Tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước đã xây dựng nông thôn mới như thế nào?

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ bảy, ngày 21/01/2023 13:00 PM (GMT+7)
Là địa phương có diện tích rộng nhất cả nước, hiện tỉnh Nghệ An đã có 309/411 xã và 9 đơn vị cấp huyện, thị, thành đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cũng được nâng cao.
Bình luận 0

Xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An đi vào chiều sâu

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, tính đến hết năm 2022, Nghệ An có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Có 9 đơn vị cấp huyện, thị, thành hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, huyện Quỳnh Lưu, huyện Đô Lương và huyện Diễn Châu.

Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận - Ảnh 1.

Đến hết năm 2022, Nghệ An có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: V.H

Thông qua xây dựng nông thôn mới tạo bước chuyển tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực nông thôn Nghệ An.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn dự kiến đến hết năm 2022 là 35,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến đến cuối năm 2022 còn 6,49%, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu đến nay đạt 87%.

Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận - Ảnh 2.

Máy móc được đưa vào sản xuất trên những cánh đồng ở xứ Nghệ giúp tăng năng suất lao động. Ảnh: N.T

Nghệ An xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Cải thiện điều kiện sống, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền.

Bên cạnh đó vẫn còn một số xã chưa về đích nông thôn mới, đây chủ yếu là các xã miền núi khó khăn, có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.

Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận - Ảnh 3.

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là xã nông thôn mới kiểu mẫu với cổng làng đẹp như mơ. Ảnh: V.H

Xuất phát thấp về đích sớm

Là địa phương có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, văn hóa nhiều hạn chế, đó là những khó khăn khi huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận - Ảnh 4.

Những tuyến đường được xây dựng khang trang, diện mạo nông thôn ở xứ Nghệ có những thay đổi rõ nét. Ảnh: N.T

Trong quá trình triển khai hành động, huyện Quỳnh Lưu đã có nhiều cách làm sáng tạo, bám sát thực tế tại địa phương. Huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".

Cùng với đó là triển khai các mô hình phát triển kinh tế - xã hội; ban hành cơ chế chính sách phù hợp theo từng năm, từng giai đoạn như khen thưởng công trình phúc lợi cho xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã khó khăn, miền núi, ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết HĐND huyện, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng đã trích ngân sách hỗ trợ thêm xi măng làm đường giao thông, hỗ trợ xã phấn đấu đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận - Ảnh 5.

Những tuyến đường ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được trồng cây cảnh gọn gàng, sạch sẽ. Ảnh: V.H

Sau hơn 10 năm triển khai chương trình gia xây dựng nông thôn mới, Quỳnh Lưu đã huy động được hơn 19.000 tỷ đồng đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... ở các địa phương; vừa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

Đến nay, cả 32/32 xã (100%) trên toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 3 xã là Quỳnh Đôi, Quỳnh Lương, Quỳnh Hậu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã Quỳnh Đôi đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.

Tháng 5 năm 2022, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận đạt huyện nông thôn mới. 

Hiện tại, huyện Quỳnh Lưu tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề ra các giải pháp thực hiện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, xóm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem