa lũ ông đã không quản ngại, tham gia cùng lực lượng chức năng cứu hộ, cứu trợ nhiều nhà dân, đưa bà con đến nơi trú ẩn an toàn. Ông cũng tham gia cùng các đoàn cứu trợ, phát quà từ thiện cho người dân, dọn dẹp bùn đất sau lũ...

Trở về nhà sau nhiều ngày dầm mưa, ông Nhân kêu mệt, nằm nghỉ một lát để rồi ông đã không còn tỉnh dậy nữa. Sự ra đi của ông để lại niềm thương tiếc vô bờ trong lòng người dân.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem